Thách thức của doanh nghiệp Đông Nam Á trong cuộc đua AI toàn cầu

Đông Nam Á hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phổ cập trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng doanh nghiệp khó xây dựng các ứng dụng AI sử dụng rộng rãi cho toàn khu vực vì nguồn nhân tài hạn chế và hệ sinh thái AI phân mảnh.

Lực lượng dân số trẻ, am hiểu công nghệ cùng nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ là những yếu tố thuận lợi để phổ cập AI ở Đông Nam Á. Ảnh: asiapathways

Lực lượng dân số trẻ, am hiểu công nghệ cùng nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ là những yếu tố thuận lợi để phổ cập AI ở Đông Nam Á. Ảnh: asiapathways

Số lượng nhân tài AI còn hạn chế

Cơn sốt AI đã kích hoạt cuộc chạy đua cạnh tranh tuyển dụng nhân tài khắp khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, số lượng hạn chế của nhóm nhân tài có kỹ năng AI gây thách thức đáng kể cho những doanh nghiệp đang tìm cách khai thác lợi ích từ công nghệ đột phá này.

Lyon Poh, đối tác tư vấn công nghệ ở hãng kiểm toán KPMG, cho biết nguồn cung tài năng AI và công nghệ khan hiếm trên toàn cầu, chứ không riêng ở Đông Nam Á. Sự thiếu hụt đặc biệt rõ rệt ở nhóm nhân tài có khả năng vạch ra và thực hiện các dự án phức tạp.

Theo một báo cáo phân tích của KPMG, đến năm 2025, mức thiếu hụt nhà phát triển phần mầm và chuyên gia an ninh mạng trên toàn cầu sẽ lên đến con số 8 triệu.

Yeo Puay Lim, giám đốc thương mại của nền tảng tuyển dụng trực tuyến Glints (Singapore), nhận định thách thức lớn nhất đối với việc phổ cập AI ở Đông Nam Á vẫn là thiếu các nhà thực hành AI có kỹ năng, bao gồm kỹ sư phần mềm, kỹ sư dữ liệu.

“Dù thị trường hiện có sẵn nhiều mô hình AI nền tảng và các chương trình đào tạo chuyên môn AI đang mở rộng nhưng các kỹ năng phát triển, triển khai và đánh giá các hệ thống AI vẫn thiếu trầm trọng”, Lim nói.

Tình trạng khan hiếm này đã thúc đẩy các công ty khởi nghiệp (startup) mở rộng tuyển dụng xuyên biên giới để tận dụng nguồn lực nhân tài AI khắp Đông Nam Á thay vì chỉ tập trung vào nhân tài địa phương.

Theo Yeo Puay Lim, sự xuất hiện của những nhân tài có kỹ năng AI trẻ tuổi từ các chương trình giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), hệ sinh thái khởi nghiệp ở các nước như Việt Nam và Indonesia trong 10 năm qua… đã giúp các startup tiếp cận nền tảng nhân tài rộng lớn hơn.

Nhu cầu sử dụng AI của doanh nghiệp trong khu vực đang ngày càng tăng. Theo khảo sát của hãng tư vấn quản lý Kearney, 40-45% trong số hơn 100 công ty ở Đông Nam Á được hỏi cho biết đang sử dụng AI. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với 15% trong cuộc khảo sát vào năm 2020.

Trong khi đó, cuộc khảo sát gần đây của Glints cho thấy, 43% trong số 72 startup ở Singapore, Indonesia, Việt Nam và Đài Loan cho biết, có kế hoạch thử nghiệm hoặc triển khai AI để giảm chi phí vận hành doanh nghiệp trong 12 tháng tới.

Khách mời đến tham dự sự kiện Ngày AI do tập đoàn Microsoft tổ chức ở Jakarta, Indonesia hôm 30-4. Ảnh: Bloomberg

Khách mời đến tham dự sự kiện Ngày AI do tập đoàn Microsoft tổ chức ở Jakarta, Indonesia hôm 30-4. Ảnh: Bloomberg

Cạnh tranh tuyển dụng nhân tài AI

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, nhiều người cho rằng, có thể xảy ra tình trạng cạnh tranh tuyển dụng nhân tài AI giữa các startup và các tập đoàn công nghệ lớn. Tuy nhiên, theo Yeo Puay Lim của Glints, không lo ngại nhiều về cuộc cạnh tranh này vì startup thường tập trung vào việc sử dụng AI hơn là phát triển các mô hình nền tảng, lĩnh vực có các tiêu chí tuyển dụng rất cao.

Cũng có ý kiến tương tự, Wu Pei Chuan, giáo sư ở khoa quản lý của Trường Kinh doanh thuộc Đại học quốc gia Singapore, chia nhân tài AI thành 2 nhóm, gồm các chuyên gia kỹ thuật có thể xây dựng hệ thống AI và các chuyên gia thiên về kinh doanh, những người có thể áp dụng AI trong lĩnh vực như tài chính và y tế.

