Thắm sắc hoa trên đồng An Phú

Chỉ trong 10 năm gần đây, cánh đồng rộng khoảng 40 ha của thôn An Phú, xã Khám Lạng (Lục Nam) ngập tràn hoa lay ơn. Màu xanh thân lá và sắc thắm của hoa không chỉ làm đẹp thêm vùng quê yên bình mà còn mang lại cuộc sống khá giả hơn cho người dân nơi này.

Từ những củ giống đầu tiên đến cánh đồng hoa bạt ngàn

Lần thứ hai tôi đến với An Phú, thay vì vào thôn, tôi ra thẳng cánh đồng - nơi mà hơn một trăm hộ dân đang tranh thủ từng khoảnh ruộng để trồng lay ơn phục vụ thị trường Tết sắp đến. Con đường nội đồng trải dài, uốn lượn như những dải lụa đã được đổ bê tông, chiều rộng đủ để xe tải nhỏ đến tận chân ruộng. Dọc hai bên đường, nhiều nông dân đang miệt mài làm việc. Người cày đất, xới luống, người bơm nước tưới cây, đóng cọc, vuốt lưới… Không khí rộn ràng, khẩn trương. Trưởng thôn Nguyễn Văn Lợi tự hào “khoe”: “Diện tích canh tác cả thôn có hơn 80 ha nhưng gần nửa trong số đó được trồng lay ơn. Đây chính là kết quả của hành trình 10 năm đưa những củ giống hoa về trồng trên cánh đồng của người dân An Phú”.

 Trưởng thôn Nguyễn Văn Lợi (bên phải) cùng Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn An Phú khảo sát chất lượng hoa.

Trưởng thôn Nguyễn Văn Lợi (bên phải) cùng Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn An Phú khảo sát chất lượng hoa.

Trong câu chuyện với ông Lợi và Chi hội trưởng Chi hội nông dân Nguyễn Văn Mạnh, tôi được biết cách đây chục năm, khi từ An Phú xuống TP Bắc Giang còn phải đi qua xã Thái Đào (Lạng Giang), một số người dân trong thôn thấy ở đây có rất nhiều hoa lay ơn. Sự tò mò và ham tìm hiểu đã níu chân họ, để rồi những củ giống hoa đầu tiên được đem về trồng thử ở vài khoảnh ruộng nhỏ. Bất ngờ là cây sinh trưởng, phát triển tốt trên đồng ruộng An Phú, thân mập, khỏe và cho những bông hoa tươi thắm. Nhận thấy không khó trồng và chăm sóc, lại có giá trị kinh tế cao hơn một số cây trồng khác nên không lâu sau, phong trào trồng lay ơn được nhân rộng. Những người tiên phong như: Nguyễn Văn Quỳnh, Phó Bí thư Chi bộ thôn; Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Sơn hay Nguyễn Văn Tuân... Các anh sẵn sàng nhận nhiệm vụ sang địa phương bạn, nơi có truyền thống trồng lay ơn để học hỏi kinh nghiệm, “chuyển” kỹ thuật về áp dụng trong quá trình sản xuất tại địa phương mình.

Ông Nguyễn Văn Lợi tâm sự: “Ở An Phú, người trồng trước chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cho người trồng sau, thậm chí hỗ trợ cả giống, vốn. Bởi vậy mà đến nay, toàn thôn có tới hơn 140 hộ (chiếm khoảng 56% tổng số hộ) trồng hoa”. Vừa bắc máy để bơm nước vào ruộng, ông Nguyễn Văn Thọ, một người dân trong thôn "họa" theo: "Trưởng thôn nói đúng đấy. Nhờ chủ động trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm cho nhau mà thôn chúng tôi hầu như ai cũng có thể làm tốt nghề trồng hoa. Hoa lay ơn đã giúp dân An Phú có thêm nguồn thu nhập khá".

 Hoa lay ơn thắm sắc trên cánh đồng thôn An Phú.

Hoa lay ơn thắm sắc trên cánh đồng thôn An Phú.

Điều đặc biệt là sau 1-2 năm đầu phải nhập giống từ nơi khác về, nhờ chịu khó tìm hiểu, học hỏi, nông dân An Phú đã chủ động được giống qua việc lấy hạt bám dính ở phần củ của những thân cây “điếc” về làm giống, ươm trồng. Điều này không những giúp chủ động nguồn giống mà còn giảm được chi phí, ngày càng mở rộng diện tích canh tác, góp phần tạo nên những cánh đồng lay ơn mướt mắt. “Lượn” một vòng flycam bay trên cánh đồng trồng lay ơn của An Phú, theo dõi hình ảnh qua điện thoại kết nối, không chỉ tôi mà ngay cả những người nông dân đang làm đồng cũng ngỡ ngàng trước màu xanh đẹp mắt của cây trồng này.

