Tăng trưởng tín dụng 2024 gửi hi vọng vào quy luật thị trường nửa cuối năm

Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 3,79% đang đặt ra nhiều thách thức cho mục tiêu cả năm 15%. Hi vọng lúc này đang trông vào quy luật thị trường, thường ấm lên nửa cuối năm.

Tính đến 14-6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng là 3,79% so với cuối năm 2023. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng. Tổng số vốn mà các ngân hàng thương mại cung ứng cho nền kinh tế cao hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.

Các số liệu mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố tại hội nghị trực tuyến toàn ngành cho thấy kết quả đạt được còn xa với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15%.

 Nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao đã dẫn dắt tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2024 - Ảnh: TCCT

Nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao đã dẫn dắt tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2024 - Ảnh: TCCT

Phân hóa mạnh giữa các ngân hàng thương mại

Về kết quả này, chuyên viên phân tích Nguyễn Phương Linh của KB Securities cho rằng công tác giải ngân những tháng đầu năm của các ngân hàng thương mại còn chậm do một số nguyên nhân: Động thái “xử lý kỹ thuật” tín dụng cuối năm trước tạo nền so sánh cao cho năm nay, tổng thể nền kinh tế hồi phục chậm, ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ - thường tăng trưởng thấp giai đoạn đầu năm.

Ngoài ra, cũng theo bà Linh, tăng trưởng tín dụng không đồng đều giữa các lĩnh vực của nền kinh tế tạo ra sự phân hóa về tốc độ tăng trưởng giữa các ngân hàng.

Chẳng hạn, theo số liệu cập nhật gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ bất động sản tăng thêm 20.000 tỷ trong 2 tháng đầu năm, nhưng chủ yếu nằm ở nhóm ngân hàng có thế mạnh về cho vay phát triển dự án bất động sản, vay mua nhà như Techcombank, HDBank, VPBank.

Còn ở mảng cho vay các hộ sản xuất, kinh doanh, bán lẻ đang chững, nên các ngân hàng như ACB, VIB, Sacombank lĩnh vực này chưa khởi sắc.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước thường song hành với các dự án đầu tư lớn, nhưng thời gian qua chưa thấy khởi động nhiều, nên tốc độ tăng trưởng tín dụng rất khiêm tốn. Thậm chí, VCB có tháng tăng trưởng tín dụng còn âm.

Ngay trong nhóm này thì giữa các ngân hàng cũng có sự khác biệt, như BIDV, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng 4,7%, chủ yếu từ tháng 3 trở lại đây. Còn Agribank, đến cuối tháng 5, tín dụng tăng trưởng chỉ 1,2%.

Đặt hi vọng vào quy luật thị trường nửa cuối năm

Nhấn mạnh quy luật mùa vụ trong hoạt động ngân hàng, bà Linh cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho cả năm 2024 dù cao nhưng có thể vẫn đạt được, nhờ các yếu tố hỗ trợ bao gồm:

Chính phủ tiếp tục triển khai chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp như hiện tại để hỗ trợ kinh tế hồi phục; Động lực tăng trưởng tín dụng trong nửa sau năm 2024 kỳ vọng được đóng góp nhiều hơn từ phân khúc khách hàng cá nhân; Thị trường bất động sản tiếp tục đà hồi phục sau những nỗ lực tháo gỡ vấn đề pháp lý của Chính phủ.

 Lịch sử tăng trưởng tín dụng từ năm 2015 đến nay cho thấy các tháng đầu năm dù tăng trưởng tín dụng thấp nhưng sự tăng tốc vào những tháng cuối năm thường vẫn giúp đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước, KB Securities

Lịch sử tăng trưởng tín dụng từ năm 2015 đến nay cho thấy các tháng đầu năm dù tăng trưởng tín dụng thấp nhưng sự tăng tốc vào những tháng cuối năm thường vẫn giúp đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước, KB Securities

Tại thời điểm này, có thể thấy thị trường bất động sản bắt đầu xuất hiện những tín hiệu hồi phục. Cho vay mua nhà tại các ngân hàng hồi phục nhẹ trong 2 quý gần đầy nhờ các yếu tố bao gồm chính sách ưu đãi từ ngân hàng và chủ đầu tư; mặt bằng lãi suất thấp; các dự án mở lại trong quý IV-2023 và quý I-2024 tăng thêm nguồn cung cho thị trường.

Chuyên gia của KB Securities kỳ vọng hoạt động cho vay mua nhà sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng tín dụng trong các quý tới, khi mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến sẽ duy trì mức hiện tại, các dự án mới mở bán gối đầu giúp hoạt động thị trường bất động sản sôi nổi hơn.

Dù vậy, vẫn có những ý kiến băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. PGS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM lo ngại kinh tế mặc dù đang phục hồi, nhưng tốc độ phục hồi vẫn còn chậm hơn so với kỳ vọng.

Cũng như vậy, báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, GDP quý II sẽ đạt 5,3% so với cùng kỳ. Như vậy có phần chậm hơn mức tăng trưởng 5,7% đã đạt trong quý I.

Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan thuộc Standard Chartered cho biết, nền kinh tế Việt Nam có thể vẫn còn phải đối mặt với những thách thức trong quý III trong bối cảnh áp lực giá cả, tỷ giá và nhu cầu suy giảm trên toàn cầu.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tang-truong-tin-dung-2024-gui-hi-vong-vao-quy-luat-thi-truong-nua-cuoi-nam-post797496.html
Zalo