Tạo thuận lợi bằng chính sách giúp doanh nghiệp chuyển đổi buýt xanh

Để 'xanh hóa' xe buýt, Hà Nội cần hơn 48.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố cần gần 36.000 tỷ đồng, còn lại do doanh nghiệp cân đối, bố trí.

Đầu tư hệ thống xe buýt điện nguồn vốn ban đầu rất lớn, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ rất khó khăn. Đó là quan điểm được đại diện Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội (HAPTA) nhấn mạnh tại tọa đàm: "Xanh hóa xe buýt: Thách thức và giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư”, do Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức chiều nay (29-11).

Vận tải hành khách công cộng tiên phong chuyển đổi năng lượng xanh

UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố".

Hà Nội đi đầu cả nước trong phát triển xe buýt xanh. Ảnh: Vinbus

Hà Nội đi đầu cả nước trong phát triển xe buýt xanh. Ảnh: Vinbus

Cụ thể, đề án đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố đạt 100% vào năm 2035.

Ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành (Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội) cho biết, chuyển đổi năng lượng xanh hệ thống vận tải hành khách công cộng đã được thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo từ rất sớm. Năm 2017, 7 tuyến buýt đã được chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu CNG. Đến cuối năm 2021, Hà Nội đã đưa 3 tuyến buýt điện đầu tiên trên cả nước vào vận hành. Hiện nay, thành phố có 10 tuyến buýt điện.

Ngày 22-7-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông Vận tải. Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Giao thông vận tải xây dựng đề án phát triển vận tải công cộng xanh.

Đến nay, đề án đã được HĐND thành phố thông qua và UBND thành phố phê duyệt. Có thể nói, vận tải hành khách công cộng đã tiên phong trong chuyển đổi năng lượng xanh của ngành Giao thông Vận tải.

Cần các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi

Theo lộ trình, tới năm 2035, thành phố Hà Nội sẽ có 128-153 tuyến buýt điện. Trên cơ sở đề án đã được phê duyệt, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã được chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai tổng thể triển khai.

“Chúng tôi xác định để chuyển đổi được cần có sự tham gia của các cấp, ngành. Trên cơ sở đó sẽ có bước đi, lộ trình, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể” – ông Phạm Đình Tiến nói.

Cũng theo ông Phạm Đình Tiến, thành phố đã tính toán, các tuyến nằm trong nội đô sẽ sử dụng 100% xe buýt điện. Các tuyến ngoại vi, kết nối ngoại thành đến điểm chuyển tiếp sẽ sử dụng xe buýt năng lượng xanh như CNG/LNG. Giai đoạn trước mắt, thành phố sẽ tập trung các tuyến buýt điện kết nối đường sắt đô thị.

Để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, cơ quan chức năng cũng sẽ có từng bộ định mức riêng biệt và có bộ tiêu chuẩn chung trong quản lý cung ứng dịch vụ, bảo đảm sự đồng bộ.

Theo tính toán của các cơ quan chức năng, để “xanh hóa” xe buýt theo như lộ trình được nêu trong đề án, Hà Nội cần hơn 48.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố cần gần 36.000 tỷ đồng, còn lại hơn 12.600 tỷ do doanh nghiệp cân đối bố trí.

Các doanh nghiệp buýt truyền thống đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, để đầu tư chuyển đổi xe buýt năng lượng sạch. Ảnh: Tạ Hải

Các doanh nghiệp buýt truyền thống đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, để đầu tư chuyển đổi xe buýt năng lượng sạch. Ảnh: Tạ Hải

Khẳng định quyết tâm chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh, song các đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn còn không ít băn khoăn về cơ chế, chính sách tiếp cận nguồn vốn đầu tư; vấn đề hạ tầng trạm sạc; đơn giá định mức cho xe buýt điện…

“Để một doanh nghiệp đang chạy xe buýt truyền thống (xe động cơ diesel) chuyển sang xe xanh, công nghệ mới, vừa cần thay đổi phương tiện, vừa phải thay đổi tư duy. Các doanh nghiệp buýt cần có quyết tâm, tìm nguồn lực nhằm vận hành ổn định ngay từ giai đoạn đầu để đi đường dài, đồng hành với thành phố để công cuộc chuyển đổi xe buýt xanh được nhanh chóng, tích cực nhất. Song song với đó, thành phố cũng cần sự hỗ trợ doanh nghiệp, với các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi” – ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch HAPTA nói.

Đại diện doanh nghiệp tiên phong của Hà Nội và cả nước đưa vào thí điểm vận hành loại hình xe buýt điện, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus cho biết, để chuẩn bị hệ thống trạm sạc cần xuất phát từ thiết kế tuyến (tuyến xa hay gần, cần bao nhiêu năng lượng).

Nếu như xe diesel chỉ cần đổ dầu là lăn bánh mà không cần phải lo lắng thì với xe buýt điện cần phải tính toán khá kỹ lưỡng cho từng tuyến (sạc lúc nào, dung lượng bao nhiêu?) Đây là bài toán khó và khác biệt hơn so với xe diesel.

Vinbus đã tính toán kỹ cho vấn đề này và triển khai lắp đặt hệ thống trạm sạc ở 2 depot: Ocean Park (quận Long Biên) và Smart City (quận Nam Từ Liêm), đáp ứng được nhu cầu của hệ thống buýt điện.

Đối với lo lắng về nguồn cung năng lượng điện, xe buýt điện chỉ sạc vào giờ thấp điểm (từ 21h đến 4h sáng hôm sau). Đây là ưu thế khi khai thác năng lượng điện dư thừa vào giờ thấp điểm. Các doanh nghiệp vận tải hoàn toàn có thể tính toán để đáp ứng hạ tầng trạm sạc phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp.

“Về vấn đề hỗ trợ lãi suất, Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn đã định ra việc hỗ trợ 50% lãi suất trong thời gian đầu, nhưng quá trình thực hiện còn vướng mắc và Sở Giao thông vận tải đang đánh giá, điều chỉnh lại các điều khoản” – đại diện Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội cho biết.

Lương Ninh Giang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tao-thuan-loi-bang-chinh-sach-giup-doanh-nghiep-chuyen-doi-buyt-xanh-686005.html
Zalo