Thành công của 'Đàn cá gỗ' gây tranh cãi

Đầu tháng 7/2025, khi bài hát nhạc phim mang tên Phép màu trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, Đàn cá gỗ được đưa ra rạp. Với vé chỉ 39.000 đồng, thời lượng chỉ 29 phút, phim nhanh chóng ghi dấu ấn doanh thu 'khủng'. Tranh cãi lập tức nổ ra: Một bên gọi đó là 'phép màu hình ảnh', bên kia phản ứng 'chưa kịp hiểu gì thì phim đã hết'.

Dư luận xã hội: Phim nổi nhờ nhạc

Đàn cá gỗ là phim ngắn độc lập dài 29–30 phút, do đạo diễn trẻ Nguyễn Phạm Thành Đạt thực hiện như đồ án tốt nghiệp tại Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Bộ phim kể câu chuyện về Cường, chàng trai miền biển buộc phải từ bỏ giấc mơ âm nhạc để nối nghiệp cha làm nghề chài lưới.

 Dưới góc độ nhà sản xuất, Đàn cá gô thành công về mặt tiếp cận: doanh thu cao, vé giá rẻ 39.000 đồng khiến phim lan tỏa được tới nhiều đối tượng khán giả

Dưới góc độ nhà sản xuất, Đàn cá gô thành công về mặt tiếp cận: doanh thu cao, vé giá rẻ 39.000 đồng khiến phim lan tỏa được tới nhiều đối tượng khán giả

Trong năm 2024, Đàn cá gỗ đã được vinh danh với giải “Phim ngắn xuất sắc nhất” của Cánh Diều Vàng, một trong những giải thưởng điện ảnh uy tín hàng đầu Việt Nam. Chính danh hiệu này đã mở đường cho bộ phim vượt ra khỏi khuôn khổ “bài tốt nghiệp” và tiếp cận khán giả rộng hơn.

Đến đầu tháng 7/2025, khi bài hát nhạc phim mang tên Phép màu trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, ê kíp mới quyết định đưa Đàn cá gô ra rạp thương mại. Với vé chỉ 39.000 đồng, phim nhanh chóng ghi dấu ấn: mở đầu top 1 doanh thu ngày ra mắt (hơn 1,7 tỷ đồng), và tổng doanh thu cả tuần khoảng 3 – 4,4 tỷ đồng bất chấp thời lượng chỉ có 29 phút.

 37% lời chê dành cho Đàn cá gỗ cho rằng nội dung phim rời rạc, nhân vật thiếu tâm lý mạch lạc

37% lời chê dành cho Đàn cá gỗ cho rằng nội dung phim rời rạc, nhân vật thiếu tâm lý mạch lạc

Dù ra rạp trong thời gian giới hạn chỉ một tuần, bắt đầu từ ngày 15/7-21/7, Đàn cá gỗ vẫn gây được tiếng vang mạnh mẽ. Thành công ngoài kỳ vọng không chỉ đến từ hình ảnh thơ mộng, câu chuyện xúc cảm mà còn nhờ hiệu ứng viral của bài nhạc hit cộng đồng Phép màu: hơn 39 triệu lượt xem trên YouTube, giúp thu hút lực lượng khán giả tò mò tìm đến rạp.

Nhà phê bình: Một tiếc nuối lớn

Nhận xét về Đàn cá gỗ, nhà phê bình Thảo Đan nói rằng cô ngạc nhiên, theo nghĩa tích cực. “Thành Đạt, một đạo diễn trẻ, lần đầu ra mắt với phim ngắn, đã làm nên một tác phẩm mà về mặt hình ảnh, tôi không ngần ngại gọi là điện ảnh đúng nghĩa. Tỉ lệ khung hình 4:3, cách xử lý màu sắc với gam đỏ ấm áp của khát vọng đan xen cùng sắc xanh lạnh của biển cả gợi ra hai chiều không gian, ký ức và hiện thực, khao khát và trách nhiệm, vốn dĩ thường xuyên va đập trong đời sống người trẻ”, cô nói.

