Tạo sức hút cho môn thể dục

Trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới) đang triển khai ở các cấp học, lần đầu tiên môn Giáo dục thể chất có sách giáo khoa. Dẫu thế, mối quan tâm mà nhiều phụ huynh đặt ra là làm thể nào để dạy - học thể dục đi vào thực chất, nếu không sách giáo khoa Giáo dục thể chất dù in đẹp, cũng chỉ là lý thuyết.

Giải bóng rổ học sinh TP Hà Nội năm 2023. Ảnh: TL.

Giải bóng rổ học sinh TP Hà Nội năm 2023. Ảnh: TL.

Yêu cầu đổi mới phương pháp và nhận thức về giáo dục thể chất luôn là nội dung được Bộ GDĐT quan tâm khi bắt tay triển khai chương trình GDPT mới, bởi đây là môn học bắt buộc. TS Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, Bộ đã triển khai trong toàn ngành Quyết định 1660 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025. Từ năm 2021, Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GDĐT) đã xây dựng và được Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường và Chương trình Y tế học đường gắn với Y tế cơ sở.

Dẫu thế, trên thực tế việc triển khai giảng dạy môn Giáo dục thể chất, hoạt động thể dục thể thao trong các nhà trường vẫn còn mang tính hình thức.

Ghi nhận từ thực tế, tâm tư chung của nhiều giáo viên dạy bộ môn thể dục cho thấy, để dạy và học tốt môn thể dục không phải câu chuyện có sách giáo khoa hay không, mà là điều kiện vật chất cho môn học này thế nào. Các trường có quỹ đất để làm bể bơi, có điều kiện để xây phòng tập đa năng, có sân bãi đá bóng hay không?… Và liệu học sinh có được tạo điều kiện lựa chọn các bộ môn thể dục thể thao phù hợp với sở thích, sức khỏe và giới tính của mình?

Tại Hội thảo tham vấn định hướng phát triển công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học, GS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định, chúng ta cần quan tâm đến giáo dục thể chất vì đây là 1 trong 6 môn bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, việc tăng cường thể lực cho học sinh, thanh thiếu niên Việt Nam còn tăng chậm. Phương pháp giảng dạy Giáo dục thể chất ở nhiều nơi vẫn còn một số hạn chế…

Nếu làm một khảo sát nhỏ với những học sinh ngay tại gia đình, câu trả lời mà nhiều phụ huynh chắc chắn biết trước, đó là con em họ không thích học môn thể dục. Có nhiều lý do được đưa ra: Môn học này không hấp dẫn, hoặc các con không được chọn môn thể thao đúng sở trường. Đa phần những tiết học thể dục hiện nay rất buồn tẻ, đơn điệu từ thời các phụ huynh đi học cho tới hôm nay, vẫn là những môn vận động chạy xa, nhảy cao…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quang - giáo viên dạy bơi tại Trung tâm Thể dục Thể thao quận Hoàng Mai (Hà Nội), sau giờ học buổi chiều rất nhiều phụ huynh có con học tiểu học tại khu vực đến Trung tâm để đăng ký các lớp học bóng đá, bóng rổ hoặc bơi lội… cho con em mình. Điều này phần nào phản ánh nhu cầu rèn luyện sức khỏe, kỹ năng của học sinh rất lớn.

Ông Quang cho biết, quá trình rèn luyện sức khỏe và thể lực cho học sinh là nhiệm vụ cơ bản của môn Giáo dục thể chất. Việc kiểm tra đánh giá và theo dõi quá trình rèn luyện còn giúp phát hiện những học sinh có năng khiếu để bồi dưỡng và định hướng tài năng sau này. Vai trò của người thầy còn là một huấn luyện viên. Đối với những học sinh có thể lực yếu, cần có chế độ luyện tập phù hợp với sức khỏe. Không thể áp dụng các bài tập chung dành cho các học sinh có thể lực tốt trong lớp, để tránh sự quá sức hay tai nạn chấn thương khi luyện tập. Đối với học sinh có năng khiếu, cần có giáo án tập luyện riêng để phát triển tài năng.

Mới đây nhất, Phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT Hà Nội đã phối hợp với các cụm trường THPT tổ chức chuyên đề môn Giáo dục thể chất theo hướng nghiên cứu bài học của Chương trình GDPT 2018. Tại đây, tiết học bóng rổ của bộ sách Cánh diều đã được lựa chọn làm bài giảng mẫu. Buổi dạy đã góp phần giúp các giáo viên hiểu rõ cách xây dựng một tiết học thể chất đảm bảo phù hợp với năng lực của học sinh.

Ông Lê Hồng Vũ - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GDĐT Hà Nội) cho biết: Bóng rổ là môn học trong thời gian tới sẽ phát triển rất mạnh ở các trường, trong điều kiện hiện nay có sân bóng rổ cho các em học không phải là khó đối với nhiều trường. Tuy nhiên, Chương trình GDPT 2018 có rất nhiều điểm mới, chuyển từ dạy nội dung kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh và đặc biệt đối với môn Giáo dục thể chất đòi hỏi sự đổi mới càng rõ hơn nữa.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tao-suc-hut-cho-mon-the-duc-5715197.html
Zalo