Theo bà, các startup có thể là điểm đến hấp dẫn hơn đối với một số nhóm nhân tài sáng tạo còn các tập đoàn công nghệ lớn lại có hạ tầng phát triển tốt và nhiều dự án tham vọng.

Theo Lyon Poh của KPMG, các startup có thể đầu tư đào tạo AI cho đội ngũ hiện tại để giảm chi phí tuyển dụng và tăng gắn kết với nhân viên. Để cạnh tranh tuyển dụng nhân tài AI với các tập đoàn công nghệ, các startup cần sáng tạo hơn trong cách tưởng thưởng dựa trên kết quả và cung cấp con đường sự nghiệp có ý nghĩa trong lĩnh vực của nhân viên.

Cần hợp tác chia sẻ dữ liệu toàn khu vực

Các nhà quan sát trong ngành cho rằng, hệ sinh thái AI phân mảnh của Đông Nam là một thách thức nữa để phổ cập AI trong khu vực. Varun Arora, đối tác của Kearney, nhận thấy các ứng dụng AI tương tác với khách hàng ở Đông Nam Á vẫn còn thiếu đặc sắc và thiếu sự phát triển. Có hai vấn đề lớn là chất lượng dữ liệu nghèo nàn và rào cản thích ứng ngôn ngữ địa phương ở hầu hết các nước Đông Nam Á. Hơn nữa, nhiều công ty sử dụng hệ thống công nghệ lạc hậu, hạn chế khả năng thực hiện các tính tăng cao cấp của AI.

Trong khi đó, Yeo Puay Lim của Glints, cho rằng mỗi nước trong khu vực có ngôn ngữ, văn hóa và môi trường quản lý riêng biệt. Sự sẵn có của dữ liệu chính xác để cung cấp cho các mô hình nền tảng cũng rất khác nhau. Vì vậy, một mô hình AI xây dựng cho nước này có thể không hoạt động tốt hoặc không phù hợp ở nước khác.

Bảo đảm tuân thủ pháp lý khi sử dụng dữ liệu và mô hình AI khắp các thị trường Đông Nam cũng gây khó cho các doanh nghiệp.

Theo Varun Arora của Kearney, bối cảnh này đòi hỏi một khuôn khổ hợp tác về dữ liệu chung sẽ giúp khu vực tận dụng các lợi ích của AI vì mỗi nước Đông Nam Á riêng lẻ không tạo ra thị trường lớn. Xây dựng một hệ sinh thái AI nhắm đến tất cả thị trường Đông Nam Á một cách đồng bộ có thể khả thi tài chính hơn đối với các startup.

Theo đó, cách tiếp cận này cho phép chia sẻ hạ tầng. Chẳng hạn, với trung tâm dữ liệu, một số phân khúc dữ liệu có thể trao đổi ra bên ngoài một nước. Điều này cũng tạo điều kiện cho việc chia sẻ hệ sinh thái AI khắp các nước trong khu vực. Các startup có thể làm việc dựa trên dữ liệu của nhiều nước để tạo ra các ứng dụng AI và huấn luyện chúng dựa trên nhiều ngôn ngữ, từ đó có thể triển khai ra toàn khu vực.

Mỹ vẫn đang là nước dẫn đầu rõ ràng trong cuộc đua AI. Tuy nhiên, nhiều ý cho rằng, các startup Đông Nam có thể nhắm đến các lĩnh vực ngách của AI bằng các đổi mới và sáng kiến chiến lược, phù hợp với bối cảnh cụ thể của khu vực.

Theo Yeo Puay Lim, các chính phủ trong khu vực cũng cần đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách với tầm nhìn hướng về phía trước, đồng thời đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI.

Singapore đã thiết lập Chiến lược AI quốc gia để chuyển đổi các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế vào năm 2030 bằng cách sử dụng AI. Bên cạnh đó, Indonesia, Việt Nam và Malaysia đều đã xây dựng các khuôn khổ quốc gia liên quan đến AI.

Yeo Puay Lim nhận định, thế mạnh của Đông Nam Á là có lực lượng dân số trẻ, am hiểu công nghệ. Hệ sinh thái khởi nghiệp và nền kinh tế số của khu vực cũng đang tăng trưởng nhanh chóng. Nhiều công ty Đông Nam Á, nổi bật là ở Singapore, Indonesia và Việt Nam đang triển khai AI để giải quyết các thách thức cụ thể trong lĩnh vực chăm sóc y tế, nông nghiệp, tài chính và logistics.

Theo Bussiness Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thach-thuc-cua-doanh-nghiep-dong-nam-a-trong-cuoc-dua-ai-toan-cau/
Zalo