Thành quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Một Việt Nam tích cực, trách nhiệm tại các cơ chế, diễn đàn đa phương
Những thành tựu nổi bật mà Việt Nam đạt được khi tham gia và đóng góp vào các cơ chế, diễn đàn đa phương vài năm trở lại đây đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế, đồng thời là minh chứng cho nỗ lực triển khai chủ trương, đường lối đối ngoại do Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Những gì đã và đang diễn ra cho thấy, kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Việt Nam đã chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của mình trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị-kinh tế quốc tế, nhất là đối với những vấn đề, cơ chế quan trọng, có tầm chiến lược với lợi ích quốc gia, phù hợp khả năng và điều kiện cụ thể của đất nước. Bằng chứng là Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 và được bầu vào một số cơ chế quan trọng của LHQ như Phó chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC), Ủy ban Luật thương mại Quốc tế, Hội đồng Thống đốc của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)... đặc biệt là trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục thể hiện sự tích cực, chủ động tham gia xử lý nhiều vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu tại các cơ chế, diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ LHQ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Thông qua việc tham gia và trực tiếp đóng góp trí tuệ, tiếng nói tại các cơ chế, diễn đàn này đã góp phần củng cố, nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong quan hệ với các nước và các tổ chức, diễn đàn quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; tái khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời chung tay cùng thế giới giải quyết các thách thức chung hiện nay như an ninh biển, biến đổi khí hậu, lương thực, nguồn nước... Một trong những dấu ấn nổi bật là thành công của Việt Nam khi tham gia xử lý các vấn đề này đã kết hợp được quan điểm, lập trường của mình với luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và tình hình thực tế mối quan hệ với các nước.
Bên cạnh đó, thông qua tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa phương ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp Việt Nam trở thành một mắt xích trong các liên kết kinh tế quan trọng, ngày càng gắn kết sâu rộng hơn với thế giới để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Sự tham gia chủ động, tích cực tại các tổ chức, cơ chế và diễn đàn đa phương trong những năm qua cũng góp phần quan trọng vào thành công của Việt Nam khi cùng cộng đồng quốc tế triển khai các hoạt động đa phương trên thực địa, điển hình là trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ. Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục tham gia tích cực vào hoạt động này bằng cách cử lực lượng với quy mô, thành phần và nhiệm vụ lớn hơn tới các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ. Gần đây nhất, vào tháng 2-2023, năng lực, uy tín và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong các hoạt động mang tính đa phương cũng được khẳng định khi Quân đội nhân dân Việt Nam cử lực lượng sang Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ nước bạn triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất.
Sẽ là chưa đủ nếu không nhắc tới những dấu ấn của đối ngoại trên kênh Đảng. Kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tham gia, đóng góp tích cực tại nhiều cơ chế đa phương với sự tham gia của các chính đảng trên thế giới, trong đó có Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ; Cuộc gặp quốc tế các Đảng Cộng sản và công nhân (IMCWP) lần thứ 22 tại La Habana, Cuba; Diễn đàn Sao Paulo lần thứ 26 tại Brasilia, Brazil. Ngoài ra, Việt Nam còn là nước chủ nhà của Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới diễn ra vào tháng 11-2022.
Cũng có thể nói rằng, những thành tựu to lớn về mọi mặt mà Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới, đặc biệt là kể từ sau Đại hội XIII đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, từ đó ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta ngày càng tham gia sâu rộng hơn vào các cơ chế, diễn đàn đa phương quốc tế và tổ chức các sự kiện liên quan.
Những năm tới, đối ngoại đa phương được dự báo tiếp tục là xu thế nổi bật trong quan hệ quốc tế và đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội của mỗi nước cũng như thế giới. Với riêng Việt Nam, việc tham gia vào các cơ chế, diễn đàn đa phương vẫn sẽ là kênh quan trọng nhằm góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình và ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đóng góp tiếng nói vào việc giải quyết những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống có liên quan tới đất nước, khu vực và toàn cầu; tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Điều đó đòi hỏi những năm tới cần tiếp tục triển khai thành công các phương hướng, nhiệm vụ đối ngoại nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, trong đó có việc tiếp tục chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương và tham gia tích cực vào các tổ chức trực thuộc LHQ. Trước mắt là tập trung đảm nhiệm tốt trọng trách tại các tổ chức, cơ quan quốc tế mà Việt Nam đang đóng vai trò là thành viên; phát huy vai trò tại các diễn đàn đa phương lớn; đồng thời đề xuất, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác liên quan tới những lĩnh vực "nóng" hiện nay như: Chuyển đổi năng lượng, an ninh nguồn nước và lương thực, chuyển đổi số...
Nhiệm vụ thúc đẩy đối ngoại, hợp tác đa phương từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ khi phát biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra vào giữa tháng 5-2023, đó là: “Tổ chức thật tốt các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao; chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ với các đối tác; đẩy mạnh đối ngoại đa phương; giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, trước hết...”
Những kết quả nói trên không chỉ thể hiện hình ảnh một Việt Nam luôn chủ động, tích cực và trách nhiệm trên các cơ chế, diễn đàn đa phương mà còn khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
TRUNG DŨNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng xem các tin, bài liên quan.