Tây Ninh: 'Khơi thông' điểm nghẽn, vận hành hiệu quả bộ máy chính quyền mới
Việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại Tây Ninh bước đầu đạt kết quả tích cực, song vẫn đặt ra yêu cầu cấp thiết về ổn định tổ chức bộ máy, hoàn thiện phân cấp, phân quyền.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Mỹ Yên, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)
Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính, tỉnh Tây Ninh đã chủ động triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp theo hướng đồng bộ, linh hoạt và phù hợp với thực tiễn.
Sau khi hoàn tất việc sáp nhập các đơn vị hành chính, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, "khơi thông" điểm nghẽn trong tổ chức và vận hành, nhằm bảo đảm bộ máy mới hoạt động ổn định, hiệu quả.
Xác định điểm nghẽn
Bà Huỳnh Vương Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết xã được tạm giao tổng cộng 429 biên chế, trong đó có 52 cán bộ, công chức và 377 viên chức thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế và dịch vụ sự nghiệp công, hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Trụ sở Huyện ủy cũ được bố trí là nơi làm việc cho bộ máy chính quyền xã mới, hiện đã bước đầu vận hành ổn định.
Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy xã Dương Minh Châu, trang thiết bị tại một số bộ phận nơi đây đã xuống cấp, hiệu năng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Công tác cải cách hành chính còn gặp khó khăn, đặc biệt là phần mềm một cửa chưa tiếp nhận được hồ sơ lĩnh vực đất đai; hệ thống ilis-id.tayninh.gov.vn thiếu ổn định về dữ liệu và phân quyền, gây trở ngại trong tra cứu, in giấy chứng nhận, chuyển thuế. Việc định giá đất nông nghiệp chuyển sang đất ở cũng còn nhiều vướng mắc, nhất là khi thay đổi đơn vị hành chính từ thị trấn sang cấp xã.

Cán bộ hỗ trợ cho người dân ở xa nhận kết quả qua bưu điện. (Ảnh: Thành Phương/TTXVN)
Theo ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hóa, tỉnh Tây Ninh, trong quá trình vận hành bộ máy hành chính mới, địa phương vẫn gặp một số khó khăn, như: việc cập nhật, tiếp cận văn bản hướng dẫn chuyên môn của một số cán bộ, công chức còn lúng túng. Cổng Dịch vụ công Quốc gia chưa đồng bộ, chỉ hỗ trợ một phần thủ tục hộ tịch, trong khi phần mềm hộ tịch còn lỗi, chưa vận hành trơn tru.
Phần mềm chứng thực điện tử và thủ tục hành chính phi địa giới chưa triển khai được do vướng quy định, thiếu hướng dẫn về phí và thời gian xử lý hồ sơ luân chuyển. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, gây khó khăn trong quản lý hành chính điện tử và chuyển đổi số.
Nhìn nhận thực tế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Lập (tỉnh Tây Ninh) Phan Duy Quang cho biết hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là sau khi được đầu tư trang thiết bị phục vụ tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ cho người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các thủ tục hành chính tại cấp xã vẫn còn nhiều bất cập.
Việc tiếp cận văn bản hướng dẫn chuyên môn của một số cán bộ, công chức còn lúng túng. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính điện tử và chuyển đổi số.
Tăng cường vai trò của cấp ủy trong vận hành bộ máy mới
Việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại Tây Ninh bước đầu đạt kết quả tích cực, song vẫn đặt ra yêu cầu cấp thiết về ổn định tổ chức bộ máy, hoàn thiện phân cấp, phân quyền và nâng cao hạ tầng số và năng lực cán bộ cơ sở.
Ông Huỳnh Thanh Phương, Đại biểu Quốc hội, Phó Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh Tây Ninh, cho rằng trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, cấp xã được phân cấp, ủy quyền với thẩm quyền và khối lượng công việc hành chính rất lớn. Do đó, việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ phải căn cứ vào năng lực, sở trường và kinh nghiệm thực tiễn để nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ.
Hiện nay, nhiều nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, cấp huyện đã được chuyển về cấp xã, trong khi đội ngũ chuyên môn ở cơ sở còn thiếu và mỏng. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền cấp xã cần tăng cường vai trò lãnh đạo, sớm ổn định tổ chức bộ máy, chú trọng đổi mới tư duy, phương pháp làm việc và đánh giá đúng năng lực cán bộ. Cán bộ xã phải nắm chắc nhiệm vụ, giải quyết hiệu quả yêu cầu của người dân, không để tình trạng người dân phải vượt cấp lên tỉnh để xử lý các thủ tục hành chính phát sinh.
Liên quan đến nội dung phân cấp, phân quyền trong tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, ông Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh việc phân định rõ ràng thẩm quyền giữa các cấp là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, nếu cấp xã phát hiện những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, cần chủ động phản ánh và có đề xuất cụ thể để cấp có thẩm quyền kịp thời xem xét, chỉ đạo tháo gỡ. Đồng thời, cấp xã cần rà soát, nghiên cứu kỹ các nội dung đã được phân cấp, phân quyền hiện nay để đánh giá mức độ rõ ràng, tính khả thi trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, từ đó có những kiến nghị để điều chỉnh phù hợp, góp phần hoàn thiện cơ chế vận hành của bộ máy chính quyền địa phương.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh cho biết thời gian qua, hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã hết sức nổ lực, đồng lòng trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong thực hiện mô hình chính quyền mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Út thăm và kiểm tra Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Mỹ Yên. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)
Đến nay, tổ chức bộ máy ở các xã, phường mới đã đi vào vận hành ổn định, ưu tiên tập trung giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, dù giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn, bộ thủ tục hành chính ở cấp xã còn chưa đầy đủ, do thay đổi bộ thủ tục hành chính từ các bộ, ngành Trung ương, tuy nhiên địa phương cũng đã kịp thời chỉ đạo, không để ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong thực hiện thủ tục hành chính phi địa giới hành chính.
Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các xã, phường tại tỉnh bám sát chỉ đạo của tỉnh và của Trung ương, về sắp xếp tổ chức bộ máy, nghiên cứu kỹ Kết luận số 177-KL/TW ngày 11/7/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính 2 cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả; tiếp tục nổ lực khắc phục khó khăn vướng mắc, vận hành bộ máy hành chính 2 cấp đảm bảo thông suốt, hiệu quả, trong đó các địa phương trên địa bàn tỉnh cần rà soát lại hệ thống quy chế làm việc, quyết định phân công nhiệm vụ của lãnh đạo các địa phương, Ủy ban Nhân dân các xã tập trung xây dựng quy chế làm việc, quy định phân công trách nhiệm của các thành viên Ủy ban Nhân dân xã đảm bảo không chồng chéo, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; tiếp tục rà soát công tác nhân sự, xây dựng phương án vị trí việc làm cấp xã để làm cơ sở rà soát chuyên môn của công chức, viên chức để bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên môn và năng lực sở trường.
Cùng với việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, cần đặc biệt quan tâm xây dựng khối đoàn kết nội bộ vững mạnh, xem đây là nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững. Mọi hoạt động của bộ máy hành chính phải hướng đến mục tiêu phục vụ nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp làm thước đo cho hiệu quả quản trị và động lực thúc đẩy phát triển đất nước.
Các địa phương được Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu tập trung bám sát chương trình hành động, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, để tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2025 của tỉnh, phấn đấu hoàn thành đạt, vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, bảo đảm thực hiện đầy đủ, chất lượng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định; vận hành thông suốt, hiệu quả bộ máy chính quyền, ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong giai đoạn mới./.