Tháo gỡ khó khăn sản xuất, tiêu thụ nông sản Tây Bắc
Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông lâm sản hàng hóa. Tuy nhiên, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu; năng lực chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch, kho bãi còn hạn chế…
Đây là những nội dung được thảo luận tại diễn đàn kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc do Báo Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam và các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức chiều 1-7 tại tỉnh Sơn La.
Lợi thế nhưng còn khó khăn
Với nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và đa dạng sinh học, Tây Bắc được đánh giá là vùng tiềm năng trong phát triển nông lâm sản hàng hóa. Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông, lâm sản hàng hóa. Năm 2024, sản lượng lúa đạt 773,5 nghìn tấn, ngô đạt 638,4 nghìn tấn, sắn đạt 899 nghìn tấn, mía đạt 1,15 triệu tấn. Đặc biệt với ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, vùng Tây Bắc còn sản xuất nhiều loại cây ăn quả ôn đới và á nhiệt đới… Giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 245 triệu USD. Một số mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu, gồm: Cà phê hơn 90 triệu USD; chè 22 triệu USD; tinh bột sắn hơn 36 triệu USD; nhãn, xoài khoảng 30 triệu USD; tinh dầu quế khoảng 22 triệu USD. Tuy nhiên, sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ; liên kết chuỗi chưa bền vững; công nghệ chế biến, bảo quản, truy xuất nguồn gốc còn hạn chế. Nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chủ yếu tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định; liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ, giao thông còn khó khăn.

Quang cảnh buổi diễn đàn. Ảnh: Tùng Đinh
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Lê Quốc Doanh cho biết, những năm gần đây, Tây Bắc đã chủ động trong việc chuyển đổi sản xuất, tận dụng các cơ hội và lợi thế của vùng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Các sản phẩm, như: Cà phê, chè, cây ăn quả đặc sản đã được phát triển và đạt được nhiều thành tựu. Diện tích trồng cà phê ở Tây Bắc tăng 54% và sản lượng tăng 265% trong 10 năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ chứng nhận chất lượng sản phẩm vẫn chưa cao bằng các vùng khác, khiến cho việc tiêu thụ nông sản còn khó khăn…

Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Lê Quốc Doanh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tùng Đinh
Còn theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La Cầm Thị Phong, tỉnh có gần 120.000ha cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm, sản lượng tương ứng đạt 510.000 tấn và 102.000 tấn. Toàn tỉnh hiện có 216 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, 201 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, hơn 5.500ha đạt VietGAPvà gần 30.000 tấn cà phê được chứng nhận bền vững. Công tác chế biến và tiêu thụ được đẩy mạnh, thông qua gần 560 cơ sở chế biến, hàng nghìn điểm sấy long nhãn, hệ thống kho lạnh, đưa nông sản vào chuỗi siêu thị lớn và sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, Sơn La vẫn đối mặt nhiều khó khăn như: Địa hình dốc, sản xuất phân tán, chi phí cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến năng suất; giống cây chưa đồng đều, tỷ lệ rải vụ thấp. Cùng với đó, tỷ lệ chế biến sâu và bao bì nhãn mác chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; thiếu liên kết hợp đồng bền vững với doanh nghiệp; đất trồng kém bền vững và cơ giới hóa còn hạn chế.

Dây chuyền chế biến dứa tại Trung tâm Chế biến rau, quả DOVECO Sơn La. Ảnh: Báo Nông nghiệp và Môi trường
Tái cơ cấu sản xuất gắn với vùng nguyên liệu
Để tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp Tây Bắc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Điện Biên Lò Hồng Phong đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ tỉnh tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, chương trình đào tạo kỹ thuật canh tác, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực, như: Cà phê chè Arabica Điện Biên, chè Shan tuyết Tủa Chùa. Các tỉnh Tây Bắc nên đẩy mạnh liên kết vùng nhằm chia sẻ thông tin thị trường, xây dựng các kênh phân phối và thương hiệu chung cho các sản phẩm của khu vực. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ kết nối các hợp tác xã với doanh nghiệp chế biến để phát triển chuỗi giá trị cho các sản phẩm nổi bật như cà phê Sơn La - Điện Biên hay chè Tà Xùa - Tủa Chùa…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Điện Biên Lò Hồng Phong đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ tỉnh tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, chương trình đào tạo kỹ thuật canh tác, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế. Ảnh: Tùng Đinh
Còn theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, tỉnh xác định rõ nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đi vào chiều sâu, nâng cao hàm lượng chế biến sau thu hoạch, thúc đẩy sản phẩm đặc sản, có thế mạnh gắn với thị trường. Trong đó, công nghệ sau thu hoạch sẽ quyết định chất lượng và giá trị thương phẩm, là khâu cần được tập trung đầu tư. Sản xuất nông nghiệp được tổ chức theo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tùng Đinh
Phát biểu kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho rằng, các tỉnh Tây Bắc cần khẩn trương hoàn thành việc xác định vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực đến cấp xã, theo hướng tập trung, liền vùng, liền thửa, thuận tiện cho cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng và liên kết sản xuất. Phát triển công nghiệp chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch; tập trung phát triển các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu, lấy Sơn La làm hạt nhân kết nối với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Tăng cường hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống sơ chế, đóng gói, kho lạnh tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, đại lý thu gom. Cùng với đó, đẩy mạnh chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kết nối nông sản Tây Bắc vào chuỗi siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn công nghiệp, khu du lịch; chuỗi siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn tập thể, khu du lịch. Bộ sẽ tổ chức xúc tiến xuất khẩu tại Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu…; đồng thời xây dựng bản đồ thị trường tiêu thụ theo mùa vụ và chủng loại sản phẩm.

Công nhân của Tập đoàn TH (Chi nhánh Sơn La) đang chế biến nhãn xuất khẩu. Ảnh: Báo Nông nghiệp và Môi trường
Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng cơ sở dữ liệu mở về đất đai, khí hậu, mùa vụ phục vụ dự báo, điều hành sản xuất nông nghiệp. Nhân rộng VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng có lợi thế địa hình và khí hậu, như: Mộc Châu, Mai Sơn (Sơn La); Bắc Hà (Lào Cai)… Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, hỗ trợ hợp tác xã, đầu tư vùng khó khăn, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp chế biến tại vùng sâu, vùng xa…