Tạo lập cơ chế thu hút nhân tài khoa học, công nghệ
Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chủ động đăng ký nhu cầu kinh phí chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên cho các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06; nguồn nhân lực còn hạn chế.
Thực trạng này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ tại Phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 vừa qua.
Không chỉ là việc chưa chủ động của bộ, ngành, địa phương, mà thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cũng chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Hạ tầng số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế... Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến khoa học, công nghệ của nước ta chưa có sự phát triển bứt phá, chưa tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.
Khi khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là những trụ cột để tăng trưởng bền vững đòi hỏi phải tạo lập cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút nhân tài trong lĩnh vực này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi đây chính là lực lượng nòng cốt tạo ra tri thức mới, giải pháp kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy kinh tế số. Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp Việt Nam thích ứng và phát huy được nội lực trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mạnh mẽ như hiện nay.
Quan trọng vậy nhưng trên thực tế việc triển khai thu hút nhân lực cho khoa học, công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế. Dù đã được quan tâm nhưng chính sách đãi ngộ chưa đủ mạnh, chưa đủ hấp dẫn để thu hút, giữ chân nhân tài nói chung, nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ nói riêng. Chúng ta cũng chưa đủ nguồn lực và môi trường làm việc tốt để thu hút nguồn lực nhân lực chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài về nước để cống hiến.
Muốn thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho khoa học, công nghệ, điều quan trọng là cần có chính sách đột phá trong phát hiện, đào tạo, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài. Xây dựng môi trường làm việc sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh. Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác giữa các viện, trường, doanh nghiệp và khu vực công trong đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, phải tạo sự đột phá về thể chế trong lĩnh vực này. Theo đó, cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật Chuyển đổi số, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), Luật Công nghệ cao (sửa đổi) và Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)...
Để tạo động lực cho công tác nghiên cứu, thì đầu ra cho các sản phẩm nghiên cứu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhà khoa học, nhà nghiên cứu đều mong muốn công trình nghiên cứu của mình được hiện thực hóa bởi các sản phẩm ứng dụng thực tế, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cần có cơ chế khuyến khích thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp triển khai các sản phẩm nghiên cứu trong các viện nghiên cứu, trường đại học. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học có tính ứng dụng thực tiễn, không bị "xếp trong ngăn kéo".
Tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với nhiều chính sách có tính đột phá để khuyến khích những người nghiên cứu khoa học, công nghệ. Luật quy định rõ về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; “thưởng cho tác giả kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tối thiểu 30% lợi nhuận thu được từ việc cho thuê, bán, chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng, tự khai thác, sử dụng kết quả”... Đây là những chính sách có tính động lực tích cực đối với những người tham gia nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để khuyến khích hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mốc thời gian để hoàn thiện các chính sách thu hút nguồn nhân lực cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ. Điều quan trọng là các cơ quan liên quan phải sớm vào cuộc để triển khai thực hiện. Khi chính sách đủ mạnh, đủ hấp dẫn sẽ thu hút được nhiều nhân tài cho KHCN.