Thành phố Hồ Chí Minh: Chủ động, linh hoạt trong đặt tên, đổi tên đường

Trong 20 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện Nghị định số 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhiều con đường mang tên Điện Biên Phủ sau khi Thành phố Hồ Chí Minh sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nhiều con đường mang tên Điện Biên Phủ sau khi Thành phố Hồ Chí Minh sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tuy nhiên, không ít vấn đề khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện Nghị định số 91 đòi hỏi thành phố cần có đề xuất, giải pháp khắc phục triệt để nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác này.

Nhiều tên đường trùng lặp

Từ năm 2005 đến nay, cơ quan có thẩm quyền của thành phố đã ban hành văn bản đặt tên cho 643 tuyến đường; đổi tên ba tuyến đường và điều chỉnh lý trình 19 tuyến đường. Các tuyến đường được đặt tên, đổi tên phù hợp truyền thống lịch sử, danh nhân văn hóa, địa danh tiêu biểu... Hiện ngân hàng tên đường và công trình công cộng (gọi tắt là ngân hàng tên) có 1.375 tên, đã sử dụng để đặt tên đường là 620 tên, còn 755 tên chưa sử dụng. Các loại hình trong ngân hàng tên khá phong phú như: Danh nhân (gồm nhân vật trong nước và nhân vật người nước ngoài); địa danh; sự kiện lịch sử, phong trào cách mạng và di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 91/2005/NÐ-CP của Chính phủ cũng nảy sinh những khó khăn, vướng mắc như: Tiêu chí lựa chọn tên để bổ sung ngân hàng tên còn chung chung; điều kiện tuyến đường được xem xét để đặt tên không còn phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay; tình trạng trùng tên đường chưa được quy định hướng dẫn giải quyết; tiêu chí để xác định công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng chưa được quy định cụ thể; thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan đôi khi chưa rõ ràng; quy trình lấy ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tốn nhiều thời gian…

Các tuyến đường được đặt tên, đổi tên phù hợp truyền thống lịch sử, danh nhân văn hóa, địa danh tiêu biểu...

Theo đề án “Công tác đặt đổi tên đường và công trình công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020” do nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thì thành phố có 38 tên đường không chính xác. Đến năm 2025, thành phố đã điều chỉnh một số tên đường như: Bùi Hữu Diện - Bùi Hữu Diên (tên đúng), Nguyễn Chánh Sắc - Nguyễn Chánh Sắt (tên đúng), Đoàn Minh Triết - Đoàn Triết Minh (tên đúng). Ngoài ra, đường Trương Đình Hợi (tên sai) ở hai phường Xóm Chiếu và phường Phú Định thì hiện mới chỉ có phường Phú Định đã sửa thành Trương Đình Hội (tên đúng).

Bên cạnh tên đường sai, thực trạng trùng tên đường trên địa bàn thành phố vẫn còn khá phổ biến. Năm 2020, nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân xác định 311 tuyến đường ở Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong trường hợp có tên bị trùng lặp với 132 tên gọi. Một số tên đường có ở nhiều phường như Chu Văn An, Nguyễn Trường Tộ, Ngô Quyền, Nguyễn Công Trứ, Phan Châu Trinh, Trần Hưng Đạo…

Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đại đô thị sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Sự thay đổi này tạo ra thách thức rất lớn trong công tác quản lý hệ thống tên đường, khi các tuyến đường có tên giống nhau sẽ tăng mạnh. Theo đó, một số tên đường phổ biến trùng lặp sau khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu gồm: Nguyễn Văn Trỗi, Cách mạng Tháng Tám, Lê Lợi, Võ Thị Sáu, Trần Hưng Đạo,…

Giữ hồn cốt cho đô thị

Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng các tuyến đường trùng tên, nhất là giữa các phường, xã khác nhau, đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính, cấp giấy tờ pháp lý, vận hành logistics, cứu hộ cứu nạn, cũng như làm giảm hiệu quả quản lý đô thị thông minh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tên đường trùng nhau trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như lịch sử để lại, dấu ấn lịch sử văn hóa và do tự phát.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng, Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, tên đường thường đặt tên theo tên danh nhân, các sự kiện lịch sử, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mẹ Việt Nam Anh hùng, địa danh… Điều này dẫn đến các tỉnh, thành phố thường có tên đường trùng nhau, thậm chí trong một tỉnh vẫn xảy ra sự trùng lặp tên đường giữa các quận, huyện. “Bên cạnh đó, từ sau năm 1975 đến trước năm 1995, chúng ta chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền đặt tên của từng cấp nên các quận, huyện đã tự ý đặt tên đối với tuyến đường mới, gây sự trùng lặp tên đường”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng cho hay.

Để nâng cao chất lượng công tác đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng, thành phố cần tổ chức điều tra, rà soát và lập danh mục tên đường trên phạm vi toàn thành phố mới. Thời gian tới, thành phố cần ban hành kế hoạch đổi tên đường có lộ trình phù hợp, kết hợp ứng dụng công nghệ GIS, tham vấn cộng đồng và học hỏi kinh nghiệm quốc tế để xây dựng hệ thống tên đường duy nhất, hiện đại.

Theo Tiến sĩ Trương Hoàng Trương, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà nước cần bổ sung quy định về vấn đề tên đường sai. “Nghị định số 91 của Chính phủ chưa đề cập đến vấn đề tên sai. Chính vì thế, nghị định mới cần bổ sung quy định cụ thể để xử lý các trường hợp tên đường không chính xác hoặc gây nhầm lẫn”, ông Trương cho hay.

Trao đổi về “Tiêu chí xét chọn nhân vật lịch sử, danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội và địa danh”, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, nước ta có những địa danh trở thành những cái tên hấp dẫn đối với du khách nước ngoài như Tràng An, Phong Nha, Lũng Cú… Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa có những con đường mang tên địa danh nổi tiếng cả nước hội tụ về đây. Đặc biệt, trong tình hình cả nước đã sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, một số địa phương không còn tên, nhiều địa danh đã từng ghi dấu ấn trong tiến trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước nay không còn. Đây là dư địa cho thành phố bổ sung vào ngân hàng tên đường về địa danh. Bên cạnh đó, bà Cẩm cũng gợi ý thành phố cần quan tâm đến việc dùng tên các di tích lịch sử-văn hóa, sự kiện lịch sử để đặt tên đường. “Nếu chúng ta khai thác đầy đủ các yếu tố nêu trên, việc đặt tên đường ở thành phố sẽ góp phần tích cực vào việc làm cho đại đô thị Thành phố Hồ Chí Minh mang màu sắc của một đô thị di sản”, bà Cẩm chia sẻ.

Việc đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng là rất quan trọng. Công việc này không chỉ để quản lý đô thị mà còn ý nghĩa sâu hơn đó là xây dựng bản sắc văn hóa, tạo nên hồn cốt cho đô thị. “Chúng ta cần lấy sự đồng thuận của nhân dân làm trung tâm; lấy lợi ích của nhân dân làm nền tảng; lấy phối hợp chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục pháp luật bảo đảm hài hòa tính khoa học và thực tiễn trên cơ sở quan điểm lịch sử cụ thể làm trọng yếu và thường xuyên trong triển khai công tác quản lý tên đường, công trình công cộng”, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Võ Mạnh Hảo

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-chu-dong-linh-hoat-trong-dat-ten-doi-ten-duong-post896564.html
Zalo