Thảo Đan cũng ấn tượng với cảnh nhân vật Cường chìm dưới nước, chơi guitar trong ảo giác giữa vòng vây của những đàn cá. Cô cho đó là một đoạn phim ngắn có thể đứng độc lập như một video nghệ thuật. “Những cảnh quay ấy được thực hiện với kỹ thuật cao, cảm xúc dồn nén, ánh sáng hoàn hảo và âm nhạc gợi mở. Tuy nhiên, khi đặt Đàn cá gỗ trong vai trò một câu chuyện hoàn chỉnh, nó còn những thiếu hụt. Nhân vật Cường, từ đầu đến cuối, không được đào sâu tâm lý một cách nhất quán. Chúng ta được giới thiệu rằng anh sống chết với âm nhạc, nhưng phim không cho thấy hành trình anh nuôi dưỡng đam mê ấy như thế nào trong những năm tháng làm nghề chài lưới. Anh đau vì cha chết, nhưng không có một khoảnh khắc nào giữa hai cha con để khán giả hiểu mối quan hệ ấy sâu ra sao, vì sao cái chết ấy là một chấn động khiến Cường gác lại giấc mơ.

Điểm yếu của phim nằm ở phần biên kịch. Với thời lượng dưới 30 phút, đạo diễn chọn cách kể nhiều mà không đào sâu. Có lẽ cũng vì vậy mà nhân vật Hoa, người vợ của Cường, vừa là điểm tựa lý trí vừa là tiếng vọng của giấc mơ, trở thành một vai phụ bị “ép” gánh thay cảm xúc cho cả phim. Cô không phát triển như một nhân vật độc lập mà chỉ tồn tại để soi sáng người chồng. Với tôi, đó là một tiếc nuối lớn”, nhà phê bình Thảo Đan chia sẻ.

Khán giả: Khen nhiều hơn chê

Theo khảo sát của cộng đồng Moveek, Đàn cá gô nhận được số điểm trung bình 6.19. Đa số người xem đánh giá tích cực, coi phim như trải nghiệm điện ảnh nhẹ nhàng, vừa đủ để cảm. Chỉ 37% nhận xét phim không hay, gây cảm giác hụt hẫng, “chưa kịp hiểu chuyện gì thì hết phim”.

Nguyễn Thành Luân, 26 tuổi, nhân viên truyền thông tại TPHCM, chia sẻ ngay sau buổi chiếu đầu tiên của phim ở rạp: “Tôi bị cuốn vào phần hình ảnh quá đẹp của phim. Có những đoạn giống như đang xem MV hay video art. Âm nhạc cũng đỉnh, nhất là bài Phép màu, nghe lần đầu đã bắt tai. Nhưng thú thật, xem xong tôi cũng khá hoang mang, vì không hiểu lắm nhân vật chính muốn gì, hoặc tại sao cứ liên tục thay đổi quyết định. Lúc thì nói sẽ bán tàu lên thành phố, lúc lại đổi ý trong 10 giây sau. Tôi nghĩ nếu phim dài hơn, chắc sẽ hiểu hơn về nhân vật”.

Chị Lê Phương Diệu, 34 tuổi, một giảng viên mỹ thuật bày tỏ cảm xúc: “Những hình ảnh về biển, về chiếc thuyền, về người cha câm lặng khiến tôi nhớ đến quê mình. Đó là thứ điện ảnh mang nhiều tính biểu tượng, và với tôi, cảm xúc mạnh hơn cả logic. Có thể nhiều bạn trẻ muốn hiểu rõ mọi thứ sẽ thấy phim này mù mờ, nhưng tôi thì thấy nó đúng kiểu nghệ thuật vị nghệ thuật mà lâu rồi điện ảnh Việt ít làm. Nó giống một bài thơ hơn là một bài luận”.

Minh Trí, sinh viên năm ba ngành điện ảnh, có cái nhìn trung dung hơn: “Nếu là phim ngắn tốt nghiệp thì tôi phục sát đất. Nhưng nếu xét với tư cách một phim ra rạp có bán vé thì tôi thấy hơi tiếc. Phim có tiềm năng để đi xa hơn, mà lại thiếu đi vài phút để kể rõ hơn về cái nút tâm lý của Cường. Có vẻ đạo diễn muốn giữ sự mơ hồ, nhưng lại chưa khiến người xem thấy mơ hồ ấy là có dụng ý. Tuy vậy, tôi nghĩ phim này vẫn là một cú chào sân ấn tượng, và rất nhiều đạo diễn trẻ sẽ học hỏi được từ cách dàn dựng, phối nhạc và chọn cảnh của Thành Đạt”.

HẠ ĐAN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thanh-cong-cua-dan-ca-go-gay-tranh-cai-post1763925.tpo
Zalo