Thâm nhập chợ đen data

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Đi “chợ data”

Trong vai môi giới bất động sản cần tìm kiếm khách hàng tiềm năng để chào bán sản phẩm, chúng tôi được “cò data” tên Nguyễn Lý giới thiệu gói data (dữ liệu tập hợp các thông tin được thu thập của cá nhân, tổ chức) hấp dẫn với danh sách hàng trăm đầu mối.

Những bản danh sách khách hàng tiềm năng mà môi giới quảng cáo trên chợ đen data

Những bản danh sách khách hàng tiềm năng mà môi giới quảng cáo trên chợ đen data

Lý cho biết, gói này nhóm của anh ta đã kiểm tra và xác minh nên đảm bảo đúng đối tượng. Cụ thể, trong gói có nhiều khách hàng đang có nhu cầu mua bất động sản, số khác có tiền gửi ngân hàng, ở chung cư cao cấp, đi xe sang... Tóm lại, là những người có tiềm năng cao cho môi giới bất động sản tiếp cận, chào mời.

Để lấy uy tín với khách mua, Lý sẽ cho chúng tôi danh sách 10 khách hàng gọi thử nhằm kiểm tra độ chính xác. “Tất cả khách hàng trong gói của chúng em đều lấy từ nguồn uy tín cao, không phải tạp nham ở chợ trời”, Lý giải thích khi chào hàng.

Trong nhóm kín mua bán data mà Lý giới thiệu chúng tôi vào có khoảng hơn 1.000 thành viên cứng. Những thành viên này có nhiệm vụ săn tìm data từ khắp nơi rồi chuyển về nhóm. Sau đó, lại có một đội ngũ chuyên rao bán data trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Lý là một trong các quản trị viên của nhóm, có trách nhiệm sàng lọc thông tin, chia nhỏ gói data theo từng chủ đề như: Data khách bất động sản, data khách mua sắm, data khách làm đẹp... Mỗi trưởng nhóm sẽ phụ trách một mảng để đi chào bán rộng rãi các data này.

M.H (39 tuổi, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), từng là nhân viên chăm sóc khách hàng, gọi điện mời đầu tư dự án cho một công ty bất động sản tại TP Thủ Đức đã bật mí cho chúng tôi cách mà công ty của cô lấy được thông tin data của người dân.

Đối tượng N.N bị Công an tỉnh Tuyên Quang khởi tố về hành vi mua bán hơn 800.000 dữ liệu của hơn 60.000 người ở nhiều tỉnh, thành

Đối tượng N.N bị Công an tỉnh Tuyên Quang khởi tố về hành vi mua bán hơn 800.000 dữ liệu của hơn 60.000 người ở nhiều tỉnh, thành

Theo đó, bộ phận kỹ thuật của công ty chịu trách nhiệm đi tìm kiếm data, làm việc với các nhóm mua bán trên mạng xã hội. Data của 1.000 khách hàng sẽ có giá từ 1,5-3 triệu, tùy vào chất lượng của khách. Loại rẻ hơn là data “rác”, tức là thông tin của khách hàng chỉ có số điện thoại, được mua với giá vài trăm ngàn cho một list (danh sách) từ 500-1.000 đầu số. “Loại này thì bên công ty phải tự chọn lựa bằng cách gọi điện lần lượt vào các số điện thoại. Cái này tính may rủi cao, gọi 10 cuộc thì may ra được một khách hàng là dân văn phòng hoặc buôn bán. Người ta vui thì nói chuyện, còn buồn thì chửi cho sấp mặt, nói chúng em lừa đảo. Một số khác thì gặp người bán vé số, lao động, công nhân, hầu hết họ không quan tâm đến các cuộc gọi môi giới, phần còn lại đều không nghe hoặc ở dạng thuê bao”, M.H tiết lộ về hoạt động mua bán data tại các công ty.

Cũng theo M.H, hầu hết các nhóm môi giới bất động sản đều đi mua data từ chợ đen thay vì đi phát tờ rơi hoặc đăng quảng cáo trên website. Điều này cũng được Nguyễn Lý bật mí khi chào hàng cho chúng tôi.

