Thái Nguyên tập trung phòng chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất và lũ quét

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết như hiện nay và nguy cơ sạt lở ở một số nơi, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có công điện số 04 về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông và lũ quét trên địa bàn tỉnh.

Nội dung Công điện, người đứng đầu chính quyền tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Về lâu dài, UBND các huyện, thành phố phải chủ động kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất.

Một trong những khu vực thu hút sự quan tâm của dư luận thời điểm này là bãi thải Mỏ than Minh Tiến, có nguy cơ ảnh hưởng đến người dân 2 xã Na Mao và Phú Cường (Đại Từ).

Một trong những khu vực thu hút sự quan tâm của dư luận thời điểm này là bãi thải Mỏ than Minh Tiến, có nguy cơ ảnh hưởng đến người dân 2 xã Na Mao và Phú Cường (Đại Từ).

Cần tuyên truyền hộ gia đình, cá nhân chủ động xây dựng, nâng cấp, bảo vệ công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình đảm bảo an toàn trước thiên tai hoặc di dời đến nơi an toàn, không xây dựng nhà ở hoặc cư trú tại khu vực có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai; cảnh báo đến người dân tuyệt đối không được tự ý đào, bạt đồi núi để xây dựng nhà ở khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất đá gây thiệt hại về người và tài sản, đồng thời tăng cường công tác quản lý tình trạng người dân xây nhà tự phát ở các nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt sở đất đá...

Chủ động di chuyển người dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, tuyệt đối không để người dân quay trở lại ở hoặc xây dựng nhà ở tại các khu vực đã di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tại theo các dự án ổn định dân cư.

Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất...

Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất...

Công điện cũng chỉ rõ việc Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm về quản lý xây dựng nhà ở tại các vùng có nguy cơ xảy ra thiên tại.

Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng (nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng); khai thác, tập kết khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng.

Tổ chức rà soát, chỉ đạo xây dựng dự án, báo cáo cấp thẩm quyền bố trí và huy động nguồn lực để thực hiện các dự án mang tính căn cơ, bài bản, bền vững nhằm phòng, chống sạt lở, chủ động di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, trước mắt cần khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét như: Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở (nhất là tại các khu vực đã xảy ra sạt lở như Đèo So, xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa; cầu Mỏ Bạch, thành phố Thái Nguyên; trường THPT Điềm Thụy, huyện Phú Bình) và các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ có nguy cơ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.

Tiếp tục tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp... Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để huy động sức mạnh của nhân dân trong việc phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại, đặc biệt cần chú ý có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời đối với người dân ở thôn, bản vùng vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo PGS. TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế và Môi trường Việt Nam, hiện tượng sạt lở được cấu thành bởi hai nguyên nhân chính là tự nhiên và nhân tạo; trong đó, quá trình tác động của con người vào thiên nhiên (làm đường, xây dựng cơ sở vật chất, canh tác...) càng khiến cho các nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn. Dưới ảnh hưởng của yếu tố cuối cùng là mưa lớn, sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Chủ tịch Hội Kinh tế và Môi trường Việt Nam cho rằng, trong điều kiện thời tiết vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, người dân cần đặc biệt chú ý để tự bảo đảm an toàn. Theo đó, người dân sinh sống tại khu vực này cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu bất thường sau đây:

Thứ nhất, cần quan sát những thay đổi xảy ra chung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc, xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị nghiêng đổ… Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền...

Thứ hai, xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi, vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển.

Thứ ba, trước những trận mưa bất thường, người dân đặc biệt phải chú ý đề phòng. Ngoài ra, khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra và việc cần làm là nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời.

Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như nứt đất, cây nghiêng đổ, mưa lớn kéo dài, phải nâng cao đề phòng. Khi di dời cần đảm bảo theo nguyên tắc: bảo đảm tính mạng con người trước, tài sản sau; di dời trẻ em, người già, người ốm, phụ nữ trước.

Nguyên Mạnh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thai-nguyen-tap-trung-phong-chong-giam-thiet-hai-do-sat-lo-dat-va-lu-quet-79716.html
Zalo