Tạo sinh kế từ chương trình 'Ngân hàng bò'

Từ một chương trình thiện nguyện với quy mô ban đầu khiêm tốn, sau hơn 10 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, 'Ngân hàng bò' đã trở thành điểm tựa sinh kế vững chắc cho hàng nghìn hộ nghèo. Những con bò giống trao tay được người dân chăm sóc, gây đàn, tiếp tục trao lại cho các hộ nghèo khác, tạo nên một vòng quay lan tỏa yêu thương và trách nhiệm cộng đồng.

Có mặt tại xã Yên Thổ trong những ngày đầu tháng 7, chúng tôi được chứng kiến niềm vui của bà Lục Thị Mìn, dân tộc Nùng, hộ nghèo ở xóm Đức Long khi nhận được một con bò sinh sản từ chương trình “Ngân hàng bò”. Bà Mìn xúc động chia sẻ: Tôi chưa bao giờ dám nghĩ nhà mình có được con bò. Nay có bò, gia đình tôi sẽ chăm sóc tốt, mong bò sinh sản để có thể trao lại cho hộ khác như mình.

Không riêng bà Mìn, nhiều hộ nghèo khác trên địa bàn tỉnh cũng đã từng bước “đổi đời” từ con bò được trao tặng. Gia đình anh Đặng Chòi Nhàn, dân tộc Dao, xóm Gằng Thượng, xã Thanh Long, một trong những hộ đầu tiên nhận bò từ chương trình “Ngân hàng bò” từ năm 2011. Khi nhận bò, vợ chồng anh sống trong ngôi nhà gỗ tạm bợ, không có tài sản gì đáng giá ngoài vài đám ruộng, nương. Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi kỹ thuật, đến nay anh Nhàn đã có cả một đàn 5 con bò. Năm 2019, anh tự nguyện trao lại bê con cho chương trình để tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo khác trong xã. Gia đình anh đã thoát nghèo bền vững, xây được nhà kiên cố, cho các con đi học đầy đủ. “Mỗi lần nhìn đàn bò ngoài bãi, tôi lại nhớ đến ân tình từ chương trình. Không có con bò ngày đó, có lẽ tôi vẫn chưa thể có được cuộc sống như bây giờ. Nó không chỉ là vật nuôi, mà là động lực để mình cố gắng vươn lên, là sự động viên rất lớn cả về tinh thần” - anh Nhàn chia sẻ.

Người dân xã Bảo Lâm tiếp nhận bò giống trong Chương trình “Ngân hàng bò”, tạo cơ hội sinh kế bền vững cho các hộ nghèo vùng cao.

Người dân xã Bảo Lâm tiếp nhận bò giống trong Chương trình “Ngân hàng bò”, tạo cơ hội sinh kế bền vững cho các hộ nghèo vùng cao.

Chương trình “Ngân hàng bò” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 2010. Mỗi con bò giống trị giá từ 12 - 15 triệu đồng được trao cho các hộ nghèo có đủ điều kiện chăn nuôi. Sau 3 - 4 năm, hộ nhận bò đầu tiên sẽ bàn giao lại bê con đầu tiên cho một hộ nghèo khác, tạo nên một “ngân hàng” tái sinh kế mang tính bền vững. Chương trình không chỉ trao tặng một con vật nuôi mà còn mang đến cả một cơ hội cho các hộ nghèo. Khi được nhận bò, bà con không chỉ có tư liệu sản xuất mà còn được tập huấn kiến thức chăn nuôi, kỹ thuật thú y, xây dựng chuồng trại. Đây là cách hỗ trợ gắn với trách nhiệm, giúp người dân thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình.

Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận và trao tặng gần 1.000 con bò giống từ Chương trình “Ngân hàng bò” trị giá trên 9 tỷ đồng, giúp gần 1.000 lượt hộ nghèo trực tiếp hưởng lợi. Nhiều hộ đã gây đàn thành công, thoát nghèo và tiếp tục giúp đỡ các hộ khác, hình thành một chuỗi luân chuyển đầy nhân văn và trách nhiệm. Dự án hỗ trợ phát triển kinh tế hộ là mô hình nhân đạo tiêu biểu, gắn kết cộng đồng. Mỗi con bò được trao đi không chỉ mang theo niềm hy vọng mà còn là lời cam kết: hộ nhận bò phải có trách nhiệm chăm sóc, nhân đàn và bàn giao lại cho người khác khi bò sinh sản. Nhờ vậy, tinh thần “tương thân, tương ái”, trách nhiệm cộng đồng trong nhân dân cũng được nâng lên.

Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nông Thị Anh cho biết: Chương trình này không đơn thuần là từ thiện một chiều, mà là mô hình phát triển sinh kế có tính luân chuyển, giúp người dân chủ động vươn lên và tự lực. Thành công của mô hình là minh chứng cho việc làm từ thiện đúng cách, có kế hoạch và tính dài hạn. Đặc biệt, thông qua chương trình, các hộ nghèo còn được tiếp cận các lớp tập huấn về chăn nuôi, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; được kết nối với các hội, đoàn thể để vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất. Đây là điều kiện quan trọng để các hộ từng bước chuyển từ chăn nuôi tự phát sang chăn nuôi hàng hóa có định hướng.

Nông Hậu

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tao-sinh-ke-tu-chuong-trinh-ngan-hang-bo-3178644.html
Zalo