Tăng sức bền cho start-up

Theo các chuyên gia, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững không chỉ dừng lại ở việc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) mà cần các mối quan hệ đối tác hiệu quả giữa quỹ đầu tư mạo hiểm và các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp để cùng nhau nâng cao chất lượng startup, giúp họ phát triển với tầm nhìn dài hạn.

Hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm khoa học, công nghệ của Hải Phòng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm khoa học, công nghệ của Hải Phòng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tại Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia năm 2024 vừa qua, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, khẳng định tiềm năng và khả năng cạnh tranh của mình trong khu vực. Tuy nhiên, hệ sinh thái đang đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường vốn toàn cầu còn nhiều biến động. Theo báo cáo của Nền tảng phân tích Tracxn, tổng vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đã giảm 52,7%, từ 98,5 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023 xuống còn 46,5 triệu USD cùng kỳ năm nay. Con số này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc cải thiện chất lượng và tăng cường sức bền của startup thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà đầu tư và các tổ chức hỗ trợ.

Ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao chất lượng startup, giúp họ phát triển với tầm nhìn dài hạn. Để đạt được điều đó, cần tổ chức nhiều hơn các chương trình đào tạo chuyên sâu, cố vấn, kết nối các quỹ đầu tư trực tiếp với các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm giúp startup chuẩn bị tốt hơn cho quá trình gọi vốn và phát triển. Đây sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư cùng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, cung cấp các chiến lược giúp startup xây dựng mô hình kinh doanh mạnh mẽ và bền vững.

Thứ hai, cần thành lập một liên minh hỗ trợ toàn diện cho startup, không chỉ ở giai đoạn ươm mầm mà còn tiếp sức cho họ trong giai đoạn mở rộng quy mô và thương mại hóa. Một liên minh vững mạnh sẽ giúp tạo ra những nền tảng hỗ trợ bền vững cho startup, đảm bảo rằng những doanh nghiệp này có khả năng phát triển vững chắc, đáp ứng nhu cầu thị trường và đối mặt với cạnh tranh.

Các nhà đầu tư cần chú trọng hơn vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển lâu dài và tác động tích cực đến xã hội như công nghệ xanh, năng lượng và logistics. Những lĩnh vực này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giúp xây dựng một tương lai bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại.

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết: hiện nay, việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại các trung tâm ươm tạo vẫn có nhiều chương trình tập trung vào số lượng mà chưa đi sâu vào chất lượng. Do đó, việc gia tăng số lượng cố vấn có kinh nghiệm quốc tế và cải tiến, tích hợp thêm các yếu tố thực tiễn từ thị trường quốc tế vào chương trình ươm tạo, đặc biệt là các phiên huấn luyện từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm với các bài học thực tiễn là vô cùng cần thiết. Sự hợp tác, kết nối giữa quỹ đầu tư mạo hiểm và các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp góp phần nâng cao chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo là hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái. Nhiệm vụ này đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ đầu mối thực hiện tại Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 9/2/2021, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Thực hiện nhiệm vụ trên, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có Công văn số 3701/BKHCN-PTTTDN ngày 20/12/2021 hướng dẫn hình thành và phát triển trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại các địa phương, bộ, ngành, tổ chức có tiềm năng phát triển khởi nghiệp sáng tạo, trong đó nhấn mạnh, việc hình thành trung tâm phải căn cứ vào nguồn lực nội tại và nhu cầu thực tiễn của địa phương, định hướng trung tâm trở thành hạt nhân của hệ sinh thái địa phương, đầu mối kết nối, khai thác các nguồn lực, liên kết vùng và quốc gia và quốc tế; gợi ý chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động cụ thể để triển khai.

Hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, cả từ khu vực tư nhân, khu vực công và cả các tổ chức quốc tế, dưới nhiều mô hình rất phong phú. Tại 20 địa phương, đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đã và đang hoạt động, nhiều trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở các không gian đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

HÀ LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-suc-ben-cho-start-up-post847646.html
Zalo