Thanh Hóa: Đảm bảo an toàn cho người và tài sản trước bão số 3
Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ quan đơn vị chủ động, quyết liệt, không để bị động, bất ngờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản trước bão số 3.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cơn bão số 3 (tên quốc tế là WIPHA) đã đi vào biển Đông với cường độ mạnh, diễn biến rất phức tạp, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.
Để ứng phó với cơn bão này, ngày 20/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 19-CĐ/TU yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan đơn vị khẩn trương vào cuộc, tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống bão số 3 với tinh thần chủ động, quyết liệt, không để bị động, bất ngờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, bảo đảm an toàn cho Nhân dân và duy trì ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội trong và sau bão.

Tàu thuyền được hướng dân, neu đậu nơi an toàn. Ảnh: Thái Thanh
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát, cập nhật và kích hoạt ngay các phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với cấp độ rủi ro, sát thực tế từng địa bàn, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, linh hoạt, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Chỉ đạo tổ chức kiểm đếm, giám sát chặt chẽ toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên biển, ven biển (bao gồm cả tàu du lịch); kiên quyết yêu cầu di chuyển về nơi tránh trú an toàn, nghiêm cấm ra khơi khi không đảm bảo an toàn; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động, phối hợp chặt chẽ trong công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Lực lượng chức năng hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền. Ảnh: Thái Thanh
Kiểm tra, rà soát, gia cố, bảo vệ an toàn các công trình trọng yếu, nhất là các hồ đập thủy lợi, đê điều, công trình công cộng, công trình đang thi công dở dang.
Chỉ đạo khẩn trương sửa chữa, khắc phục các sự cố, hư hỏng tại các công trình đê điều, hồ đập, nhất là tại các trọng điểm xung yếu. Tổ chức lực lượng trực gác 24/24 giờ tại các điểm xung yếu, khu vực nguy hiểm (ngầm tràn, đường bị sạt lở, khu vực nước chảy xiết...); chủ động căng dây, cắm biển cảnh báo, kiện quyết không cho người và phương tiện qua lại khi không đảm bảo an toàn; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, nhân lực để khắc phục sự cố, thông tuyến nhanh các trục giao thông chính khi bị chia cắt.

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động ứng phó với bão số 3, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Ảnh: Thái Thanh
Lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng xây dựng, triển khai phương án ứng phó chi tiết; bố trí lực lượng, phương tiện tại chỗ sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ sơ tán dân cư, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ cao bị chia cắt.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy các xã, phường, nhất là các địa phương ven biển, miền núi, vùng thấp trũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện việc triển khai các phương án ứng phó thiên tai theo đúng phương châm, kịch bản đã xây dựng; bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đề bảo vệ an toàn cho Nhân dân.

Lực lượng chức năng tuyên truyền cho người dân để chủ động ứng phó với báo số 3. Ảnh: Thái Thanh
Chỉ đạo rà soát, lập danh sách, xây dựng kế hoạch sơ tán bắt buộc đối với người dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập sâu, ven sông suối, ven biển, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người; bố trí nơi ở tạm, cung ứng lương thực, nước sạch, thuốc men và các vật dụng thiết yếu, không đề người dân thiêu đói, ốm đau trong thời gian tránh trú.
Chỉ đạo kiểm tra, xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các khu nghỉ dưỡng ven biển, các điểm du lịch cộng đồng, điểm lưu trú tập trung; chủ động thông báo, hướng dẫn du khách chủ động ứng phó, tránh phát sinh tình huống phức tạp, bị động.
THeo dự báo, tỉnh Thanh Hóa sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Theo đó, từ ngày 21/7 vùng biển Thanh Hóa sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8; sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động mạnh, sóng biển cao 2.0 - 4.0m. Trên đất liền khu vực ven Biển tỉnh Thanh Hóa từ chiều 21/7 có gió Tây, Tây Nam mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 9 - 10; sâu trong đất liền cấp 5, cấp 6, giật cấp 7.Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh ở cấp 2. Do dó, toàn bộ tàu thuyền, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản, đê kè biển và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của mưa dông, gió mạnh, sóng lớn.Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực giữa đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nối với cơn bão 3 (WIPHA) kết hợp với hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh, nên khu vực Thanh Hóa từ đêm 20/7 đến ngày 24/7 có khả năng xảy ra một đợt mưa to đến rất to và dông; với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến: 150 - 300mm, riêng khu vực trung du và vùng núi từ 300 - 400mm, có nơi trên 450mm.