Tham vấn về khung chính sách và pháp lý cho nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa

Việc xây dựng chính sách quốc gia về nhà giáo đối mặt với thách thức như ngại thay đổi và lo lắng về những điều chưa biết, chi phí thực hiện.

Chiều ngày 26/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn về “Khung chính sách và pháp lý cho nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với Việt Nam”.

 Hội thảo được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến. Điểm cầu trực tiếp đặt tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hội thảo được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến. Điểm cầu trực tiếp đặt tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tham dự hội thảo, tại điểm cầu trực tiếp, có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; bà Miki Nozawa – Phụ trách Chương trình Giáo dục, UNESCO tại Việt Nam cùng đại diện Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, một số Vụ/Cục, các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam; các thành viên của Nhóm ngành Giáo dục (đại sứ quán, cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam)

Hội thảo còn có sự tham dự của đại biểu đến từ một số sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia giáo dục, chuyên gia về pháp luật,...

Tại điểm cầu trực tuyến, có đại diện Ban Thư ký Lực lượng Đặc nhiệm về Nhà giáo do UNESCO chủ trì; Ban Phát triển Nhà giáo của UNESCO; Giáo sư LI Tingzhou – Trung tâm đào tạo giáo viên, Đại học Sư phạm Thượng Hải (Trung tâm đào tạo cấp độ 2 của UNESCO), cùng đại diện một số cơ sở giáo dục đại học, chuyên gia giáo dục, pháp luật trong và ngoài nước.

Hội thảo tập trung tham vấn về bối cảnh và xu hướng giáo dục toàn cầu, tác động/ý nghĩa của bối cảnh trên đối với vai trò, vị thế và chính sách dành cho nhà giáo tại Việt Nam;

Xây dựng khung chính sách và pháp luật về nhà giáo cho Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và đưa ra các đề xuất về chính sách và khung pháp lý liên quan đến nhà giáo nhằm đáp ứng nhu cầu quốc gia và phù hợp với xu thế toàn cầu; góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Việt Nam có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, trong suốt chiều dài lịch sự, vị trí, vai trò nhà giáo luôn được quan tâm.

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc hội thảo.

Trong thời gian qua, dự thảo Luật Nhà giáo có sự tham gia xây dựng, góp ý của các chuyên gia trong và ngoài nước, các cơ sở giáo dục đại học. Theo báo cáo tổng hợp có hơn 100 ý kiến từ các tổ, nội dung các ý kiến đều khẳng định ban soạn thảo đã chuẩn bị bộ hồ sơ hết sức nghiêm túc, công phu và chất lượng.

Các vấn đề đưa ra trong nghị sự về dự thảo Luật Nhà giáo đều tập trung làm sao để khẳng định vai trò, làm rõ trách nhiệm của nhà giáo.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng gửi lời cảm ơn Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và bà Miki Nozawa, các chuyên gia trong và ngoài nước, lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học đã dự hội thảo và mong muốn các chuyên gia tập trung thảo luận, nêu những kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách đối với nhà giáo Việt Nam.

“Hội thảo sẽ lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc trên cơ sở phù hợp với với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và thực tiễn Việt Nam hiện nay”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ.

Phát biểu tại hội thảo, bà Miki Nozawa – Phụ trách Chương trình Giáo dục, UNESCO tại Việt Nam khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo. UNESCO ca ngợi Việt Nam đã nỗ lực quan trọng để xây dựng Luật Nhà giáo.

 Bà Miki Nozawa – Phụ trách Chương trình Giáo dục, UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Bà Miki Nozawa – Phụ trách Chương trình Giáo dục, UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

“Nhà giáo Việt Nam luôn đóng vai trò trung tâm trong hệ thống giáo dục của quốc gia, định hình và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ. Trong quá khứ, họ đóng vai trò quan trọng trong việc tái thiết đất nước sau chiến tranh, mang đến cơ hội học tập cho người dân và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc.

Ngày nay, họ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp nền giáo dục công bằng và hòa nhập, đảm bảo rằng tất cả trẻ em đều có thể tiếp cận với chương trình học chất lượng.

Khi nhìn về tương lai, vai trò của nhà giáo sẽ mở rộng với những thách thức về phát triển bền vững mà chúng ta đang phải đối mặt, sự tích hợp của công nghệ, AI, và việc áp dụng các phương pháp học tập có tính cá nhân hóa, đòi hỏi sự thích ứng và hỗ trợ liên tục”, bà Miki Nozawa chia sẻ.

Theo bà Miki Nozawa, nghề giáo phải đối mặt với những thách thức đáng kể và phải thích ứng với nhu cầu giáo dục và xã hội không ngừng thay đổi.

Để hỗ trợ nhà giáo hoàn thành vai trò quan trọng này cũng như giải quyết những thách thức mới nổi, điều cần thiết là phải xây dựng luật pháp toàn diện về nhà giáo nhằm đảm bảo rằng nhà giáo có thể tiếp tục cung cấp nền giáo dục chất lượng, đóng góp vào một xã hội công bằng và hòa nhập hơn, nơi mà chính họ cũng là các đối tượng hưởng lợi.

Bà Miki Nozawa cũng bày tỏ niềm vui mừng khi UNESCO tại Việt Nam đồng tổ chức hội thảo tham vấn, là minh chứng cho cam kết chung của UNESCO và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thúc đẩy vai trò và vị thế của nhà giáo.

“Chúng ta hãy cùng nhau tái khẳng định cam kết trao quyền năng cho đội ngũ nhà giáo – những người là nền tảng trong hệ thống giáo dục của đất nước. UNESCO cam kết sẽ hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình này”, bà Miki Nozawa cho biết.

 Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Trong phiên thảo luận thứ nhất, những chia sẻ đến từ chuyên gia quốc tế, gồm: ông Peter Wallet – Chuyên gia Chương trình giáo dục Lực lượng đặc nhiệm quốc tế về Nhà giáo cho mục tiêu Giáo dục 2030, UNESCO; bà Valerie Djioze-Gallet – đại diện Ban Phát triển Nhà giáo, UNESCO và Giáo sư LI Tingzhou – Trung tâm đào tạo giáo viên, Đại học Sư phạm Thượng Hải (Trung tâm đào tạo cấp độ 2 của UNESCO) đã mang đến cho hội thảo những nội dung về vai trò chuyển đổi của nhà giáo, bối cảnh toàn cầu và hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Peter Wallet báo cáo toàn cầu về nhà giáo và đề xuất đối với Việt Nam. Theo đó, đến năm 2030, trên thế giới cần thêm 44 triệu giáo viên tiểu học và trung học để được mục tiêu phổ cập giáo dục vào năm 2030; trong đó cần 13 triệu giáo viên tiểu học và 31 giáo viên trung học.

Đến năm 2030, chỉ có 04/10 quốc gia có đủ số lượng giáo viên để giáo dục phổ cập tiểu học, trong khi ở bậc trung học chỉ có 01/05 quốc gia có đủ số lượng giáo viên.

 Ảnh chụp màn hình

Ảnh chụp màn hình

Năm 2023, tại Việt Nam, tỷ lệ bình quân giáo viên tiểu học đạt chuẩn là 83%. Vào năm 2030, tỷ lệ bình quân học sinh/giáo viên tại Việt Nam là 29:1.

Theo phương diện giới, giáo viên nữ đang chiếm tỷ lệ ngày càng cao trên thế giới, trong đó Việt Nam có đội ngũ giáo viên nữ chiếm 79% tiểu học và 65% trung học; tỷ lệ phụ nữ nắm giữ vị trí lãnh đạo ở Việt Nam là dưới 40%.

“Tình trạng giáo viên bỏ nghề đã làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu giáo viên, với tỷ lệ giáo viên bỏ nghề tăng gấp đôi trên toàn cầu từ 4,62% lên 9,06% (từ năm 2015 đến năm 2022). Tỷ lệ giáo viên bỏ nghề ở Việt Nam cũng ở mức cao theo số liệu năm 2022”, ông Peter Wallet đề cập.

 Tại điểm cầu trực tuyến, ông Peter Wallet báo cáo toàn cầu về nhà giáo và đề xuất đối với Việt Nam.

Tại điểm cầu trực tuyến, ông Peter Wallet báo cáo toàn cầu về nhà giáo và đề xuất đối với Việt Nam.

Ông Peter Wallet cho rằng, trong các đề xuất của Hội nghị Thượng đỉnh về Chuyển đổi giáo dục và Ủy ban cấp cao Liên hợp quốc về Nhà giáo hướng đến nâng cao vị thế của nghề nhà giáo có một số đề xuất nổi bật như: xây dựng chính sách nhà giáo toàn diện gắn với các ưu tiên quốc gia thông qua hợp tác và đối thoại xã hội; chuyển đổi nghề nhà giáo và cách thức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn dựa trên tổ chức các khóa học mang tính cá nhân sang học tập suốt đời, hợp tác và do giáo viên làm chủ; cải thiện điều kiện làm việc của giáo viên và đảm bảo mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn, đảm bảo công bằng giới trong chế độ tiền lương và cách thức đối xử đối với giáo viên;...

Giới thiệu Hướng dẫn phát triển chính sách nhà giáo, bà Valerie Djioze-Gallet – đại diện Ban Phát triển Nhà giáo của UNESCO cho biết, có 09 thành tố chính cần được xem xét trong chính sách nhà giáo gồm: tuyển dụng và giữ chân giáo viên; đào tạo bồi dưỡng giáo viên; bố trí giáo viên; cấu trúc/lộ trình nghề nghiệp; điều kiện làm việc và quan hệ việc làm với giáo viên; thù lao, đãi ngộ giáo viên; chuẩn giáo viên; trách nhiệm giải trình của giáo viên; quản trị trường học.

Theo bà Valerie Djioze-Gallet, việc xây dựng chính sách quốc gia về nhà giáo ở đâu cũng đối mặt với thách thức trong việc tạo sự đồng thuận, năng lực, cạnh tranh về ưu tiên và lo lắng về những điều chưa biết, chi phí thực hiện.

 Hội thảo thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

Hội thảo thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

Do đó, trong quá trình xây dựng chính sách, cần có sự tham gia nhiều hơn của giáo viên vì họ là đối tượng trực tiếp của chính sách. Đồng thời, làm rõ và giải thích quy trình xây dựng chính sách cho tất cả các bên liên quan ở tất cả các cấp quan tâm đến vấn đề của nhà giáo.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu sau khi lắng nghe một số thông tin cơ bản về đội ngũ giáo viên Trung Quốc, quy trình xây dựng, sửa đổi Luật Nhà giáo Trung Quốc, Giáo sư LI Tingzhou - Trung tâm đào tạo giáo viên, Đại học Sư phạm Thượng Hải đã đưa ra bài học kinh nghiệm về hệ thống chức danh nghề nghiệp cho giáo viên như thúc đẩy chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo; tăng tính hấp dẫn của nghề giáo viên; giáo viên với vai trò là người cung cấp dịch vụ công cần phản ánh tính công bằng; giáo viên với vai trò là người thực hiện các nhiệm vụ công việc được giao cần phản ánh chế độ khuyến khích, đãi ngộ công việc.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tham-van-ve-khung-chinh-sach-va-phap-ly-cho-nha-giao-trong-boi-canh-toan-cau-hoa-post247368.gd
Zalo