Tập thể thao quá sức, gặp hiểm họa khôn lường

Rèn luyện sức khỏe thông qua các hoạt động thể lực luôn là phương pháp đem lại lợi ích, song không có nghĩa là càng tập nhiều càng tốt.

Thực tế thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội liên tục tiếp nhận những trường hợp nhập viện do luyện tập thể dục, thể thao quá sức, không đúng cách, cho thấy, tập luyện quá sức còn có thể khiến cơ thể phải đối mặt với nhiều nguy hiểm.

Bác sĩ Bệnh viện E điều trị cho bệnh nhân bị đau tức ngực, khó thở, vã mồ hôi sau khi tập luyện thể thao với cường độ cao. Ảnh: Thanh Xuân

Bác sĩ Bệnh viện E điều trị cho bệnh nhân bị đau tức ngực, khó thở, vã mồ hôi sau khi tập luyện thể thao với cường độ cao. Ảnh: Thanh Xuân

Tác dụng ngược...

Bệnh viện E mới đây vừa can thiệp cấp cứu cho một nam thanh niên (32 tuổi ở tỉnh Vĩnh Phúc) nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… do nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân vốn là huấn luyện viên thể hình, thường xuyên tập luyện với cường độ cao. Thời điểm xảy ra tình trạng trên là sau khi kết thúc tập luyện tại phòng tập, nam bệnh nhân có biểu hiện khó thở tăng dần, rồi chuyển sang tức ngực, đau thắt ngực theo cơn kéo dài…

Trước đó, bệnh viện này cũng tiếp nhận bệnh nhân (37 tuổi ở thành phố Hà Nội) nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã, mất nước, mạch nhanh, huyết áp tụt... Theo đó, trong khi đang tham gia giải chạy bộ phong trào, bệnh nhân thấy chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị sốc choáng, giảm khối lượng tuần hoàn do hoạt động thể lực gắng sức.

Đáng chú ý, những trường hợp như trên không hề hiếm gặp. Trung bình mỗi năm, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện E) tiếp nhận 4-5 bệnh nhân vào cấp cứu do sốc, choáng vì vận động quá sức. Các bác sĩ bệnh viện cảnh báo, tập luyện thể dục, thể thao có lợi cho sức khỏe. Thế nhưng, việc tập luyện quá sức có thể khiến cơ thể phải đối mặt với những nguy cơ nguy hiểm về tim mạch, choáng, sốc, giảm thể tích tuần hoàn, mạch nhanh, ngất… Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể đột quỵ và tử vong.

Tương tự, trong tháng 10-2024, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho 6 bệnh nhân bị sốc nhiệt sau khi tham gia giải chạy marathon tại Hà Nội. Theo đó, 6 bệnh nhân được đưa đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng rối loạn ý thức, lơ mơ, yếu cơ tứ chi, hạ huyết áp, da khô, thiểu niệu. Theo kết quả xét nghiệm, các bệnh này đều có tình trạng tăng men cơ, suy giảm chức năng thận…

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Cường - Chủ nhiệm Khoa Cấp cứu (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết, vài năm gần đây, tình trạng sốc nhiệt khi tham gia các giải chạy marathon và thể thao đường dài gia tăng. Sốc nhiệt do gắng sức hay gặp ở những người trẻ, khỏe mạnh, đặc biệt là những vận động viên không chuyên khi tham gia các giải chạy marathon. Tình trạng này không chỉ xảy ra sau phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao mà còn do tình trạng sinh nhiệt lúc luyện tập gắng sức.

“Lắng nghe” cơ thể để tập luyện phù hợp

Theo các chuyên gia, tùy thuộc vào thể trạng của từng người, một người trưởng thành mỗi tuần nên dành ra 5 giờ để tập luyện ở cường độ trung bình và khoảng 2,5 giờ ở cường độ cao. Ngoài ra, đối với trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 17 nên tập luyện ít nhất 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 60 phút. Như vậy, các trường hợp tập luyện nhiều hơn mức trung bình được coi là vận động quá sức. Nguy hiểm nhất là trường hợp tập luyện liên tục, không cho cơ thể thời gian ngừng nghỉ, hoặc đẩy giới hạn chịu đựng của cơ thể lên cao nhất.

Những dấu hiệu cho thấy tập thể dục, thể thao quá sức là: Cảm giác kiệt sức, mệt mỏi sau khi tập; nhịp tim bất thường; ngủ không sâu giấc, thất thường; dễ bị cảm lạnh, cảm cúm… Ngoài ra, việc tập thể dục, thể thao không đúng cách, sai tư thế, có chế độ dinh dưỡng không phù hợp còn có thể gây ra những chấn thương, như: Bong gân, giãn cơ, vẹo cột sống, dễ ngất xỉu…

Để tránh những nguy cơ nguy hiểm đối với sức khỏe khi tập luyện thể dục, thể thao, Thạc sĩ - bác sĩ Đàm Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E) khuyến cáo, những người thường xuyên luyện tập, nhất là các hoạt động thể lực gắng sức nên thăm khám định kỳ và tầm soát các nguy cơ về tim mạch. Đặc biệt, những người có tiền sử nhồi máu cơ tim hoàn toàn có thể tái phát với một số biến chứng nguy hiểm như: Đau tim, rối loạn nhịp, suy tim cấp, thuyên tắc mạch phổi, đột quỵ, hở van tim cấp, đột tử… Do đó, những trường hợp này, khi định luyện tập thể dục, thể thao, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và tránh những bài tập với cường độ cao.

Thời gian gần đây, nhiều giải chạy phong trào có sự tham gia đông người, thậm chí hàng chục nghìn người. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Uyển, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) khuyến cáo, chạy là môn thể thao tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, việc chạy cần phù hợp với sức khỏe của bản thân. Trước mỗi cuộc chạy, cần tập luyện kỹ càng, nâng dần độ khó. Nên “lắng nghe” cơ thể để luyện tập phù hợp. Nếu cảm thấy cơ thể bất thường, phải dừng ngay việc luyện tập. Ngoài ra, cần tránh luyện tập dưới trời nắng nóng, lạnh giá, trong thời gian dài và nên có nhiều lượt nghỉ đan xen.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tap-the-thao-qua-suc-gap-hiem-hoa-khon-luong-685683.html
Zalo