Tăng tốc từ cơ sở, kỳ vọng từ nghị trường

HNN - Sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) là bước đi quan trọng để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý. Và, điều mà người dân và chính quyền các xã, phường mới mong chờ chính là những cơ chế mới, nghị quyết mới sát thực tiễn, phù hợp đặc thù từng địa phương.

 Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại phường Thuận Hóa

Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại phường Thuận Hóa

Động lực thúc đẩy phát triển

Sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp xã, TP. Huế đã và đang vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (thành phố và xã/phường) với nhiều tín hiệu khởi sắc. Mối quan hệ giữa cấp thành phố và xã/phường được thiết lập trực tiếp, tạo điều kiện để chính quyền cơ sở phát huy vai trò, chủ động trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hiện đại hóa quản lý nhà nước và phục vụ Nhân dân.

Tại các xã, phường, hệ thống một cửa được bố trí lại khoa học, vận hành đồng bộ với nền tảng dữ liệu dân cư sau sáp nhập, giúp xử lý hàng trăm hồ sơ mỗi ngày.

Thống kê từ UBND thành phố, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 7/2025, toàn thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 17.710 hồ sơ tại 40 xã, phường, với tỷ lệ nộp trực tuyến đạt 75,78%. Riêng ngày 14/7, tỷ lệ nộp trực tuyến đạt đến 95%, thể hiện sự thích nghi nhanh chóng của người dân với hệ thống dịch vụ công mới.

Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cũng có nhiều điểm sáng. Phường Hương An dẫn đầu về tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn với 91%; xã Phú Vang đạt tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến gần như tuyệt đối (99,59%); phường Phú Xuân tiếp nhận tổng số hồ sơ nhiều nhất toàn thành phố trong thời gian này.

Nhằm hỗ trợ người dân trong giai đoạn đầu chuyển đổi mô hình, thành phố đã triển khai 166 điểm đại lý dịch vụ công tại cơ sở, duy trì linh hoạt các điểm tiếp nhận - trả kết quả ở trụ sở cũ và huy động 891 đoàn viên, sinh viên tham gia các tổ công nghệ số cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Thịnh (phường An Cựu) chia sẻ: “Sự có mặt của lực lượng thanh niên ở phường mấy tuần nay đã giúp dân mình, nhất là người lớn tuổi, nộp hồ sơ online dễ dàng hơn nhiều, không còn phải chờ đợi như trước”.

Hiện nay, TP. Huế đã hoàn tất tích hợp hệ thống với Cổng Dịch vụ công quốc gia từ ngày 30/6, cung cấp 2.006 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 572 dịch vụ toàn trình. Tất cả các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp đều hoạt động ổn định, đồng bộ. Đây là nền tảng vững chắc để các địa phương tiếp tục tăng tốc trong giai đoạn vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế, ông Nguyễn Thanh Bình, thành phố đang rà soát, bố trí đầy đủ trụ sở, phương tiện, đồng thời, tập trung hoàn thiện chính sách cho cán bộ, công chức, đặc biệt là lực lượng không chuyên trách cấp cơ sở, đảm bảo động lực bền vững cho mô hình chính quyền mới.

Từ góc độ người dân, ông Trần Văn Sáng (phường Phú Bài) bày tỏ: “Sáp nhập có thể làm thay đổi địa giới, nhưng điều chúng tôi quan tâm là cách phục vụ. Những ngày gần đây đi làm giấy tờ thấy rõ ràng là tiện lợi hơn, nhanh hơn”.

Kỳ vọng từ nghị trường

Nhằm tiếp sức cho các xã, phường tăng tốc sau sáp nhập, Kỳ họp thường lệ lần thứ 10 của HĐND TP. Huế khai mạc sáng nay (16/7), được kỳ vọng sẽ cụ thể hóa chủ trương bằng hệ thống nghị quyết sát thực tiễn.

Tại kỳ họp lần này, HĐND TP. Huế sẽ xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách 6 tháng đầu năm; thảo luận và quyết định các nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2025. Đồng thời, HĐND thành phố sẽ nghe báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, các ban HĐND, Ủy ban MTTQVN thành phố về đại đoàn kết toàn dân và hoạt động tham gia xây dựng chính quyền; chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề cử tri quan tâm.

Nhiều nghị quyết quan trọng sẽ được thảo luận và tại kỳ họp, đáng chú ý là quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố; quy định nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”; kết quả giám sát triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch giám sát năm 2026 và một số nội dung trọng điểm khác thuộc thẩm quyền...

Cử tri cùng chính quyền các địa phương cũng đặt nhiều kỳ vọng vào kỳ họp lần này. Bà Lê Thị Ngọc Hà, cử tri phường Thanh Thủy cho biết: “Sau sáp nhập, các nhu cầu dân sinh như trường học, y tế, giao thông nông thôn cần được quan tâm hơn nữa. Chúng tôi mong HĐND sớm có nghị quyết cụ thể về đầu tư, giao quyền nhiều hơn cho địa phương để kịp thời triển khai”.

Việc sáp nhập ĐVHC không chỉ là tổ chức lại địa giới, mà còn là tổ chức lại phương thức phục vụ Nhân dân. Mô hình mới đòi hỏi sự tiếp sức mạnh mẽ từ nghị trường, nơi ban hành những quyết sách vừa mang tầm chiến lược, vừa mang tính cụ thể, gắn chặt với hơi thở đời sống địa phương.

“Sau sáp nhập, khối lượng công việc cũng nhiều hơn, nhưng chúng tôi xác định rõ, phục vụ người dân tốt hơn là mục tiêu hàng đầu. Ngoài giờ hành chính, chúng tôi cũng hỗ trợ người dân trên môi trường mạng. Cán bộ không còn ngồi chờ dân đến, mà phải chủ động tạo điều kiện tốt nhất, thuận tiện nhất cho dân, từ người lớn tuổi, lao động phổ thông cho đến người chưa quen công nghệ”, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường An Cựu, bà Hoàng Thị Như Thanh nói.

Từ nền tảng đã có, cùng với sự vào cuộc đồng bộ từ thành phố đến cơ sở, TP. Huế đang vững bước trên hành trình xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, gần dân và vì dân, đúng với tinh thần của một đô thị di sản đang hướng tới tương lai phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/tang-toc-tu-co-so-ky-vong-tu-nghi-truong-155690.html
Zalo