Tạo ra nhiều giá trị thông qua việc kể câu chuyện về nông sản

Một sản phẩm hàng hóa sẽ được nhân giá trị lên gấp nhiều lần nếu biết đưa những câu chuyện gắn liền với quá trình sản xuất vào chúng.

Năm 2024, một trong những nội dung quan trọng ngành nông nghiệp hướng đến là thúc đẩy thương mại điện tử để tận dụng các dư địa cho tăng trưởng.Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.

"Đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới. Chúng tôi sẽ hướng tới không chỉ trên nền tảng TikTok shop Việt Nam mà chúng tôi cũng thí điểm bán trên các mạng xã hội khác như Taobao…".

Thương mại điện tử đang là xu hướng tiêu dùng mới. Tuy nhiên, việc làm thế nào để chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, bán được sản phẩm với giá trị gia tăng cao trên các sàn thương mại điện tử thì không phải ai cũng hiểu rõ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, trên nền tảng thương mại điện tử hiện có hai kênh rất khác biệt. Một là thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch thông thường như Shopee, Lazada... Đây là việc cạnh tranh bằng giá, mua chủ động khi người tiêu dùng đã biết mình cần mua cái gì và mua cái nào rẻ nhất.

Loại thứ hai đang bắt đầu có sự phát triển, đó là mua sắm trên cơ sở cảm xúc, bằng việc thông qua các livestream bán hàng hoặc thông qua các clip ngắn giới thiệu sản phẩm. Xu hướng này tạo giá trị mới, nó nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng bắt đầu có sự quan tâm về môi trường, văn hóa…

Cây chè Shan tuyết cổ thụ.

Cây chè Shan tuyết cổ thụ.

"Nếu chúng ta bán bằng cảm xúc, bán bằng quy trình, bán bằng cách hiện nay chúng ta làm xúc tiến đó là education người tiêu dùng, chứ không phải thuần túy là promotion; không chỉ thuần túy là cung cấp thông tin. Chúng ta diễn giải cho họ được quá trình tạo ra những sản phẩm đó.

Tại sao chúng tôi lại mong muốn gìn giữ cây chè Shan tuyết đó; chứ không phải chỉ thuần túy là chỉ bán sản phẩm chè Shan tuyết. Câu chuyện nó hoàn toàn khác.

Hay ví dụ, khi chúng tôi bán 'bí hôi', 1 kg bí có 7 nghìn VNĐ nhưng chi phí vận chuyển tận 53 nghìn VNĐ nên rất khó bán. Thế thì mình phải kể câu chuyện như thế nào để người tiêu dùng họ vẫn mua mà vẫn vui. Đây là cách tiếp cận mới trong xúc tiến thương mại. Bán bằng cảm xúc, bán bằng câu chuyện".

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, ngành nông nghiệp hiện đang chuyển dịch từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế; không chỉ xây dựng chuỗi giá trị mà còn hướng đến nền kinh tế trải nghiệm, tích hợp đa giá trị.

"Phải nói là 10 năm trở lại đây, cái nhìn của chúng ta về nông nghiệp, nông thôn rất khác; tức là nhìn về lối sống, về giá trị, sản xuất kinh doanh có thể tạo ra, không đơn thuần mỗi năm chỉ tăng được 2 đến 3% nữa. Đặc biệt, đó là văn hóa và rất nhiều tích chuyện. Có thể hiểu, bây giờ Việt Nam có hơn 5 nghìn mặt hàng OCOP, nếu có 5 nghìn tích chuyện đi kèm thì tuyệt vời, sinh động hơn rất nhiều".

Một sản phẩm hàng hóa sẽ được nhân giá trị lên gấp nhiều lần nếu biết đưa những câu chuyện gắn liền với quá trình sản xuất vào chúng. Đó có thể là những câu chuyện về giá trị văn hóa hay nét độc đáo riêng về nguồn gốc hình thành, công dụng đặc biệt của sản phẩm. Và hơn hết, việc biết kể câu chuyện còn là giải pháp quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam.

Thái Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/tao-ra-nhieu-gia-tri-thong-qua-viec-ke-cau-chuyen-ve-nong-san-102240625113929793.htm
Zalo