Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới
Trong 2 ngày (28-29/11), đoàn công tác Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Ninh Bình đã tham quan, trao đổi kinh nghiệm về triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP tại tỉnh Hà Tĩnh.
Đoàn công tác gồm đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh, Văn phòng Điều phối NTM các huyện, thành phố đã tham quan thực tế và trao đổi kinh nghiệm triển khai mô hình Cam giòn Thượng Lộc, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
Xã Thượng Lộc có khoảng 200 ha trồng cam chanh và cam giòn, trong đó, cam giòn chiếm diện tích hơn 50%. Hiện toàn xã có khoảng 500 hộ trồng cam, tập trung chủ yếu ở các thôn Anh Hùng, Thanh Mỹ, Nam Phong, Sơn Bình…
Đặc biệt, giống cam giòn có hình cầu, võ nhẵn, kích thước nhỏ hơn cam chanh và khi chín vỏ có màu vàng tươi. Loại cam này có vị ngon ngọt đậm đà, mùi thơm rất hấp dẫn, khi ăn có cảm giác mát, giòn tan. Ngoài ra, cam giòn còn có mẫu mã đẹp, kích thước quả cam đồng đều, có trọng lượng trung bình khoảng 250gr-350gr/quả. Giá bán của cam giòn thường cao hơn cam chanh, giá tại vườn đang xuất bán từ 70 đến 80 nghìn đồng/kg.
Bác Phan Văn Thanh, thành viên HTX Sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ tổng hợp Thanh Hiền chia sẻ: Hiện, toàn HTX đang trồng 7,2 ha cam giòn, hàng năm cho năng suất từ 15 đến 17 tấn/ha, với giá bán hiện tại, trồng cam giòn sẽ cho doanh thu từ 1,4 đến 1,6 tỷ đồng/ha.
Sản phẩm cam Thượng Lộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận (tháng 1/2017) và được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019.
Trong chương trình, đoàn công tác Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Ninh Bình cũng đã thăm xã NTM kiểu mẫu Xuân Thành (huyện Nghi Xuân). Đây là xã miền biển đạt chuẩn NTM năm 2015, đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019 và năm 2021 trở thành xã đầu tiên của huyện Nghi Xuân đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.
Được biết, tổng nguồn lực đầu tư trong 10 năm xây dựng NTM của xã Xuân Thành đạt gần 381 tỷ đồng. Trong đó, nguồn huy động đóng góp của người dân hơn 105 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 10 năm đã vận động nhân dân hiến 47.136 m2 đất và đóng góp 198.511 ngày công để thi công các công trình, mở rộng đường giao thông nông thôn với tổng trị giá 77 tỷ đồng. Nhờ đó, toàn xã đã làm mới được hơn 57 km đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương phát triển kinh tế.
Xã Xuân Thành đang chuyển dịch phát triển kinh tế mạnh mẽ theo hướng tăng nhanh các ngành nghề, du lịch, dịch vụ thương mại. Toàn xã đã xây dựng được 40 mô hình kinh tế; 3 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác và 16 doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả; trên địa bàn không còn hộ nghèo.
Đoàn công tác Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Ninh Bình đã tham quan thực tế và trao đổi kinh nghiệm xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu Thành Phú (xã Xuân Thành).
Thôn Thành Phú đã đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu năm 2017 và được vinh danh là “phố trong làng” với ý nghĩa sát thực. Bởi, trong phong trào xây dựng NTM, toàn thôn đã đóng góp hơn 3 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công, hiến hơn 4.000 m2 đất để mở đường. Toàn bộ các tuyến đường trục thôn được mở rộng từ 5m lên 9-13m. Đến nay, toàn thôn không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 64 triệu đồng/năm,...
Qua tham quan thực tế, các thành viên đoàn công tác Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Ninh Bình bày tỏ sự ấn tượng trước kết quả xây dựng NTM ở Hà Tĩnh như: hệ thống đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa; môi trường, cảnh quan sáng xanh sạch đẹp, an toàn; đặc biệt là người dân đã nhận thức được xây dựng NTM là xây dựng đời sống mới cho chính mình, mình là chủ thể, tự giác thực hiện.