Tạp chí Kinh tế Môi trường... 'của tôi'
Xin cho phép tôi dùng từ 'của tôi' trong tiêu đề này mặc dù tôi chính thức hoạt động thường xuyên, viết bài thường xuyên chỉ từ 2020 đến nay.

Như một lời mở đầu
Chỉ với thời gian ngắn, nhưng hoạt động cùng các đồng chí lãnh đạo tạp chí, anh em biên tập viên, phóng viên trong tòa soạn đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Trước khi về hưu (4/2020) tôi là giảng viên giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội nên chuyên môn của tôi phù hợp với các nội dung phản ánh trong Tạp chí Kinh tế Môi trường. Ngoài các bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, tôi cũng có một vài bài đăng trên tạp chí khác, trong đó có một bài đăng trên VietnamNet năm 2008 được nhiều độc giả quan tâm nhất suốt nhiều ngày. Khi về hưu tôi dành nhiều thời gian hoạt động trong Hội Kinh tế Môi trường và được Tạp chí Kinh tế Môi trường mời cộng tác với nhiều chức danh, mới nhất là Ủy viên Hội đồng Biên tập, Trưởng Ban Khoa học & Chính sách.
Nhìn lại 5 năm tham gia hoạt động ở Tạp chí này tôi thấy mình đã từng bước hòa nhập với nhịp độ làm việc cùng đồng nghiệp, đã viết được một số bài đăng trên Tạp chí in (1 tháng 1 kỳ), báo mạng và Chuyên san khoa học. Nhân dịp Tạp chí tròn 19 tuổi, xin ghi lại đôi điều tâm sự cùng bạn độc, cùng đồng nghiệp.

Tập thể cán bộ, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường.
Những bài viết đầu tiên
Quả thực, viết báo không hề dễ vì viết ra thì chính mình phải chấp nhận rồi sau đó Ban Biên tập Tạp chí biên tập mới duyệt đăng. Đối với bài đăng trên Tập san khoa học còn phải gửi xin ý kiến phản biện của các nhà khoa học chuyên môn sâu.
Tôi loay hoay không biết viết gì và viết như thế nào, viết ngắn hay dài, viết kiểu đăng tin, giới thiệu hay viết có phân tích, bình luận. May mà ngồi đọc các bài tạp chí đã in, đã đăng nên dần dần tôi biết những nội dung gì Tạp chí quan tâm và đặc biệt là phong cách viết theo từng dạng bài.
Do không phải là phóng viên, không có Thẻ nhà báo nên tôi khó có thể đi thực địa khai thác thông tin thực tế nên lúc đầu nhiều nhà báo cung cấp thông tin và tôi tìm cách viết theo phong cách riêng của mình.
Tôi có “tật” viết dài. Khi đã có chủ ý thì vừa viết vừa khai thác thêm thông tin minh chứng. Bài viết của tôi thường ít là dăm bảy trang còn nhiều thì hơn chục trang A4. Thời gian đầu, viết xong tôi nhờ một số nhà báo kỳ cựu của tạp chí đọc và góp ý, mọi người rất nhiệt tình và giúp tôi đăng các bài viết dài thành nhiều kỳ. Tôi đã mạnh dạn viết bài “Con đường phát triển với những thành tựu của Việt Nam về ổn định xã hội và bảo vệ môi trường”. Khi đó, tôi thật sự lo không biết có đăng được không vì khá dài lại đề cập tới nhiều vấn đề nhạy cảm. Nhưng được đồng chí Tổng biên tập khi ấy là PGS,TS Trương Mạnh Tiến cho đăng ở mục Tiêu điểm, báo điện tử ngày 16/6/2021 nên tôi rất vui.
Tôi cũng có ấn tượng rất đẹp với nhà báo Hoàng Ngọc Châu khi tôi được xếp ngồi cùng phòng làm việc. Nhiều vấn đề đưa ra thảo luận rất hợp ý nhau và những bài viết đầu tay của tôi được nhà báo này chỉnh sửa để có thể gửi đăng. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm 2024, tôi có bài viết “Tản mạn về nghề báo nhân ngày 21/6 - Ngày của những người làm báo” tôi đã thử đặt và giải đáp câu hỏi viết báo khó hay dễ?, tuy còn hạn chế nhưng phần nào nói lên suy nghĩ của mình. Tôi cũng đã viết một bài “Liều” viết hay viết “liều” nói về nên hay không nên viết liều và liều viết (báo), khi đăng được nhiều người ủng hộ, động viên, tán đồng.
Tôi cũng đã cố gắng lồng chuyên môn Kinh tế môi trường vào một số bài viết để làm rõ hơn nội hàm của một số vấn đề đang được quan tâm như khả năng tăng chi phí do chậm tiến độ thực hiện đối với các dự án “treo” như dự án trên đất Khu Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội hay dự án Khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh; Vấn đề nhận biết tiềm năng nguồn lực phát triển của Việt Nam theo quan điểm vốn/tài sản phát triển, vấn đề về kinh tế tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái, vấn đề chuyển đổi năng lượng sang năng lượng tái tạo và một số vấn đề khác cũng được phân tích, viết dưới góc độ kinh tế môi trường.
Tính đến cuối tháng 6/2025, nghĩa là sau 5 năm làm việc ở Tạp chí Kinh tế Môi trường tôi cũng đã đóng góp trên dưới 60 bài viết được đăng tải, cùng các đồng nghiệp gửi tham gia một số giải báo chí và đạt thành tích khá ấn tượng, có cả giải đặc biệt, giải nhất rất đáng tự hào.
Như vậy, có thể nói, tôi đã dần dần từng bước hòa nhập được với các hoạt động của tòa soạn một tạp chí chuyên ngành nhưng có lẽ phải cố gắng hơn, đổi mới nhiều mặt để có thêm bài viết chất lượng trong thời gian tới, khi đất nước đã bước sang kỷ nguyên mới với kỳ vọng phát triển ấn tượng.

