TCLife gia nhập thị trường, ngân hàng đua làm chủ trong lĩnh vực bảo hiểm
Thị trường bảo hiểm vừa đón thêm 'tân binh' là Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Kỹ thương (TCLife), phản ánh xu hướng ngày càng rõ nét khi nhiều ngân hàng muốn chuyển từ hợp tác sang làm chủ doanh nghiệp bảo hiểm. Bước đi này nhằm hoàn thiện hệ sinh thái tài chính, tạo động lực tăng trưởng mới và nguồn thu mới cho các nhà băng.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã Ck: TCB) vừa công bố việc Bộ Tài chính đã cấp giấy phép số 100/GP/KDBH ngày 16/7 cho Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Kỹ thương (TCLife).
Từ hợp tác sang làm chủ, kỳ vọng lãi lớn từ năm thứ ba
Theo kế hoạch đã được Hội đồng quản trị Techcombank thông qua từ tháng 3/2025, ngân hàng Techcombank sẽ góp 80% vốn (1.040 tỷ đồng) vào TCLife, phần còn lại thuộc các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vingroup.
TCLife có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, do ông Chung Bá Phương làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Trụ sở công ty đặt tại Tòa C5 D’Capitale, 119 Trần Duy Hưng, phường Yên Hòa, Hà Nội. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm.
Techcombank dự kiến TCLife sẽ bắt đầu có lãi từ năm thứ ba với lợi nhuận ròng 605 tỷ đồng. Sau 6 năm, ngân hàng kỳ vọng thu về 1.195 tỷ đồng lợi nhuận, tương ứng tỷ suất sinh lời 23,4%.
Tổng tài sản của TCLife cũng được dự báo tăng từ 728 tỷ đồng năm đầu lên hơn 16.000 tỷ đồng vào năm thứ 5.

Nguồn: Techcombank.
Trước đó, vào tháng 10/2024, Techcombank cũng thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TCGIns), trở thành thành viên thứ 31 của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Doanh nghiệp này cung cấp các sản phẩm như bảo hiểm tài sản; bảo hiểm các lĩnh vực hàng hóa vận chuyển, hàng không, xe cơ giới và các loại nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe...
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân, công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 chiều ngày 23/7, đại diện Techcombank cho rằng, việc TCLife được Bộ Tài chính cấp phép thành lập là cột mốc quan trọng trong quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh bảo hiểm của ngân hàng, sau khi Techcombank hoàn tất tăng vốn tại TCGIns vào đầu năm nay. Hiện Techcombank đang nắm giữ 80% vốn tại TCLife và 68% tại TCGIns.
Techcombank đang dần hoàn thiện những "mảnh ghép" quan trọng trong chiến lược phát triển hệ sinh thái, với kỳ vọng đây sẽ là những động lực tăng trưởng mới và nguồn thu bổ sung bền vững. Không chỉ hướng tới tăng trưởng ngắn hạn, ngân hàng kỳ vọng các lĩnh vực này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa chiến lược hệ sinh thái toàn diện.
Việc các ngân hàng chuyển hướng từ hợp tác chiến lược sang làm chủ các công ty bảo hiểm cũng nhằm hoàn thiện, tiếp tục mở rộng hệ sinh thái tài chính và giúp tăng nguồn thu ngoài lãi.
Bởi việc sở hữu các doanh nghiệp bảo hiểm giúp ngân hàng có thể làm chủ toàn bộ hành trình, từ “may đo” các sản phẩm phù hợp với các phân khúc khách hàng mục tiêu; đến tận dụng thế mạnh về công nghệ số và dữ liệu để số hóa toàn bộ hành trình bảo hiểm. Qua đó, các sản phẩm bảo hiểm được tích hợp vào đời sống hàng ngày và các hành trình trải nghiệm trong hệ sinh thái dành cho cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp.
Bancassurance khởi sắc, kỳ vọng bứt tốc dài hạn
Trong các năm 2021 và 2022, hoạt động hợp tác bảo hiểm mang về cho Techcombank lần lượt 1.558 tỷ đồng và 1.750 tỷ đồng doanh thu. Tuy nhiên, đến năm 2024, nguồn thu từ mảng này giảm xuống còn 606 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,5% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng. Dù vậy, bước sang nửa đầu năm 2025, mảng bảo hiểm đã ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc trở lại.

Nguồn: Techcombank.
Phí bảo hiểm phục hồi hoàn toàn
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, đại diện Techcombank cho biết, phí bảo hiểm từ kênh bancassurance tiếp tục tăng trưởng trong quý II/2025, đạt 241 tỷ đồng và hoàn toàn phục hồi về mức trước quý IV/2024 khi công bố chấm dứt hợp đồng phân phối độc quyền với Manulife. Theo chỉ tiêu APE (phí bảo hiểm tương đương hàng năm), Techcombank hiện đứng thứ 3 toàn thị trường.
Đánh giá về tiềm năng thị trưởng bảo hiểm nhân thọ, theo đại diện Techcombank, hiện tỷ lệ doanh thu bảo hiểm nhân thọ/GDP của Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ khoảng 1,2% và thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng trong khu vực dao động từ 5 - 10%. Điều này cho thấy thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam còn dư địa tăng trưởng rất lớn.
Trong tầm nhìn 5 - 10 năm tới, Techcombank kỳ vọng doanh số toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ có thể tăng gấp khoảng 3,5 lần, mở ra cơ hội lớn trong lĩnh vực này.
Hiện nay, nhiều ngân hàng lớn như BIDV, MB và VPBank đã thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ như: BIC, MIC và Bảo hiểm OPES. Bên cạnh đó, BIDV và MB cũng hợp tác với các đối tác chiến lược để phát triển mảng bảo hiểm nhân thọ, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái tài chính toàn diện.
Trước nhiều dư địa phát triển của ngành, một số ngân hàng tiếp tục thể hiện tham vọng mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm. Chẳng hạn, VPBank có kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ, trong khi PGBank cũng có kế hoạch góp vốn hoặc mua cổ phần tại doanh nghiệp bảo hiểm nhằm đa dạng hóa nguồn thu và tăng cường kết nối dịch vụ trong hệ sinh thái khách hàng./.