Teen bàn luận về thí điểm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính: Hợp xu thế nhưng còn rủi ro

Thông tin kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thí điểm làm bài trên máy tính từ năm 2027 đang khiến cộng đồng học sinh bàn tán xôn xao trên mạng xã hội.

Đúng tinh thần thời đại số

Không thể phủ nhận, hình thức thi trên máy tính mang lại nhiều ưu điểm rõ rệt. Bài trắc nghiệm có thể được thực hiện nhanh chóng, không cần tô đáp án như cách truyền thống. Hệ thống tự động nộp bài giúp hạn chế sai sót và giúp việc công bố kết quả nhanh hơn.

Chia sẻ với Hoa Học Trò Online, bạn Nguyễn Phương Nhi (sinh năm 2009, TP.HCM) nhận định: "Theo mình, đây là một hướng đi hợp lý. Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển và công nghệ ngày càng được nâng cao, việc chuyển đổi này là điều tất yếu. Nó không chỉ hợp xu thế mà còn giúp học sinh chúng mình dần thích nghi với những thay đổi trong tương lai".

 Phương Nhi cho rằng kỳ thi máy tính giúp tiết kiệm chi phí khá hiệu quả. Ảnh: NVCC

Phương Nhi cho rằng kỳ thi máy tính giúp tiết kiệm chi phí khá hiệu quả. Ảnh: NVCC

Nhiều học sinh cũng đồng tình thi trực tuyến giúp giảm sai sót và hạn chế gian lận nhờ phần mềm giám sát hiệu quả. Bạn Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 2008, TP.HCM) tin rằng đây là một bước tiến quan trọng của nền giáo dục hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng thi cử, tạo điều kiện công bằng và thuận tiện hơn cho thí sinh. Việc áp dụng công nghệ không chỉ giúp quy trình thi nhanh chóng, chính xác mà còn mở ra cơ hội để giáo dục Việt Nam tiến gần hơn đến chuẩn mực quốc tế.

Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây áp lực tâm lý

Dù mới nghe qua thì đúng là như được “nâng cấp” thi cử sang thời đại 4.0, hiện đại và nhanh gọn hơn. Tuy nhiên, với nhiều bạn học sinh cuối cấp đang gồng mình học ngày học đêm, ý tưởng này lại vừa mới mẻ vừa… đáng lo.

Bạn Huỳnh Ngọc Minh Châu (sinh năm 2009, TP.HCM) chia sẻ: “Mình khá lo lắng vì đây là lần đầu tiên áp dụng hình thức thi trên máy tính. Để thích nghi, chúng mình sẽ cần trang bị thêm các kỹ năng về tin học văn phòng chứ không chỉ ôn luyện kiến thức chuyên môn như trước. Là một học sinh đã trải qua gần 12 năm quen với việc thi trên giấy, mình cảm thấy chưa thật sự yên tâm khi chuyển sang hình thức thi mới - nhất là khi đây là năm đầu tiên áp dụng".

 Minh Châu không khỏi lo lắng khi nghĩ đến kỳ thi đại học trên máy tính. Ảnh: NVCC

Minh Châu không khỏi lo lắng khi nghĩ đến kỳ thi đại học trên máy tính. Ảnh: NVCC

Không chỉ học sinh bối rối, nhiều phụ huynh cũng chia sẻ nỗi lo khi nghe tin thí điểm thi trên máy. Cô Phương Thảo (TP.HCM) bày tỏ: "Bản thân là phụ huynh, thực sự tôi cũng thấy lo lắng nhiều thứ: Thao tác không quen, lo hỏng máy, mất kết nối wifi, rồi lo điểm công bố ngay làm tụi nhỏ sốc tinh thần. Thi kiểu truyền thống giấy bút tuy tốn thời gian hơn, nhưng ít ra các con đã quen, không bị hoang mang".

 Ảnh: NVCC

Ảnh: NVCC

Đáng nói, nếu thi xong mà biết điểm ngay tức khắc, nhiều bạn có thể mất tinh thần hoặc bị áp lực khi làm các môn sau. Nếu triển khai vội vàng mà không tính đến những yếu tố này, thì sự chênh lệch giữa các bạn sẽ càng rõ, áp lực tâm lý sẽ càng lớn.

Cần sự chuẩn bị kỹ càng

Nhiều chuyên gia giáo dục đều đồng tình rằng, thi trên máy tính là xu hướng tất yếu trong tương lai. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi diễn ra hiệu quả, cần có lộ trình triển khai rõ ràng. Trước hết, học sinh cần được tập huấn kỹ năng sử dụng máy tính từ sớm để làm quen với thao tác. Các kỳ thi thử nên được tổ chức thường xuyên nhằm giúp thí sinh tiếp cận giao diện và quy trình làm bài.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị phương án dự phòng trong trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật như mất mạng, phần mềm lỗi cũng là điều không thể thiếu. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng không nên công bố điểm ngay sau khi thi để tránh gây áp lực tâm lý cho học sinh. Thực tế, các kỳ thi khảo thí quốc tế như SAT, IELTS... cũng không làm điều này.

Ảnh minh họa: Phi Long

"Mình không phản đối việc thi trên máy vì nó hiện đại, nhanh gọn, mình hy vọng kỳ thi có thể được chuẩn bị kỹ lưỡng, có thi thử và đảm bảo điều kiện công bằng cho tất cả học sinh, kể cả ở vùng xa” - bạn Kim Ngân bày tỏ.

Để đảm bảo tính công bằng cho một kỳ thi lớn như thi tốt nghiệp THPT với kết quả được sử dụng để xét tuyển đại học, rất cần sự chuẩn bị kỹ càng cả về kỹ thuật, kỹ năng lẫn tâm lý để đảm bảo sĩ tử thật sự sẵn sàng, tự tin khi chuyển sang thao tác thi trên máy tính.

Trang Huyền - Phương Anh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/teen-ban-luan-ve-thi-diem-thi-tot-nghiep-thpt-tren-may-tinh-hop-xu-the-nhung-con-rui-ro-post1759704.tpo
Zalo