Lý khoe, bản thân trước kia từng làm chuyên viên kỹ thuật cho một tập đoàn công nghệ thông tin. Sau đó được một người anh kéo sang làm trưởng nhóm chuyên buôn bán data cao cấp. Lý có mối quan hệ với nhiều anh em làm công nghệ thông tin và ngân hàng nên việc “moi” data của khách hàng cũng là một lợi thế. “Data loại nào em cũng có. Chúng em có cả gói VIP của khách hàng đang gửi tiết kiệm tiền tỷ ở ngân hàng và gói sở hữu xe ô tô trên 5 tỷ”, Nguyễn Lý cho biết và bật mí, gói data còn kèm theo cả cơ quan làm việc, chức vụ, địa chỉ nhà, mã căn hộ cao cấp mà chủ số điện thoại đang ở.

Chuyển sang nhóm data làm đẹp, chúng tôi được “cò” tên Mỹ Dung chào mời các gói data uy tín, hỗ trợ sàng lọc theo yêu cầu, cam kết uy tín, giá rẻ, bảo hành... Mỹ Dung cho biết, trước kia cô vốn là quản lý của một thẩm mỹ viện lớn, có mối quan hệ rộng với giới văn nghệ sĩ và khách hàng giàu có. Mỹ Dung sẵn sàng tặng chúng tôi số điện thoại của 20 khách hàng đã qua sàng lọc, đảm bảo chính xác đối tượng. “Các chị cứ gọi thoải mái, chúng em bảo hành mỗi khách hàng đều từng tới thẩm mỹ viện ít nhất một lần và có nhu cầu làm đẹp”, Mỹ Dung khẳng định về thông tin cung cấp.

Trong chợ đen data, không chỉ quy tụ các nhóm mua bán data mà còn chia sẻ, cộng hưởng với nhau chặt chẽ. Từ thông tin của Mỹ Dung, chúng tôi tiếp cận với một “cò data” khác là Tuấn Nguyễn trong nhóm kín “khách hàng data”. Tại đây, Tuấn Nguyễn quảng cáo, nhóm của anh ta có thông tin khách hàng ở mọi lĩnh vực ngành nghề. Riêng bất động sản có đến trên 10.000 danh sách, làm đẹp trên 8.000 và dịch vụ viễn thông, điện máy, chứng khoán cũng phải trên 5.000. “Bên mình là đại lý gốc, các mối khác đều phải qua đây lấy, sau đó bán lại kiếm chênh lệch”, Tuấn Nguyễn khoe.

So sánh với bản danh sách khách hàng làm đẹp mà Mỹ Dung quảng cáo cho chúng tôi đúng là trùng với data của nhóm Tuấn Nguyễn và Nguyễn Lý. Không chỉ vậy, hàng chục hội nhóm trong “chợ đen data” đều chào hàng với những bản danh sách tương tự nhau. “Có hàng ngàn môi giới data trong nhóm, mạnh ai nấy bán. Vì vậy, không tránh khỏi việc một khách hàng liên tục nhận điện thoại chào mua bất động sản, đầu tư chứng khoán, làm đẹp... trong cùng một thời gian”, Tuấn Nguyễn tiết lộ hoạt động mua bán data trên chợ đen.

Những nhóm này không chỉ dừng lại ở việc trao đổi thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ, mà còn mua bán cả thông tin nhạy cảm như số CCCD, tài khoản ngân hàng, thậm chí là dữ liệu y tế. Ngoài ra, một số hội nhóm còn tổ chức các cuộc đấu giá thông tin cá nhân, thu hút hàng nghìn người quan tâm. Một số thông tin được mua bán với mức giá cao ngất ngưởng, đặc biệt là những dữ liệu có liên quan đến các cá nhân có địa vị xã hội hoặc những người sở hữu tài sản lớn. Thậm chí, có những kẻ lừa đảo còn cung cấp dịch vụ hacking để đánh cắp dữ liệu cá nhân theo yêu cầu của khách hàng.

Mảnh đất màu mỡ cho tội phạm hoạt động

Chính vì hoạt động bát nháo và buôn bán vô tội vạ nên chợ đen data là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm công nghệ cao hoạt động. Nhiều cuộc lừa đảo qua mạng bằng hình thức gọi điện đầu tư chứng khoán, mua bất động sản đã diễn ra trong suốt thời gian qua mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Bất cứ ai cũng có thể bị gọi điện chào mời mua bán hoặc nhận được cuộc gọi lừa đảo.

