Thanh Hóa: Chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó, khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ

Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đánh giá công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu Tỉnh ủy đến điểm cầu các xã, phường trong toàn tỉnh.

Sơ tán 524 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, trong hai ngày 21 - 22/7/2025, do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha), trên địa bàn tỉnh ghi nhận mưa to, lượng mưa phổ biến 220mm- 487mm, nhiều khu vực trũng thấp, ven sông bị ngập sâu.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Hiếu.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Hiếu.

Chính quyền các cấp đã khẩn trương sơ tán 524 hộ với 2.302 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm, triển khai vận hành 49 trạm bơm tiêu úng cứu lúa và hoa màu.

Dông lốc, bão kèm mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề trên nhiều lĩnh vực. Theo thống kê, có 1 người bị thương; 251 nhà dân hư hỏng; gần 19.400ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập, đổ gãy; hàng nghìn vật nuôi, thủy sản bị cuốn trôi. Hạ tầng giao thông, thủy lợi, đê điều xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Riêng hệ thống đê điều xảy ra 4 sự cố lớn tại các xã: Hoằng Lộc, Hoằng Châu, Tân Ninh và Định Hòa. Trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh ghi nhận hơn 20 điểm ngập sâu, sạt lở, nhiều đoạn bị ách tắc giao thông.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Minh Hiếu.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Minh Hiếu.

Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thành lập 7 đoàn công tác bám sát địa phương. Sở Nông nghiệp và Môi trường cử 4 đoàn kiểm tra, chỉ đạo ứng phó tại các xã miền núi. Các lực lượng vũ trang, đoàn thể, doanh nghiệp được huy động tối đa, hỗ trợ Nhân dân gia cố nhà cửa, di dời tài sản, bảo vệ hồ đập, đê kè trọng yếu. Công tác cứu trợ lương thực, nước sạch, thuốc men được triển khai kịp thời, không để người dân bị đói, rét hoặc thiếu nơi ở an toàn.

Nhanh chóng khắc phục thiệt hại về nhà ở

Sau khi nghe các địa phương báo cáo tình hình phòng, chống cơn bão số 3 và tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh ghi nhận, đánh giá cao các ban, sở, ngành, các địa phương đơn vị đã chủ động, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc ứng phó, phòng chống bão.

Qua kiểm tra tình hình thực tế tại các địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh chỉ rõ một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, cần khắc phục để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Hiếu.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Hiếu.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh đề nghị các ban, sở, ngành địa phương cần triển khai các công việc cấp bách nhằm khắc phục ngay các hư hỏng, thiệt hại về nhà ở; kiên quyết không để người dân phải sinh sống trong các ngôi nhà hư hỏng, không bảo đảm an toàn.

Tiếp tục triển khai vận hành tối đa các trạm bơm tiêu, cống tiêu và hệ thống công trình thủy lợi để tiêu úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp, các khu dân cư, đô thị. Tiến hành dọn dẹp, vệ sinh môi trường sau thiên tai, khử khuẩn, xử lý nước sinh hoạt, không để bùng phát dịch bệnh cho người và vật nuôi...

Khắc phục ngay các sự cố, hư hỏng trên các tuyến đường giao thông đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Đối với các ngầm tràn đang còn ngập sâu, tiếp tục tổ chức canh gác, kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Minh Hiếu.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Minh Hiếu.

Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, sự ổn định và phát triển bền vững của tỉnh.

Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và các ngành chức năng cần tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm, khu vực xung yếu, có nguy cơ cao. Huy động tối đa lực lượng, phương tiện, vật tư, chuẩn bị sẵn sàng cho công tác ứng cứu, bảo đảm an toàn hệ thống hạ tầng thiết yếu, nhất là điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời khắc phục các khó khăn phát sinh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng hình thức, chậm trễ, thiếu trách nhiệm.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải bám sát cơ sở để trực tiếp chỉ đạo những vấn đề phát sinh sau bão. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng quân đội, công an, y tế, ngành nông nghiệp và các địa phương để tổ chức hiệp đồng ứng cứu hiệu quả, kịp thời bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh thiên tai, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời, không gây hoang mang, đồng thời động viên, hỗ trợ kịp thời các hộ dân gặp khó khăn.

“Nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phải nêu cao tinh thần “chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó, khẩn trương khắc phục hậu quả”, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, bảo đảm an toàn cho Nhân dân, góp phần giữ vững ổn định và phát triển kinh tế - xã hội” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh.

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thanh-hoa-chu-dong-phong-ngua-kip-thoi-ung-pho-khan-truong-khac-phuc-hau-qua-bao-lu-10380685.html
Zalo