'Tẩy xanh'- Từ chiêu thức truyền thông đến rủi ro ngầm khó lường
Greenwashing (tẩy xanh) đánh vào cảm xúc người tiêu dùng hoặc nhà đầu tư thông qua những tuyên bố khó kiểm chứng. Doanh nghiệp bị phát hiện 'tẩy xanh' không chỉ thiệt hại về uy tín thương hiệu mà có thể kéo theo tổn thất về tài chính và pháp lý.

Diễn đàn ESG 2025, một sự kiện thường niên do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức thu hút nhiều doanh nghiệp quan tâm đến phát triển xanh bền vững tham gia.
Không đơn giản chỉ là lỗi truyền thông
“Greenwashing” - hay còn gọi là “tẩy xanh” - là hành vi doanh nghiệp truyền thông sai lệch, phóng đại hoặc gây hiểu nhầm về tác động tích cực tới môi trường của sản phẩm, dịch vụ, hoạt động hoặc báo cáo của mình.
Khái niệm này thường xuất hiện trong truyền thông tiếp thị hoặc các báo cáo ESG (Environmental, Social, and Governance -môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp) là nơi doanh nghiệp muốn tạo ấn tượng tích cực với nhà đầu tư hoặc người tiêu dùng quan tâm đến phát triển bền vững.
Không giống với các nỗ lực môi trường thực chất, greenwashing đánh vào cảm xúc người tiêu dùng hoặc nhà đầu tư, thông qua những tuyên bố mơ hồ, khó kiểm chứng, hoặc sử dụng các thuật ngữ “xanh” một cách tùy tiện.
Điểm đáng lưu ý là không ít doanh nghiệp thực hiện các hành vi trên với thiện chí quảng bá, nhưng lại thiếu hiểu biết pháp lý và chuyên môn, dẫn tới nguy cơ bị xem là “tẩy xanh” khi có khiếu kiện, thanh tra hoặc phản ứng từ thị trường.
Khi hành vi greenwashing bị bóc trần, rủi ro không chỉ dừng ở uy tín truyền thông mà còn có thể kéo theo tổn thất tài chính, bị loại khỏi chuỗi cung ứng hoặc các nguồn vốn đầu tư ESG.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp trong ngành xây dựng, thực phẩm, thời trang, hay cả các nền tảng thương mại điện tử đã bị dư luận và chuyên gia chỉ ra việc sử dụng các thuật ngữ mập mờ như “thân thiện môi trường”, “xanh hóa”, hay “100% tái chế” mà không có bằng chứng khoa học hoặc chứng nhận kiểm định.
Không ít doanh nghiệp vẫn nghĩ rằng greenwashing chỉ là một khái niệm truyền thông nếu lỡ mắc thì cùng lắm là bị mất lòng tin từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tiễn quốc tế đang chứng minh điều ngược lại: hậu quả của việc "tẩy xanh" có thể rất nặng nề về mặt pháp lý và tài chính.
Rủi ro pháp lý và tài chính từ "tẩy xanh"
Những năm gần đây, cụm từ “thân thiện với môi trường” hay “phát triển bền vững” xuất hiện dày đặc trên các sản phẩm, bao bì, website doanh nghiệp và cả trong các báo cáo thường niên. Từ thời trang, tiêu dùng nhanh cho tới ngành xây dựng và ngân hàng - tất cả đều mang một “lớp áo xanh”. Tuy nhiên, không phải lớp áo nào cũng thực chất.
Tháng 6-2022, chuỗi thời trang H&M và Decathlon (Pháp) buộc phải gỡ bỏ nhiều chiến dịch truyền thông bị tố “tẩy xanh" - theo các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng tại châu Âu.
Tại Mỹ, ngân hàng đầu tư Deutsche Bank bị cơ quan giám sát tài chính điều tra hình sự vì nghi vấn phóng đại chỉ số ESG trong danh mục đầu tư. Tại Đông Nam Á, chính phủ Singapore đã sửa luật để tăng giám sát quảng cáo môi trường, sau hàng loạt vụ “xanh giả” trong ngành sản phẩm tiêu dùng.
Tại Mỹ, hãng hàng không Delta Airlines đang đối mặt với vụ kiện trị giá 1 tỉ đô la vì tuyên bố trở thành “hãng hàng không trung hòa carbon” mà không có phương pháp đo đếm rõ ràng.
Tại châu Âu, các tập đoàn tiêu dùng lớn như Unilever cũng đã bị cơ quan cạnh tranh và người tiêu dùng điều tra vì quảng cáo "sản phẩm xanh" không minh bạch.
Không dừng lại ở khía cạnh pháp lý, rủi ro tài chính từ greenwashing đang gia tăng nhanh chóng. Các quỹ đầu tư ESG và tổ chức tài chính quốc tế hiện siết chặt tiêu chí lựa chọn đối tác - từ minh bạch dữ liệu, có kiểm chứng độc lập, đến lịch sử công bố thông tin môi trường.
