Tăng tốc từ cơ sở – gỡ điểm nghẽn, giữ nhịp chuyển đổi số toàn quốc

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Trung tâm Chỉ huy Giám sát, điều hành đã cập nhật kết quả triển khai Kế hoạch 02-KH/BCĐTW đến ngày 20/7/2025. Dữ liệu trên hệ thống giám sát tại địa chỉ https://nq57.vn cho thấy tiến độ toàn quốc có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn tồn tại không ít điểm nghẽn cần tháo gỡ kịp thời để giữ vững mục tiêu kế hoạch.

Tổng quan thực thi nhiệm vụ tại 34 tỉnh/thành phố đến 16h ngày 20/7/2025.

Tổng quan thực thi nhiệm vụ tại 34 tỉnh/thành phố đến 16h ngày 20/7/2025.

Tăng tốc độ phủ xanh, giữ vững tiến độ chung

Tính đến 16h00 ngày 20/7/2025, bản đồ nhiệt trên hệ thống giám sát cho thấy 34/34 tỉnh, thành phố trong cả nước đều đạt trạng thái XANH, tức đã hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 01/8/2025. Đặc biệt, tỉnh Sơn La và Lạng Sơn đã đạt tỷ lệ 100% số xã, phường phủ xanh cho thấy sự nỗ lực quyết liệt từ cấp cơ sở.

Dữ liệu báo cáo từ 3.321 xã, phường khẳng định các địa phương đang chủ động nâng cao chất lượng triển khai. Đã có 12 tỉnh, thành phố có trên 50% số xã, phường đạt trạng thái XANH, trong đó 9 tỉnh, thành phố vượt mốc 70%.

Tỷ lệ hoàn thành các tiêu chí cơ bản như: phổ biến văn bản liên quan thủ tục hành chính, công khai bộ thủ tục hành chính, kết nối hệ thống mạng, họp trực tuyến tới cấp xã, sử dụng thiết bị số hóa, máy tính, chữ ký số mật, chứng thư số công vụ... đều đạt trên 90% – cho thấy bước chuyển rõ rệt trong nhận thức và hành động ở cấp cơ sở.

Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ kịp thời

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong triển khai Kế hoạch 02-KH/BCĐTW, thực tiễn cập nhật từ hệ thống giám sát cho thấy vẫn còn tồn tại không ít điểm nghẽn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần sớm vào cuộc tháo gỡ một cách quyết liệt, hiệu quả hơn.

Đáng chú ý, vẫn còn 4/34 tỉnh, thành phố có tỷ lệ xã, phường đạt trạng thái XANH dưới 10%, phản ánh sự chênh lệch rõ rệt về tiến độ giữa các địa phương, nhất là trong việc hoàn thiện điều kiện vận hành các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do hệ thống phần mềm thiếu đồng bộ, hạ tầng số chưa kết nối thông suốt, cơ sở dữ liệu chưa liên thông, và thiếu hụt các yếu tố nền tảng như chữ ký số, quy trình nghiệp vụ hoàn chỉnh.

Một vấn đề khác là tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tại một số địa phương còn rất thấp, dù hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư tương đối đầy đủ. Phân tích dữ liệu cho thấy, nguyên nhân chủ yếu đến từ tình trạng phần mềm dịch vụ công chưa ổn định, giao diện chưa thân thiện và khả năng hỗ trợ người dân còn hạn chế, khiến hệ thống chưa phát huy hết hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đáng chú ý, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 06 nhiệm vụ trọng tâm thuộc các nhóm ưu tiên của Kế hoạch đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ chung toàn quốc. Các nhiệm vụ này chủ yếu liên quan đến hoàn thiện thể chế, xây dựng hạ tầng số, phát triển dữ liệu trọng yếu, nâng cao năng lực nhân lực và vận hành dịch vụ công…

Rõ ràng, các nhiệm vụ này đều là điểm trụ cột của quá trình chuyển đổi số toàn diện, không thể để kéo dài tình trạng chậm trễ. Bởi việc chậm trễ trong các nhiệm vụ nói trên không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn quốc mà còn gây "tắc nghẽn chính sách" ở nhiều tầng nấc tổ chức, nhất là trong bối cảnh các địa phương đang rất cần hành lang pháp lý rõ ràng và hướng dẫn thống nhất để tổ chức triển khai hiệu quả các mô hình mới.

Thực tiễn đặt ra yêu cầu các đơn vị đầu mối cần khẩn trương rà soát, hoàn thành các nhiệm vụ đã quá hạn, đồng thời chủ động phối hợp với Nhóm công tác liên quan để tháo gỡ các vướng mắc tại địa phương. Cơ chế kiểm tra, đôn đốc, giám sát cần được siết chặt và cập nhật thường xuyên trên hệ thống, tạo điều kiện để Ban Chỉ đạo nắm bắt tình hình và có chỉ đạo kịp thời.