Mong đợi sẽ tốt hơn trong tương lai
Đất nước đang chuyển mình với nhiều thay đổi lớn lao. Hiến pháp và nhiều Luật đã sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với việc chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao (tăng GDP 8% năm 2025 và 2 con số giai đoạn 2026-2030) buộc tất cả mọi ngành, mọi tầng lớp xã hội phải đổi mới, cố gắng nhiều hơn nữa. Báo chí cũng là ngành đang có nhiều đổi mới, từ tổ chức, cơ chế hoạt động đến chất lượng tin bài. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi cũng đã có bài viết Báo chí - Kỳ vọng vào những bước đột phá trong Kỷ nguyên mới đề cập tới Đa dạng hóa nguồn thông tin phản ánh trên báo chí; Đa dạng cách trình bày tin; Đa dạng nguồn lực thực hiện công tác báo chí để các tờ báo, tạp chí có thể hoạt động bền vững, các nhà báo có đất sống lâu dài.
Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có thâm niên hoạt động phát triển gần 20 năm, đã tập hợp được đội ngũ các cán bộ chuyên môn đầu ngành tham gia Hội đồng, Ban Biên tập, đã quy tụ được nhiều nhà báo, nhiều cộng tác viên có tay nghề vững, có các văn phòng đại diện ở một số vùng, địa phương và hoạt động rất hiệu quả, đúng mục đích, tôn chỉ của mình. Tạp chí đã có những thành tích nổi bật được thể hiện trong các bài viết nhân kỷ niệm 19 năm thành lập Tạp chí.
Chắc chắn, trong thời gian tới, với sự năng động, đổi mới của Ban lãnh đạo tạp chí, với sự đồng thuận, hăng hái của các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ còn gặt hái được những thành công vang dội hơn nữa. Hãy tin và đủ cơ sở để tin về những thành tựu này ngay trong nửa cuối 2025.
GS Hoàng Xuân Cơ
Ủy viên Hội đồng biên tập
Trưởng Ban Khoa học & Chính sách
Tạp chí Kinh tế Môi trường