Tây Ninh: Dông lốc làm sập, tốc mái 37 ngôi nhà, 1 người bị thương
Liên tục trong 2 ngày qua, mưa lớn kèm theo gió lốc mạnh quét qua một số xã thuộc tỉnh Tây Ninh đã làm sập, tốc mái 37 căn nhà, 1 người bị thương.
Chiều 22/7, ông Đỗ Hữu Phương- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Môi trường tỉnh Tây Ninh cho biết: “Vào chiều ngày 20 và 21/7, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã xảy ra mưa lớn kèm theo dông, lốc gây thiệt hại về nhà ở và tài sản của người dân. Theo số liệu báo cáo nhanh của UBND các xã, phường, tính đến sáng ngày 22/7, thiệt hại ban đầu do ảnh hưởng của dông, lốc trong 2 ngày đã khiến 1 người bị thương, 3 căn nhà bị sập hoàn toàn, 32 căn nhà tốc mái, 1 căn nhà siêu vẹo và 1 trụ sở cơ quan bị tốc mái. Ngoài ra, hơn 130 ha lúa chuẩn bị thu hoạch bị đổ ngã; nhiều trụ điện, bảng quảng cáo, cây xanh và đèn chiếu sáng cũng bị hư hỏng rất nặng làm điện gián đoạn… Tổng giá trị thiệt hại đánh giá sơ bộ ước khoảng 411,28 triệu đồng”.

Giông, lốc đã làm 32 căn nhà bị tốc mái
Nạn nhân bị thương là ông Nguyễn Văn Bòn (SN 1942, ngụ ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc) bị cây xanh ngã trúng người, chấn thương vùng đầu và vai. Sau khi được cấp cứu, sức khỏe đã ổn định. Đảng ủy, UBND xã đến thăm, động viên gia đình.

Chính quyền các địa phương đến thăm, dộng viên, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai
Khi xảy ra dông lốc thiệt hại tài sản, UBND các xã, phường đã khẩn trương thành lập đoàn khảo sát thực tế, huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Nhiều địa phương đã tổ chức dọn dẹp cây ngã, thay thế đèn chiếu sáng, chằng chống nhà cửa và hỗ trợ tạm thời cho các hộ bị thiệt hại.

Hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả
Tại xã Đông Thành, chiều 21/7, Chủ tịch UBND xã Tạ Hồng Trang đã chỉ đạo lực lượng quân sự xã phối hợp cùng nhà trường, người dân tổ chức che chắn, thu dọn các đống đổ nát đồng thời hỗ trợ đột xuất 1 triệu đồng/hộ dân bị ảnh hưởng.
Hiện Sở Nông nghiệp & Môi trường Tây Ninh đang tiếp tục tổng hợp thiệt hại, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất UBND tỉnh phương án hỗ trợ kịp thời nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất sau thiên tai.