Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn số 6896/UBND-NN yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nguồn lực, bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; bảo đảm kinh phí để tổ chức triển khai kịp thời, khống chế hiệu quả khi dịch bệnh xảy ra. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan chăn nuôi , thú y quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng dịch; rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin cúm gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm; chủ động giám sát gia cầm bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm; không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh; không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm…
Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp, hướng dẫn với các địa phương tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn; tổ chức tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm; chủ động lấy mẫu giám sát trên các loài động vật mẫn cảm, động vật hoang dã bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trên nhiều loài động vật, lây lan sang người.
Tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 3/2024 phòng, chống dịch bệnh động vật; phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất bố trí kinh phí, vắc-xin, hóa chất theo quy định. Tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm đối với các huyện, thị xã, thành phố, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương được kiểm tra.
Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, Cục Quản lý thị trường chủ động theo dõi nắm chắc tình hình kinh doanh, buôn bán động vật, sản phẩm động vật; phối hợp với cơ quan chuyên ngành thú y, các địa phương tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh và các địa phương ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, kinh doanh trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.
Các cơ quan thông tin truyền thông chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn và các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về các quy định của Nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh động vật; các quy định và các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt về giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trái pháp luật; vận động người dân không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trái pháp luật…
PV