Tăng mạnh các ca cấp cứu ngộ độc rượu nguy kịch sau Tết
Sau Tết, các ca ngộ độc rượu rất nặng liên tục vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Vui xuân chúc nhau chén rượu, những cuộc liên hoan gặp gỡ đầu năm cũng chúc rượu khiến nhiều người uống phải rượu rởm, hoặc uống quá chén, uống phải cồn công nghiệp bị ngộ độc nguy kịch. Chỉ vài ngày Tết đã ghi nhận 1 ca tử vong và nhiều ca rất nặng phải thở máy, lọc máu do uống phải rượu methanol (cồn công nghiệp).
Uống rượu liên miên, không biết rượu nào gây ngộ độc
Có mặt ở khu vực hồi sức tích cực của Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vào chiều 30/1, chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rượu rất nặng đang điều trị tại đây. Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, từ mùng 3 Tết đến nay, ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận ca ngộ độc rượu vào cấp cứu với nhiều hình thái và nguyên nhân khác nhau như: Uống phải rượu pha cồn công nghiệp, uống phải cồn sát trùng rởm, hoặc uống phải hóa chất lau chùi, hóa chất đốt đóng chai nhập nhèm thành cồn sát trùng y tế.
Nằm trên giường bệnh là ông L.V.Đ (57 tuổi, Mê Linh, Hà Nội) đang phải thở máy, lọc máu. Theo người nhà ông Đ, tối hôm trước nhập viện, gia đình thấy ông có biểu hiện mờ mắt, co giật nên vội vàng đưa ông vào bệnh viện huyện, sau đó chuyển đến Trung tâm chống độc thì ông đã hôn mê. “Gia đình không biết ông uống rượu từ lúc nào vì ngày nào ông cũng nhậu, nhất là những ngày Tết, đến nhà nào cũng chúc rượu”, người nhà ông Đ cho biết thêm. Theo bác sĩ, đây là trường hợp ngộ độc rượu do uống phải rượu rởm khiến ông bị ngộ độc rất nặng, phải thở máy, lọc máu.
Trường hợp ngộ độc rượu khác là anh T.V.T (36 tuổi) chuyển từ Lào Cai đến trong tình trạng vai, cánh tay, bàn tay sưng to. Anh T quê ở Lào Cai nhưng vào Bến Tre làm ăn sinh sống. “5 năm rồi tôi mới về quê ăn Tết nên mừng lắm, gặp gỡ bạn bè liên hoan và chúc tụng, nhưng không nhớ đã uống những rượu gì”, anh T kể. Sau nhiều cuộc nhậu, anh T bỗng thấy đau vai và tay, sau đó sưng to như “tay voi”, người yếu, mệt mỏi, gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cấp cứu.
“Trường hợp này đến viện hơi muộn, cơ bị tổn thương sinh ra chất độc gây suy thận. Sau này sẽ tê bì dài dài, có thể yếu tay một thời gian”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết. Anh T làm nghề lái xe trộn bê tông nên rất lo lắng cánh tay sẽ ảnh hưởng đến công việc sau này. “Quá sợ rượu rồi, biết hậu quả thế này thì không dám uống rượu không rõ nguồn gốc nữa”, anh T nói.
Một bệnh nhân trẻ hơn 30 tuổi ở Bắc Ninh vào nhập viện ngày 27/1 trong tình trạng khá nặng đang điều trị ở đây cũng không biết mình ngộ độc lúc nào. Anh này uống rượu xong nôn rất nhiều, ngày hôm sau nói ngọng, yếu tay. Hơn 1 ngày sau được đưa đến Trung tâm chống độc, kết qua chụp CT não thì phát hiện nhồi máu não cả 2 bên (tắc mạch máu não). Trước đó, bệnh nhân mất nước, nôn nhiều, máu bị cô đặc dễ tắc mạch trên nền bệnh nhân thừa cân. Sau mấy ngày điều trị, bệnh nhân hiện còn nói ngọng, liệt một bên. “Trường hợp này kiểm tra không có methanol”, BS Nguyên cho biết.
