Thái Nguyên: Phát huy vai trò của hệ thống chính trị và đoàn kết toàn dân

Với 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn qua, Thái Nguyên đã huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và nhân dân, qua đó tập trung đầu tư, phát huy nội lực vùng đồng bào DTTS nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc, hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ và toàn diện.

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công

Trong nhiều năm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn luôn được các cấp lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên coi trọng.

Nổi bật trong đó là hoạt động triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2030.

Trên tinh thần đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có những hoạt động phối hợp với UBND tỉnh điều tra, khảo sát đánh giá đúng thực trạng, từ đó xác định các giải pháp, chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, Tỉnh ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” được triển khai toàn diện, cụ thể hơn và hiệu quả. Bên cạnh các chính sách dân tộc của Trung ương đang được triển khai, tỉnh cũng ban hành các chính sách đặc thù, các dự án chuyên đề như: Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội vùng An toàn khu, vùng DTTS đặc biệt khó khăn tỉnh Thái Nguyên; Đề án phát triển kinh tế-xã hội địa bàn đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống…

Sức mạnh từ “dân vận khéo”

Tỉnh luôn xác định công tác dân vận khéo, dân vận chính quyền cần đi trước nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị, phát huy nội lực của cộng đồng, tạo sự đồng thuận xã hội cao với các mục tiêu phát triển; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực.

Các địa phương đổi mới công tác dân vận, thật sự hướng về cơ sở, chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình “dân vận khéo” trong thực hiện công tác dân tộc; nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Song song với những nỗ lực trên, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chú trọng đổi mới tác phong công tác, đặc biệt là tăng cường tiếp xúc và bám sát cơ sở. Cùng với việc giữ vững kỷ cương, quy định, các cấp lãnh đạo cũng đã đẩy mạnh đối thoại trực tiếp với nhân dân.

Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 289 hội nghị đối thoại, tiếp xúc giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân vùng DTTS và miền núi, thu hút 24.011 lượt người tham gia.

Qua đó, cấp ủy, chính quyền các cấp không chỉ lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của đồng bào mà còn nắm bắt được tâm tư, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng.

Đồng thời, việc này cũng giúp giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp phát sinh, ngăn ngừa những âm mưu, thủ đoạn chia rẽ đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra chính sách dân tộc đã giúp tỉnh kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế trong quá trình triển khai.

Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS

Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào DTTS đang sinh sống, Thái Nguyên tập trung xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS và phát huy vai trò của người có uy tín cộng đồng.

Qua đó, nguồn nhân lực người DTTS ngày càng tăng với tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã vùng DTTS có trình độ cao đẳng, đại học là gần 93%; tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên là 85%; 100% cán bộ, công chức cấp huyện có trình độ đại học trở lên.

 Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong toàn tỉnh tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị là hơn 18%

Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong toàn tỉnh tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị là hơn 18%

Tỷ lệ cán bộ công chức người DTTS tham gia cấp ủy các cấp với Cấp xã đạt hơn 9%; cấp huyện đạt 19%. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong toàn tỉnh tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị là hơn 18%; cấp huyện là 24%; cấp xã là gần 32%.

Hiện toàn tỉnh có 8/9 huyện, thành phố có phòng dân tộc. Năng lực, tổ chức bộ máy của ban dân vận và phòng dân tộc cấp huyện được tăng cường là nhân tố quan trọng trong tăng cường năng lực, lãnh đạo điều hành công tác dân tộc ở Thái Nguyên.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực của nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng đồng bào DTTS, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; qua đó tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, khơi dậy tinh thần tự lực, ý chí, khát vọng vượt khó vươn lên của đồng bào DTTS... Có thể nói đây là những kinh nghiệm quý báu giúp kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS từng bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng nâng lên./.

Minh Huế

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/thai-nguyen--phat-huy-vai-tro-cua-he-thong-chinh-tri-va-doan-ket-toan-dan-130334.htm
Zalo