Tăng tốc tăng trưởng GRDP

'Giang sơn' đã chính thức được sắp xếp lại, với 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, kể từ ngày 1/7/2025. Bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược này sẽ tạo cơ hội để các địa phương tăng tốc phát triển, bắt đầu từ việc làm sao để tăng tốc tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) nhằm đưa nền kinh tế đạt mức tăng trên 8% trong năm nay.

Thành phố Đà Nẵng tiếp tục thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, năm nay, với quyết tâm đưa tăng trưởng GDP đạt mức trên 8%, lần đầu tiên, Chính phủ đã thực hiện “khoán tăng trưởng” với các địa phương. Trong đó, có 16 địa phương được giao mức tăng trưởng 2 con số, như Bắc Giang, Hải Phòng, rồi Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng…

Sau 6 tháng, bức tranh tăng trưởng GRDP của các địa phương (trước sáp nhập) đã được hé lộ, với gam màu sáng là chủ đạo. Có nhiều tỉnh đạt mức tăng trưởng GRDP cao, vượt kịch bản đề ra, mặc dù cũng có tỉnh tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm hơn nữa.

Trong nhóm tăng trưởng cao, có thể kể đến hàng loạt địa phương. Chẳng hạn Bắc Giang, với 14,04%, vượt kịch bản đề ra và tiếp tục dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP.

Tiếp sau đó, là Hải Dương (ước tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2025 là 11,46%); là Hải Phòng (11,2%); Đà Nẵng (11,03%) và Nam Định (10,93%).

Trong nhóm tăng trưởng 2 con số còn có Hà Nam (10,61%); Ninh Bình (10,02%); Vĩnh Phúc (10%)… Cùng với đó, Bình Dương tăng trưởng GRDP 8,7%; Nghệ An tăng trưởng 9,25%; Hòa Bình cũng tăng trưởng suýt soát 2 con số, ước đạt 9,99% trong nửa đầu năm 2025.

Tốc độ tăng trưởng tích cực của các địa phương sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Nỗ lực của các địa phương đã được ghi nhận.

Tuy vậy, đó là câu chuyện của trước thời điểm lịch sử 1/7. Giờ đây, các đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được sắp xếp lại, thay vì 63 như trước đã chỉ còn 34. Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng đã chính thức được vận hành. Bài toán “khoán tăng trưởng” mà Chính phủ đặt ra từ đầu năm có thể sẽ phải được tính toán lại cho phù hợp hơn với diễn biến hiện tại.

Nhưng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, quyết định “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.

Một quyết định tưởng chừng chỉ mang ý nghĩa “hành chính”, nhưng thực tế lại đang mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của đất nước, của nền kinh tế, bao gồm của cả từng địa phương. Khi sức mạnh được tổng hợp, khi tiềm năng, lợi thế được khơi thông, khi nguồn lực được phân bổ hợp lý hơn, khi bộ máy hành chính được tinh gọn và hoạt động hiệu quả hơn…, chính là lúc để các địa phương tăng tốc, phát triển.

TP.HCM mới, giờ đây đã là sự hợp lực sức mạnh của TP.HCM cũ - vốn luôn là đầu tàu kinh tế cả nước, với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng là những địa bàn kinh tế trọng điểm. Bắc Ninh mới là tổng hòa tiềm năng, lợi thế và sự năng động của cả Bắc Ninh cũ và Bắc Giang cũ. Tương tự, là Phú Thọ mới với sự cộng hưởng sức mạnh của Vĩnh Phúc cũ và Phú Thọ cũ…

23 địa phương mới đã được thành lập trên cơ sở sáp nhập các tỉnh, thành phố cũ. 11 địa phương giữ nguyên. Tất cả cùng đồng thời đi vào vận hành vào ngày 1/7/2025, khi nền kinh tế vừa đi qua nửa chặng đường của năm 2025 và đang bắt đầu bước vào nửa chặng đường cuối năm.

Sẽ có những khó khăn, vất vả trong giai đoạn đầu sáp nhập. Nhưng như chỉ đạo của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, là “không được để gián đoạn sau sáp nhập” với không chỉ những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, mà còn với cả hoạt động đầu tư, kinh doanh nói chung.

Chắc chắn, mục tiêu lớn nhất vẫn sẽ là làm sao để đưa nền kinh tế tăng tốc phát triển, mà trước mắt là đạt mức tăng trưởng cao trên 8% trong năm nay. Vì thế, nhiệm vụ của các địa phương vẫn là phải làm sao để tăng trưởng GRDP đạt “mức khoán tăng trưởng” mà Chính phủ đã giao.

Ngày 3/7, Chính phủ sẽ họp với các địa phương để bàn về các giải pháp thúc tăng trưởng kinh tế. Sẽ có những giải pháp quan trọng được đưa ra nhằm hỗ trợ các địa phương có thể tăng tốc tăng trưởng GRDP sau sáp nhập.

Đây cũng chính là lúc để tất cả bộ máy tiếp tục hành động quyết liệt và hiệu quả vì sự tăng trưởng và phát triển chung của toàn nền kinh tế./.

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-toc-tang-truong-grdp-d319948.html
Zalo