Tạo điều kiện cho người chưa thành niên phạm tội sửa chữa sai lầm

Ngày 21/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Nhiều ĐBQH thể hiện quan điểm tán thành với việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.

ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh). Ảnh: Quang Vinh.

ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh). Ảnh: Quang Vinh.

Rút ngắn thời hạn tố tụng với người chưa thành niên

Theo ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang), người chưa thành niên (NCTN) được giam giữ trong trại tạm giam riêng sẽ phù hợp với tâm sinh lý NCTN. Đặc biệt, đảm bảo tối đa quyền được học tập, hạn chế tác động tiêu cực của việc giam giữ chung với phạm nhân là người lớn. Về rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử với NCTN và tách vụ án hình sự, bà Hà cho rằng, việc dự thảo luật quy định rút ngắn thời hạn tố tụng với NCTN bằng 1/2 người lớn là phù hợp, đảm bảo nguyên tắc bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến NCTN.

ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) cũng cho rằng, việc tách vụ án khi có NCTN phạm tội ra để giải quyết quyết độc lập và ưu tiên giải quyết thủ tục rút gọn là cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi cho NCTN phạm tội, đúng với quy định chủ trương của Đảng, Nhà nước và Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Theo bà Thu, dự thảo Luật khắc phục tồn tại của Bộ luật Hình sự hiện hành, giảm thời hạn tạm giam với người chưa thành niên từ 2/3 so với người trưởng thành bằng 1/2 thời gian tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử là điều cần thiết, phù hợp với thực tế hiện nay.

“NCTN thường đồng phạm với vai trò người giúp sức trong các tội tổ chức đánh bạc, đua xe trái phép, hoặc trong một số tội nguy hiểm hơn như cố ý gây thương tích. Các em phạm tội trong hoàn cảnh bị dụ dỗ, và nhận thức còn hạn chế, dễ bị kích động. Nếu chờ thời gian để điều tra trong vụ án có nhiều người, nhiều đối tượng, thậm chí có đối tượng người nước ngoài, các em sẽ mất đi cơ hội học tập, làm việc khi phải chờ giải quyết xong vụ án trong thời gian dài” - bà Thu nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) dẫn kết quả khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại 3 trường giáo dưỡng cho thấy, số các cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như bố mẹ ly hôn, phạm tội, mồ côi chiếm tỷ lệ rất lớn. Nếu không mồ côi cha mẹ, không gặp hoàn cảnh khó khăn sẽ không gặp phải sai lầm, bà Thủy nêu quan điểm và cho rằng vì thế cần tính toán đầy đủ đặc điểm NCTN cũng như cân nhắc toàn diện các nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến điều kiện phạm tội. Từ đó có chính sách phù hợp.

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) cho rằng, việc bổ sung biện pháp ngăn chặn điện tử là phù hợp với xu hướng phát triển khoa học công nghệ đối với việc giám sát điện tử, giám sát tại nhà, bảo đảm các em không bị tách khỏi gia đình, các hoạt động tại cộng đồng cơ bản vẫn được thực hiện, đồng thời góp phần nâng cao hơn trách nhiệm của gia đình và huy động sự tham gia của cộng đồng. Song bà Dung đề nghị, cần đánh giá, làm sáng tỏ hơn tính khả thi về nguồn lực, nhân lực, kinh phí trang bị thiết bị thực hiện các biện pháp cấm tiếp xúc, hạn chế khung giờ đi lại, quản thúc tại gia đình, cấm đến các địa điểm có nguy cơ dẫn đến NCTN phạm tội.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về biện pháp xử lý chuyển hướng

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), việc xây dựng hệ thống tư pháp đối với NCTN là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, thể hiện tính nhân văn, tiến bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam. Trước xu hướng trẻ hóa tội phạm như hiện nay nên cân nhắc cẩn trọng trong xây dựng từng quy định trong dự thảo Luật để khi Luật được ban hành vừa bảo đảm tính nhân văn, tạo điều kiện cho NCTN phạm tội nhận thức, khắc phục, sửa chữa sai lầm. Bên cạnh đó cũng phải có tính giáo dục, răn đe nghiêm khắc đối với NCTN phạm tội.

Về các biện pháp xử lý chuyển hướng, theo bà Nga, những biện pháp này nghe thì hợp lý nhưng thực tế để đi vào thực hiện hiệu quả thì vô cùng khó khăn bởi không thể có nhân lực để hàng ngày, hàng giờ giám sát việc gặp ai, đi tới đâu, đi vào những khung giờ nào của những người chưa thành niên. Do đó, để những biện pháp này có tính khả thi, bà Nga cho rằng, cần phải quy định rõ, nhất là việc chuẩn bị nguồn nhân lực và trang thiết bị để phục vụ nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các biện pháp xử lý chuyển hướng của người chưa thành niên phạm tội.

Còn ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) đề nghị, cần xây dựng thêm các quy định liên quan đến biện pháp xử lý chuyển hướng cũng như tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để nâng cao năng lực áp dụng xử lý chuyển hướng. Đồng thời cần xây dựng và phát triển các chương trình, dịch vụ tại cộng đồng giúp NCTN được xử lý chuyển hướng nhanh chóng hòa nhập xã hội và không tái phạm.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Ảnh: Quang Vinh.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Ảnh: Quang Vinh.

Không tự nguyện sửa chữa sẽ kích hoạt quy trình tố tụng

Giải trình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, việc xử lý chuyển hướng trong dự thảo Luật có nhiều ĐBQH băn khoăn, đề nghị mở rộng độ tuổi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng với người từ 12-14 tuổi. Tuy nhiên theo Bộ luật Hình sự hiện hành, người dưới 14 tuổi phạm tội không chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, độ tuổi được tính toán theo nguyên tắc có lợi nhất cho NCTN.

Mục tiêu của xử lý chuyển hướng là các cháu phải tự nguyện và thấy được thiếu sót của mình để thành tâm sửa chữa. Điều kiện tự nguyện là bắt buộc, còn nếu các cháu đứng trước 2 lựa chọn khi đã bị tình nghi phạm tội, hoặc đồng ý chuyển hướng, hoặc đồng ý điều tra, truy tố, xét xử. Nếu không tự nguyện sửa chữa theo cơ hội mà xã hội và luật pháp đưa ra, sẽ kích hoạt quy trình tố tụng về điều tra, truy tố, xét xử.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình giao cho 3 cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có thẩm quyền áp dụng. Ban soạn thảo đang thiết kế 2 phương án xin ý kiến Quốc hội.

“Các chuyên gia của Liên hợp quốc khuyến cáo áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng theo hướng nhẹ nhàng và không bị ra Tòa thì phân chia theo giai đoạn tố tụng. Ví dụ khi cần bồi thường, xin lỗi, chỉ cần ý kiến của cơ quan điều tra, không cần thiết phải ra Tòa và chờ vụ án kết thúc. Ban soạn thảo cũng thống nhất ý kiến như khuyến cáo của Liên hợp quốc về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ở từng giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử” - ông Bình cho hay.

Cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” và Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Thông cáo số 24 kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Ngày 21/6, Quốc hội tiếp tục làm việc ngày thứ 22.

Buổi sáng: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025, sau đó Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025 bằng hình thức biểu quyết điện tử.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Tại phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, xây dựng các quy định phù hợp với đặc thù lứa tuổi, tâm lý của người chưa thành niên...

Buổi chiều: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí việc sớm thi hành các Luật, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến về tính khả thi, mức độ đáp ứng các điều kiện đảm bảo thi hành Luật...

Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Theo VPQH

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tao-dieu-kien-cho-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-sua-chua-sai-lam-10283875.html
Zalo