Tăng tốc hoàn thiện điều kiện vận hành - đẩy nhanh tiến độ từ nay đến cuối năm

Trước thực trạng trên, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo kiến nghị: Cần thiết lập cơ chế giám sát độc lập kết quả đầu ra; đôn đốc hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ liên quan đến hạ tầng số, dữ liệu trọng yếu; yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn tất nhiệm vụ quá hạn và cập nhật lên hệ thống. Đồng thời, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về phần mềm dịch vụ công, hộ tịch, chữ ký số, nhân sự tại bộ phận một cửa. Đặc biệt, ưu tiên hoàn thiện điều kiện vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã, phường bởi hiện mới có 1.609/3.321 đơn vị (48%) đáp ứng yêu cầu, trong khi 52% còn lại chưa đủ điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cung cấp dịch vụ công tại cơ sở.

Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống đã thu thập dữ liệu từ 3.321 xã, phường, với tỷ lệ báo cáo từ các địa phương đạt trên 98%. Nhiều tiêu chí nền tảng như công khai thủ tục hành chính, mạng thông suốt, họp trực tuyến, thiết bị số hóa, chữ ký số, chứng thư số... đã được hoàn thiện trên 90%, cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của cấp cơ sở.

Tuy nhiên, chỉ có 1.609 xã, phường (48%) đáp ứng đầy đủ các điều kiện cơ bản để vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công, dù con số này đã cải thiện so với ngày 19/7/2025 (47%). Một số điều kiện quan trọng như nhân sự hỗ trợ tại bộ phận một cửa, sử dụng lại dữ liệu số hóa, chữ ký số mật, chứng thư số công vụ... vẫn chưa được hoàn tất đồng bộ trên toàn quốc. Điều này cần được các địa phương nghiêm túc rà soát, khẩn trương khắc phục nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng triển khai.

Ban Chỉ đạo đề nghị các tỉnh, thành phố sớm hoàn thành nhiệm vụ “Bố trí trụ sở, trang cấp thiết bị, phân công lãnh đạo, bố trí nhân lực và bảo đảm hạ tầng mạng” theo Nghị định số 118/2025/NĐ-CP; đồng thời, tổ chức kiểm tra thực địa, đôn đốc, hỗ trợ các xã, phường hoàn thiện điều kiện vận hành Trung tâm một cách thực chất. Kết quả thực hiện cần được cập nhật đầy đủ lên hệ thống giám sát.

Phân tích từ hệ thống giám sát cũng cho thấy, nhiều xã, phường đang gặp khó khăn với phần mềm dịch vụ công và hộ tịch chưa đồng bộ, cơ sở dữ liệu chưa liên thông, thiếu chữ ký số, quy trình chưa hoàn chỉnh. Ban Chỉ đạo đề nghị các Nhóm công tác theo Quyết định 32-QĐ/TGV tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật để tháo gỡ nhanh các tồn tại này.

Từ nay đến hết năm 2025, các đơn vị được giao nhiệm vụ thường xuyên như: Chủ động tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin; đồng bộ dữ liệu cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành về CSDL tổng hợp quốc gia, đảm bảo người dân chỉ kê khai thông tin một lần; hoàn thành rà soát, cấu trúc lại các thủ tục hành chính chuyển từ thủ công trên giấy sang môi trường điện tử; tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định, phục vụ tái sử dụng thông tin, dữ liệu…. cần ưu tiên tập trung triển khai các nội dung liên quan đến dịch vụ công trực tuyến và xây dựng cơ sở dữ liệu trọng yếu. Quá trình thực hiện cần được cập nhật tiến độ thường xuyên lên hệ thống, bảo đảm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành chung của Ban Chỉ đạo một cách kịp thời, đồng bộ và hiệu quả.

Cũng trong giai đoạn này, cần đặc biệt chú trọng rà soát kỹ lưỡng các địa phương có tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến thấp, đi sâu phân tích nguyên nhân và có giải pháp xử lý phần mềm, kết nối dữ liệu, quy trình chưa đồng bộ, đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru, thống nhất.

Một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị và sự chuyển biến rõ rệt trong tổ chức thực hiện Kế hoạch 02-KH/BCĐTW tại các cấp. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu về chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả trong toàn hệ thống chính trị, vẫn còn nhiều việc cần làm ngay, làm gấp, làm đến nơi đến chốn. Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các Nhóm công tác, phải hành động quyết liệt, đồng bộ, không để các “nút thắt kỹ thuật” hay sự thiếu đồng bộ giữa các khâu làm chậm tiến độ chung. Chỉ khi chuyển đổi số được triển khai hiệu quả từ cơ sở – từ xã, phường, tổ dân phố – mới thực sự tạo nên bước đột phá toàn diện, bền vững trong cải cách hành chính và phát triển chính quyền số…

Theo dangcongsan

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/chuyen-doi-so/tang-toc-tu-co-so-go-diem-nghen-giu-nhip-chuyen-doi-so-toan-quoc
Zalo