Thanh Hóa phát huy hiệu quả phương châm '4 tại chỗ' sớm ổn định cuộc sống cho người dân sau bão số 3
Bão số 3 đổ bộ vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã gây ra nhiều thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, chủ động vào cuộc sớm và phát huy hiệu quả phương châm '4 tại chỗ', lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương đã góp phần kiềm chế, giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 9 giờ ngày 23-7, bão số 3 đã gây ra nhiều thiệt hại tại tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là tình trạng ngập lụt và chia cắt ở nhiều khu vực. Hàng loạt địa phương như xã Tân Thành, Luận Thành, Sơn Thủy, Thanh Kỳ… ghi nhận tình trạng nước sông, suối dâng cao khiến hàng nghìn người bị cô lập.
Cụ thể, xã Tân Thành có 10 thôn bị chia cắt với hơn 1.500 hộ dân, 6.493 khẩu; xã Luận Thành có 14 hộ với 56 khẩu; xã Sơn Thủy có 85 hộ với 361 khẩu, và xã Thanh Kỳ có 3 thôn với 22 hộ, 100 khẩu rơi vào tình trạng tương tự. Toàn tỉnh đã di dời, sơ tán 524 hộ với 2.302 người đến nơi an toàn tại nhiều xã như Mường Lý, Quang Chiểu, Trung Thành, Thanh Quân, Thắng Lộc, Pù Nhi... nhằm giảm thiểu thiệt hại về người.

Nhân dân tập trung kè đê Sông Cung, xã Hoằng Châu.

Huy động các công cụ tại chỗ phòng, chống lở đê.
Hệ thống thủy lợi, đê điều cũng chịu nhiều tổn thất với 5 sự cố nghiêm trọng được ghi nhận. Trong đó, nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng tại các tuyến đê thuộc xã Hoằng Châu, Tân Ninh, Hoằng Lộc, Định Hòa và phường Quang Trung, với chiều dài sạt lở từ 18m đến 150m....
Xã Hoằng Châu là một trong những địa phương phải di dời nhân dân nhiều nhất, có 220 hộ với 678 nhân khẩu. Nhờ chủ động làm tốt công tác phòng chống bão nên địa phương không có thiệt hại về người và hạn chế được mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân.

Các lực lượng chức năng xã Triệu Lộc dọn cây đổ sau bão.
Toàn tỉnh có 2.237,3 ha lúa bị ngập, tập trung tại các huyện Hà Trung, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thiệu Hóa, Đông Sơn và thành phố Bỉm Sơn. Ngoài ra, 7 khu dân cư bị cô lập hoàn toàn, nhiều tuyến đê xung yếu bị sạt lở như đê Tam Điệp (150m), đê Tây Sông Cùng, đê Sông Mã. Một số sự cố như chìm đò, trôi bè cá cũng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Sơ tán nhân dân ra nơi an toàn tại xã Nhi Sơn.
Thông tin mới nhất về đoạn đường ở bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn (huyện Mường Lát cũ) bị sạt lở hơn 40m. Được biết, sau khi sạt lở, Ban chỉ huy quân sự xã Nhi Sơn đã cử lực lượng phối hợp với các lực lượng chuyên môn, canh gác hướng dẫn giao thông và dọn dẹp đất đá, đến chiều ngày 22-7, đã thông tuyến cho nhân dân đi lại. Song đêm ngày 22-7, do lượng bùn từ đồi đổ xuống lớn, nên đoạn đường này tiếp tục tắc trở lại. Hiện nay các lực lượng đang nhanh chóng dọn dẹp bảo đảm giao thông cho nhân dân đi lại.
Để giảm thiệt hại và nhanh chóng khắc phục các sự cố do bão số 3 gây ra là nhờ quá trình trước, trong và sau bão, tỉnh Thanh Hóa đã phát huy tốt “4 tại chỗ”, chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả bão lũ. Công tác kiểm tra thực địa được duy trì thường xuyên, nhất là tại các vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ sạt lở, hệ thống đê điều, hồ đập...Việc di dời dân, chốt chặn các điểm nguy hiểm, bảo đảm lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân được thực hiện kịp thời, góp phần giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.
Tính từ ngày 20 đến 23-7, lực lượng vũ trang tỉnh đã huy động hơn 4.632 lượt người, 38 ô tô, 5 xuồng máy và hàng trăm phương tiện, trang bị phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai ứng phó, giúp nhân dân di dời, canh gác, xử lý các tình huống khẩn cấp, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân.

Lực lượng dân quân xã Nhi Sơn phối hợp chống sạt lở.
Dù bão số 3 gây thiệt hại đáng kể, song với tinh thần trách nhiệm cao, sự chủ động, quyết liệt của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, Thanh Hóa đã kiểm soát hiệu quả tình hình, nhanh chóng khắc phục hậu quả, từng bước ổn định đời sống. Hiệu quả rõ nét của phương châm “4 tại chỗ” tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong công tác phòng, chống thiên tai, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong mọi tình huống.