Trong phiên họp thảo luận về dự án Luật Dữ liệu, đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) dẫn chứng bản thân ông trong thời gian vừa qua cũng nhiều lần bị gọi điện lừa đảo, bị lộ các thông tin cá nhân, số điện thoại, công việc, chức vụ và bị đe dọa nhiều lần. "Kể cả việc tôi thanh toán tiền điện, tiền nước qua ứng dụng cho gia đình ba mẹ tôi họ cũng biết, gọi ra để đe dọa. Đó là vấn đề có thể dữ liệu đã bị lọt ra ngoài", đại biểu Trình Lam Sinh nói.

Dữ liệu rất quan trọng nên các loại tội phạm tìm mọi cách để thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho cá nhân, tổ chức và kể cả quốc gia. Vì vậy, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thật kỹ, nghiên cứu và bổ sung thêm, nhất là những hành vi có thể phát sinh trong tương lai. Bởi vì hiện nay, tội phạm cũng đang phát triển để thích nghi nhằm đạt được mục đích, rõ nhất là trong thời gian vừa qua, tội phạm lừa đảo phát triển rất đa dạng và tinh vi.

Mặc dù các nền tảng mạng xã hội đã cố gắng kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm, nhưng các nhóm mua bán dữ liệu cá nhân vẫn tồn tại và hoạt động mạnh mẽ. Điều này cho thấy, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Một trường hợp điển hình là vụ việc ông N.M.K (50 tuổi, ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh) bị kẻ gian chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng qua các giao dịch ngân hàng trực tuyến. Kẻ xấu đã sử dụng thông tin cá nhân của nạn nhân, bao gồm số CCCD, số điện thoại và email để tiếp cận tài khoản ngân hàng của ông K. Chỉ trong vài phút, toàn bộ số tiền trong tài khoản của ông đã bị chuyển sang tài khoản khác và biến mất. Ông K. cho biết, có thể đã bị rò rỉ thông tin cá nhân trong quá trình đi làm các dịch vụ khách hàng.

Từng là nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty bất động sản, M.H thường xuyên gọi điện cho khách hàng từ nguồn data mua trên chợ đen

Từng là nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty bất động sản, M.H thường xuyên gọi điện cho khách hàng từ nguồn data mua trên chợ đen

Vụ việc này đã gây xôn xao dư luận và đặt ra câu hỏi về tính an toàn của các giao dịch trực tuyến trong bối cảnh thông tin cá nhân dễ dàng bị lộ lọt.

Trong báo cáo "Quan điểm, định hướng xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân của Việt Nam", Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết, quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận như là quyền riêng tư và được pháp luật bảo vệ. Tình trạng lộ, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến, công khai trên không gian mạng, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý.

Các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho đối tác khác.

Một số công ty xây dựng các phần mềm chuyên thu thập thông tin cá nhân, cài ẩn trong các trang mạng thu thập tự động, phân tích thành tệp dữ liệu cá nhân có giá trị; tán phát mã độc; tổ chức tấn công, xâm nhập hệ thống máy tính của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để chiếm đoạt dữ liệu cá nhân. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới hàng nghìn Gb (dung lượng) dữ liệu, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.

Theo ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, khi nói về biện pháp phòng ngừa lừa đảo, người ta thường nghĩ đến việc cần nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân. Trước hết, phải biết cách chủ động phòng ngừa cho bản thân. Nhưng, thực tế cho thấy, với thông tin cá nhân, nhiều khi cố giữ cũng khó. Rất nhiều tình huống buộc phải cung cấp thông tin cho các dịch vụ. Và, việc những nơi đó có trách nhiệm đảm bảo thông tin của khách hàng hay không cũng rất hên xui. Hằng ngày, người dùng vẫn nhận cuộc gọi mời tham gia mua chứng khoán, bảo hiểm, đầu tư... Mấy ngày nay lại có thêm những cuộc gọi thông báo "bạn được vay tiền hay con bạn đang cấp cứu ở bệnh viện” từ số máy lạ.

“Cách tránh tốt nhất là không nhận cuộc gọi lạ. Nhưng, tránh cũng không phải dễ. Vì vậy, mỗi cá nhân cần cảnh giác với trang các website mua hàng trực tuyến, xử lý thích hợp tài liệu có chứa thông tin cá nhân như đơn đặt hàng nhanh, vé xe, phiếu mua sắm nhỏ. Chỉ cung cấp thông tin sơ yếu lý lịch khi cần thiết, không tiết lộ thông tin cá nhân trên blog, chat và thận trọng khi tham gia điều tra trực tuyến...”, ông Võ Đỗ Thắng, chia sẻ.

Ngọc Thiện

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/tham-nhap-cho-den-data-i751196/
Zalo