Không cho đất nghỉ

Nhanh tay đóng cọc, cài lưới và vuốt lá vào các mắt lưới trên luống cây, anh Mạnh, Chi hội trưởng Chi hội nông dân - người có hơn 2 mẫu hoa chia sẻ kinh nghiệm: “Qua nhiều năm trồng hoa, để giữ cây thẳng, không đổ nghiêng, khi cây được 4-5 lá, tôi phải đóng cọc và chăng lưới. Mỗi luống căng một tấm lưới với số lượng mắt lưới tương ứng với số thân cây trồng trên luống. Trước đó, lúc cây có 3-4 lá phải thực hiện bón thúc, đồng thời thường xuyên chú ý theo dõi sâu bệnh để kịp thời phun thuốc phòng trừ. Khi cây được 7 lá sẽ có đòng, 8 lá sẽ trổ bông và chỉ được thu hoạch lúc đạt 4-6 hoặc 5-7 mi hoa. Đây là thời điểm đẹp nhất để khi đến tay người tiêu dùng hoa mới nở. Toàn bộ quá trình từ lúc xuống giống đến thu hoạch kéo dài 60-70 ngày, tùy theo điều kiện thời tiết”.

 Trưởng thôn Nguyễn Văn Lợi (bên phải) và Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn An Phú trao đổi về kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa lay ơn.

Trưởng thôn Nguyễn Văn Lợi (bên phải) và Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn An Phú trao đổi về kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa lay ơn.

Có lẽ bởi vòng quay khá ngắn nên ở An Phú, lay ơn thường được trồng 3 vụ mỗi năm, vào các thời điểm hè, đông và đầu xuân. Do thời tiết nắng nóng, khó trồng nên riêng vụ hè (được gọi là trái vụ) chủ yếu người dân trồng lay ơn song sắc và cánh sen, là những loài khỏe, chịu được thời tiết nắng nóng. Còn vụ đông và đầu xuân, loài ưa chuộng là lay ơn đỏ Pháp, hồng phấn phục vụ thị trường Tết, các ngày rằm, mùng 1 và dịp lễ hội đầu năm. Có một điểm khác biệt, đồng thời cũng là ưu điểm của lay ơn là có thể trồng luân canh, xen kẽ khoai sọ - vốn là loại cây có “thương hiệu của Khám Lạng” trên những luống ngay cả khi thời điểm hoa đang sinh trưởng, phát triển. Tận dụng đặc điểm này, với sự cần cù, chịu khó, nông dân thôn An Phú đã không cho đất nghỉ. Hầu hết những người trồng hoa đều chủ động chọn lựa thời điểm thích hợp để trồng xen khoai gối vụ, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác.

Mấy năm gần đây, An Phú có sự chuyển mình mạnh mẽ, trở thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Đường giao thông được nâng cấp, mở rộng; hệ thống kênh tưới, đường nội đồng được đầu tư kinh phí cứng hóa, đưa nước tới tận chân ruộng. Các công trình văn hóa, thể thao, tâm linh, tín ngưỡng được xây dựng. Nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên… Qua câu chuyện với rất nhiều người dân, dễ dàng hình dung được, những thành quả đó có được một phần nhờ sự mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển trồng lúa, màu sang trồng lay ơn.

 Những luống lay ơn thẳng tắp trên cánh đồng thôn An Phú.

Những luống lay ơn thẳng tắp trên cánh đồng thôn An Phú.

Anh Mạnh - một nông dân trong thôn chia sẻ: “Mỗi sào trồng được khoảng 5,5 - 6 nghìn gốc, tỷ lệ đậu dao động từ 70 - 90% tùy loại. Với giá bán tận ruộng 4 - 5 nghìn đồng/cây, cộng với khoai sọ trồng xen canh, người dân thu được từ 25 - 30 triệu đồng/sào. Như vậy, người có 5 sào ruộng có thu nhập khoảng 120 - 150 triệu đồng mỗi năm. Những người nhiều ruộng, từ 2 mẫu trở lên trung bình mỗi năm có thể đạt mức thu hơn 300, thậm chí lên đến 500 triệu đồng. Tất nhiên, thời điểm hoa được giá, nhất là vào những dịp lễ, Tết, mức thu cũng nâng lên”.

Từ những củ giống cách nay chừng 10 năm, giờ đây, trên cánh đồng thôn An Phú bạt ngàn hoa lay ơn. So với một số loại cây trồng truyền thống tại địa phương, lay ơn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 16 đến 24 triệu đồng/sào. Sắc thắm của hoa không chỉ tô đẹp thêm bức tranh đồng quê mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần nâng cao thu nhập cho những người nông dân nơi đây.

Chia tay An Phú, điều làm tôi băn khoăn cũng là mong muốn của một người Chi hội trưởng Chi hội nông dân tâm huyết. Đó là làm sao để hoạt động sản xuất của người nông dân trong thôn không còn manh mún, hoa lay ơn tìm được đầu ra ổn định với thị trường rộng hơn, mở hơn thay vì mạnh ai nấy làm và chịu sự chi phối của thương lái. Như vậy, lay ơn của An Phú sẽ được biết đến nhiều hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Bài, ảnh: Quốc Trường

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tham-sac-hoa-tren-dong-an-phu-095813.bbg
Zalo