Thanh Hóa: Hàng trăm tỷ đồng tiền 'bán không khí' chưa thể giải ngân

Liên quan đến số tiền 'khủng' từ dự án thí điểm bán tín chỉ carbon trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, việc giải ngân cho các chủ rừng là tổ chức hiện chưa thể thực hiện do gặp phải nhiều vướng mắc về quy định pháp lý.

162 tỷ đồng tiền bán tín chỉ carbon cho tỉnh Thanh Hóa

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc Quỹ Bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 647.000ha rừng, hơn 393.000ha rừng tự nhiên (chiếm 53%).

Ngoài hỗ trợ gạo, tiền giao khoán bảo vệ rừng, từ năm 2012, tỉnh Thanh Hóa còn được hưởng 30-35 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích khoảng 400.000ha.

Diện tích rừng này nằm trong lưu vực của 12 nhà máy thủy điện, với 22 chủ rừng nhà nước, 5 chủ rừng UBND cấp xã, 626 chủ rừng là cộng đồng (đại diện cho 2.188 cá nhân, gia đình) được thụ hưởng.

Tiền chi trả từ dự án bán tín chỉ carbon giúp cải thiện đời sống của nhân dân sống gần rừng, nâng cao nhận thức của người dân về quản lý bảo vệ rừng.

Tiền chi trả từ dự án bán tín chỉ carbon giúp cải thiện đời sống của nhân dân sống gần rừng, nâng cao nhận thức của người dân về quản lý bảo vệ rừng.

Từ năm 2023, tỉnh Thanh Hóa là một trong 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thí điểm dự án chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (gọi tắt ERPA - bán tín chỉ carbon). Qua rà soát, Thanh Hóa có hơn 393.000ha được chi trả, với tổng số hơn 162 tỷ đồng cho giai đoạn (2023 - 2025).

Theo ông Nghị, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 365.000ha bảo đảm điều kiện chi trả cho 39 chủ rừng là tổ chức, 63 UBND xã, thị trấn và 25.032 chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư.

Năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa được chi trả 49 tỷ đồng tiền từ chương trình thí điểm bán tín chỉ carbon/162 tỷ đồng cho giai đoạn 2023-2025.

Hiện tại, có 23 tỷ đồng đã được giải ngân chi trả tới tận tay cho chủ rừng cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư.

Số tiền còn lại chi trả cho các chủ rừng là tổ chức (ban quản lý rừng phòng hộ, khu bảo tồn, vườn quốc giá ...) đã được Quỹ chuyển về tài khoản của các chủ rừng, nhưng chưa thể giải ngân, thực hiện các hoạt động sinh kế, biện pháp lâm sinh.

Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm chi trả tiền bán tín chỉ carbon

Ông Chung Văn Chi, Phó Hạt Trưởng Hạt kiểm lâm huyện Như Xuân, cho hay, năm 2023 trên địa bàn huyện Như Xuân có 28.963,58ha rừng tự nhiên đủ điều kiện chi trả dự án thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.

Đối với diện tích của chủ rừng là Nhóm I (gồm: hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và đang giao cho UBND xã tạm quản lý là 10.394,59ha), kinh phí dự án do ban quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa chi trả cho các hộ gia đình thông qua bưu điện. Hiện tại, các hộ dân đã nhận đủ tiền theo quy định của dự án. Mặc dù số tiền không lớn, nhưng nó góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, giúp nâng cao ý thức bảo vệ rừng đối với người dân lâu nay sống gần rừng, dựa vào rừng. Còn chủ rừng là tổ chức thì tiền đã về tài khoản, nhưng chưa thể giải ngân, chi trả.

Lực lượng chức năng và người dân huyện Như Xuân tuần tra, bảo vệ rừng.

Lực lượng chức năng và người dân huyện Như Xuân tuần tra, bảo vệ rừng.

Theo ông Chi, mới đây, đại diện Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa cùng với Hạt Kiểm lâm Như Xuân và chính quyền địa phương phối hợp với đoàn công tác của Ngân hàng thế giới đi kiểm tra việc chi trả tiền ERPA cho gần 100 hộ dân trên địa bàn huyện. Đoàn đã ghi nhận, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến của người dân trong quá trình bảo vệ rừng và thực hiện dự án.

Ông Chi phân tích, theo quy định tại Nghị định số 107/NĐ-CP, số tiền bán tín chỉ carbon phải được chi ở các mục như: hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng sống gần rừng, tham gia bảo vệ rừng, chi cho hoạt động các biện pháp lâm sinh, làm giàu rừng, khoanh nuôi, trồng rừng bổ sung .. nhưng không trùng với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước.

Ông Phan Xuân Phong, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng (đóng trên địa bàn huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa), chia sẻ, đơn vị quản lý, bảo vệ 8.100ha rừng, trong đó phần lớn là rừng tự nhiên. Qua rà soát, phần lớn diện tích rừng do Ban quản lý, bảo vệ đủ điều kiện chi trả tiền thuộc dự án thí điểm bán tín chỉ carbon.

Năm 2023, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng được chuyển hơn 1 tỷ đồng tiền bán tín chỉ carbon từ Quỹ Bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, số tiền này đến nay vẫn chưa thể giải ngân vì vướng quy định tại Nghị Định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.

Ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc Quỹ Bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa lý giải, Nghị định 107/NĐ-CP quy định, việc chi trả tiền bán tín chỉ carbon không trùng với khoản chi của nhà nước. Trong khi chương trình thí điểm bán tín chỉ carbon này triển khai trên diện tích rừng tự nhiên, mà diện tích rừng này được bố trí kinh phí từ các dự án, chương trình của nhà nước.

Theo ông Nghị, chương trình thí điểm bán tín chỉ carbon theo Nghị định 107/NĐ-CP chỉ có hiệu lực tới năm 2026. Trong khi nguồn từ 2023 do chưa thể giải ngân phải chuyển sang năm 2024. Theo quy định, các đơn vị khóa sổ kế toán vào ngày 31/12 hằng năm, lập và điều chỉnh báo cáo quyết toán đến ngày 30/6 và trình thẩm định, phê duyệt quyết toán vào ngày 15/7 năm sau.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiến độ, Quỹ Bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai Thanh Hóa đã có kiến nghị Trung ương cho kéo dài thời gian thực hiện chi trả chi tiền bán tín chỉ carbon đến năm 2027.

Phạm Xuân Chinh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thanh-hoa-hang-tram-ty-dong-tien-ban-khong-khi-chua-the-giai-ngan-204241123112429932.htm
Zalo