Thách thức của Hollywood

Hollywood bộc lộ điểm yếu trong bối cảnh thị trường điện ảnh châu Âu - vốn nhỏ hơn về quy mô lẫn sức ảnh hưởng quốc tế - đang trên đà phục hồi.

Diễn biến trái ngược tại phòng vé - với Inside Out 2 đang thắng lớn (hơn 1 tỷ USD toàn cầu tính đến hiện tại), còn Furiosa: A Mad Max Saga, The Fall Guy... được kỳ vọng nhưng kết quả đáng thất vọng - cho thấy thách thức của việc Hollywood lấy lại phong độ trước dịch Covid-19 ngày càng lớn.

Nhưng ở bờ bên kia, các triển lãm phim của châu Âu gần như đã khôi phục sức mạnh như xưa.

Trạng thái đối lập

Báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Omdia (được ủy quyền bởi Liên đoàn quốc tế các rạp chiếu phim Arthouse, Liên minh rạp chiếu phim quốc tế và mạng lưới rạp chiếu phim châu Âu) nhấn mạnh mức độ đầu tư vào thị trường phim nội địa của các quốc gia châu Âu đang rất "khủng khiếp". Điều đó đã giúp vực dậy phòng vé khu vực này.

Là tổ chức dành riêng cho các bộ phim của khu vực chứ không phải loạt tác phẩm bom tấn của Mỹ, Europe Cinemas (mạng lưới rạp chiếu phim châu Âu) tiếp tục bổ sung nhiều phòng chiếu vào mạng lưới của họ để giới thiệu thêm các tác phẩm được sản xuất trong nước.

Nhờ vậy, tổng doanh thu phòng vé châu Âu đã đạt gần bằng mức trước đại dịch Covid-19, với tổng doanh thu 1,8 tỷ USD của năm 2023. Mặc dù lượng người xem giảm khoảng 26% so với năm 2019, nhưng doanh thu của châu Âu gần đây khá tốt nhờ giá vé bán ra cao hơn trước.

 Thị trường điện ảnh châu Âu đang hồi phục, trong khi đó Hollywood chật vật với doanh thu mùa hè. Ảnh: Variety.

Thị trường điện ảnh châu Âu đang hồi phục, trong khi đó Hollywood chật vật với doanh thu mùa hè. Ảnh: Variety.

Các chuyên gia cho biết tỷ lệ thành công ở châu Âu đáng kinh ngạc so với những gì nước Mỹ đã chứng kiến, và tiếp tục chiều hướng đi lên. Trong khi đó, doanh thu phòng vé nội địa của Hollywood vẫn dẫn đầu thế giới với 9 tỷ USD hồi năm 2023, nhưng con số này thấp hơn nhiều so với mức 11,9 tỷ USD vào năm 2018.

Đó là chưa kể tổng doanh thu tại Mỹ tính từ tháng 1 cho tới đầu mùa hè năm nay đã giảm 20% so với năm ngoái, do ảnh hưởng từ việc chậm phát hành các phim bom tấn và tình trạng hỗn loạn ở một số công ty sản xuất như Warner Bros. Discovery khiến Hollywood thêm khó khăn, phức tạp. Duy chỉ có Inside Out 2 là điểm sáng hiếm hoi của thị trường tháng 6.

Giới chuyên gia kỳ vọng từ đây cho tới cuối năm, những tác phẩm khác sẽ giúp Hollywood khởi sắc.

Hollywood lộ điểm yếu

Nhìn chung, doanh thu phòng vé ở các quốc gia châu Âu nhỏ hơn đáng kể Mỹ và Trung Quốc (ngay cả khi Trung Quốc vẫn chưa đạt được mức doanh thu như trước đại dịch), nhưng nghịch lý rằng thị trường châu Âu lại đang phục hồi nhanh hơn.

Variety phân tích: "Đó là do số lượng rạp chiếu ở châu Âu nhiều hơn mức tưởng tượng. Dù châu Á và châu Mỹ có dân số khổng lồ, song châu Âu mới là nơi cung cấp nhiều rạp chiếu hơn với các lựa chọn đa dạng cho người yêu điện ảnh. Tại đây có nhiều dịch vụ, cách thức kiếm tiền từ phim, các buổi chiếu riêng biệt thu hút khán giả".

Theo Omdia, số lượng rạp chiếu ở châu Âu năm 2023 là gần 40.000 rạp với trên 12.300 rạp chiếu phim phổ thông. Đáng chú ý, khán giả châu Âu có xu hướng tập trung vào các phim địa phương - các phim chiếm đến 1/4 tổng doanh thu của khu vực vào năm 2023. Điều này thể hiện sự tán thưởng và ủng hộ mà khán giả điện ảnh châu Âu ở 33 quốc gia trong mạng lưới này dành cho những tác phẩm của nhau.

Giới chuyên gia nhận định rằng trong một năm mà lịch chiếu phim ít đi như 2024, điểm mạnh của các phim bom tấn Hollywood - là suất chiếu dày đặc - lại trở thành điểm yếu. Dù không có nhiều phim nhượng quyền thương mại lớn vào năm nay, các phim Hollywood cũng khó có thể được phát hành rộng rãi (ngoài những đợt phát hành giới hạn để đủ điều kiện tranh giải thưởng) dù chúng đã xuất hiện tại các liên hoan phim như Cannes, Berlin và Venice.

 Furiosa: A Mad Max Saga, một trong những bom tấn Hollywood gây thất vọng ở phòng vé năm nay. Ảnh: Variety.

Furiosa: A Mad Max Saga, một trong những bom tấn Hollywood gây thất vọng ở phòng vé năm nay. Ảnh: Variety.

Trái lại, những phim không do người Mỹ sản xuất lại được ưa chuộng trên chính đất nước này. Đơn cử, Anatomy of a Fall - phim nói tiếng Pháp thắng giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes 2023 - chỉ tốn 6,7 triệu USD kinh phí sản xuất nhưng thu về hơn 35,6 triệu USD, trong đó 5,1 triệu USD đến từ thị trường Mỹ.

Tương tự, phim hoạt hình Nhật Bản The Boy and the Heron cũng hoạt động tốt trên đất Mỹ. Điều này cho thấy các phim không nói tiếng Anh đang từng bước phát triển mạnh tại thị trường sản sinh những tác phẩm Hollywood.

"Đó là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại, việc trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch ở châu Âu và việc thúc đẩy Hollwyood phục hồi mới là điều đáng mong đợi", Variety bình luận.

Quốc Minh

Nguồn Znews: https://znews.vn/thach-thuc-cua-hollywood-post1483446.html
Zalo