Doanh nghiệp nếu không đạt yêu cầu có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng, mất quyền tiếp cận vốn ưu đãi, hoặc bị gạch tên khỏi danh mục đầu tư xanh, kể cả khi sản phẩm của họ có yếu tố “xanh” thật sự.
Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để “xanh thật”
Trong nhiều năm trở lại đây, các quốc gia đã từng bước hoàn thiện luật pháp để kiểm soát các tuyên bố môi trường của doanh nghiệp. Khi những bộ lọc về ESG, tài chính xanh, báo cáo khí thải ngày càng chặt chẽ, thì sự trung thực, minh bạch và chuẩn mực từ bên trong mới là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp tồn tại và phát triển dài lâu.
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những khu vực đi đầu: từ năm 2021, Ủy ban châu Âu đã công bố Kế hoạch hành động chống greenwashing và yêu cầu tất cả doanh nghiệp có tuyên bố môi trường phải chứng minh được bằng dữ liệu khoa học.
Dự thảo “Chỉ thị về tuyên bố xanh” (Green Claims Directive) quy định cụ thể: doanh nghiệp không được sử dụng các thuật ngữ như “thân thiện môi trường”, “xanh 100%”, “trung hòa carbon”… nếu không có căn cứ khoa học và không qua kiểm chứng bởi bên thứ ba độc lập.
Tại Singapore, Bộ Môi trường và Cơ quan Tiêu chuẩn đã công bố Bộ hướng dẫn quảng cáo xanh (Green Labelling Guidelines), cấm sử dụng hình ảnh gây hiểu nhầm và yêu cầu minh bạch toàn bộ vòng đời sản phẩm.
Ở Nhật Bản, greenwashing có thể bị xử lý theo Luật Cạnh tranh không lành mạnh. Thậm chí tại Mỹ, các cơ quan quản lý tài chính như SEC đã thành lập đơn vị riêng để điều tra hành vi “xanh giả” trong các quỹ đầu tư ESG.
Những bài học này đặt ra yêu cầu cấp bách cho Việt Nam. Hiện tại, khung pháp lý trong nước vẫn chưa có quy định riêng về greenwashing. Một số điều khoản liên quan có thể tìm thấy rải rác trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Quảng cáo, Luật Cạnh tranh hoặc Luật Bảo vệ môi trường 2020 nhưng đều chưa đủ cụ thể để xử lý tình huống “tẩy xanh” trong thực tiễn.
Chính vì vậy, Việt Nam cần sớm nghiên cứu và xây dựng các hướng dẫn chi tiết về công bố thông tin môi trường, tiêu chuẩn báo cáo ESG, và kiểm chứng dữ liệu “xanh” - không chỉ để bảo vệ người tiêu dùng, mà còn để tạo môi trường công bằng, minh bạch giữa các doanh nghiệp chân chính.
Doanh nghiệp, với tư cách là chủ thể chính của quá trình chuyển đổi xanh cũng cần chủ động chuẩn bị và thay đổi nhận thức ngay từ bây giờ. “Xanh thật” không chỉ là trách nhiệm xã hội, mà đang trở thành yêu cầu sống còn để doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong giai đoạn chuyển đổi xanh toàn cầu.
Những hành động thiết thực có thể bắt đầu ngay từ hôm nay:
- Kiểm tra và rà soát lại toàn bộ nội dung truyền thông “xanh” từ bao bì sản phẩm, tài liệu quảng cáo đến báo cáo thường niên.
- Chỉ sử dụng các thuật ngữ môi trường khi có dữ liệu rõ ràng và minh bạch, tránh dùng các cụm từ chung chung như “bền vững”, “thân thiện môi trường” mà không có chứng nhận hoặc bằng chứng khoa học.
- Đầu tư vào hệ thống đo đếm, kiểm chứng nội bộ hoặc qua bên thứ ba, đặc biệt khi doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng quốc tế hoặc muốn tiếp cận các nguồn tài chính xanh.
- Nâng cao năng lực xây dựng báo cáo ESG một cách nghiêm túc thay vì sao chép hình thức hoặc “xanh hóa” số liệu để gây ấn tượng ngắn hạn.
Greenwashing: các hình thức phổ biến và dễ mắc phải
Tại Việt Nam, hiện tượng "tẩy xanh" thường xuất hiện dưới ba dạng phổ biến:
Sử dụng từ ngữ mập mờ như “sản phẩm sinh thái”, “thân thiện môi trường”, “100% xanh”, trong khi không có tiêu chuẩn đo lường rõ ràng hay chứng nhận cụ thể kèm theo.
Tự gắn nhãn hoặc biểu tượng môi trường do doanh nghiệp tự thiết kế, dễ gây nhầm lẫn với các chứng nhận uy tín như Energy Star, FSC, hay ISO 14001.
Báo cáo ESG hình thức, tức là công bố các chỉ tiêu “màu xanh” như lượng phát thải giảm, tiết kiệm năng lượng… nhưng không kèm số liệu kiểm chứng, phương pháp đo đếm hoặc không qua bên kiểm toán độc lập.