Tử vong vì uống cồn sát trùng
Theo BS Nguyên, từ nay đến hết tháng 2, thậm chí sang tháng 3 sẽ còn nhiều vụ ngộ độc rượu nhập viện khi người dân còn vui xuân. BS cũng cảnh báo về ngộ độc do uống nhầm cồn sát trùng khi vừa có 1 ca tử vong. Bệnh nhân là anh N.C.K (46 tuổi, Vĩnh Phúc), có tiền sử lạm dụng rượu. Chiều 28/1, gia đình phát hiện anh này uống cồn 90 độ pha loãng. Sau đó anh K nôn nhiều, ý thức lơ mơ, được người nhà đưa tới Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc cấp cứu. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, lọc máu, sau đó chuyển lên Trung tâm chống độc trong tình trạng hôn mê, nguy kịch. Mặc dù được các BS hồi sức cấp cứu, song bệnh nhân đã không qua khỏi.
Tại đây, chúng tôi còn gặp ca bệnh uống quá nhiều rượu nằm bệt nhiều tiếng kéo dài, dẫn đến cơ bị tổn thương gây ra chất tắc ống thận. Bệnh nhân được đưa vào Trung tâm chống độc trong tình trạng hôn mê, suy thận và phải chạy thận.
Mặc dù rượu pha cồn công nghiệp – methanol đã được cảnh báo rất nhiều và đã có nhiều cái chết do uống phải rượu này, song thời gian gần đây vẫn liên tiếp có người tử vong và nguy kịch vì methanol. Từ mùng 3 Tết đến nay, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc rất nặng do methanol. Điển hình là 7 người trong một công ty ở Thái Bình sau bữa liên hoan ngày mùng 6 Tết, có 3 người bị ngộ độc rượu phải nhập viện điều trị, trong đó có 1 rất nặng phải thở máy, lọc máu. Dù đã được điều trị bằng thuốc giải độc và các loại thuốc khác, nhưng sau 3 ngày nhập viện, bệnh nhân vẫn hôn mê.
Theo BS Nguyên, các ca ngộ độc methanol thường có triệu chứng muộn nên bệnh nhân đến viện trong tình trạng nặng và rất nặng. Nguyên nhân do ngộ độc cồn công nghiệp methanol diễn biến chậm vì phải qua quá trình chuyển hóa mới tạo thành acidfomic, gây tổn thương thần kinh và tổn thương mắt. Do quá trình chuyển hóa rất chậm nên nhiều giờ sau, thậm chí 2 ngày sau mới có biểu hiện. Với người dùng thêm rượu ethanol, thì chính loại rượu này khi vào cơ thể lại làm chậm quá trình chuyển hóa và gây độc của methanol. Chính vì vậy, việc uống liên tiếp rượu, đặc biệt trong những ngày Tết khiến ngộ độc methanol không có biểu hiện ngay, mặc dù, chất độc vẫn còn trong người. Tuy nhiên, đến khi dừng rượu, lúc đó không có gì ngăn cản methanol có trong có thể sẽ chuyển hóa chất độc.
BS Nguyên cảnh báo, hiện nay, có nhiều loại hóa chất bị tuồn ra ngoài thị trường, các đối tượng đã sử dụng để pha trộn thành rượu rởm. Thậm chí, các công ty nhập về đóng thành chai cồn sát trùng rởm và được bán rất nhiều. Sau khi nhiều loại cồn sát trùng rởm được phát hiện và thông báo, các công ty đã chuyển dạng nhãn mác, công bố rõ không dùng để sát trùng, chỉ dùng để đốt, lau chùi, nhưng chai lọ, nhãn mác vẫn y nguyên và vẫn bán ở hiệu thuốc, làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn là cồn y tế mua về. Trong nhà, người nghiện rượu thì uống nhầm, người khác thì mang ra sát trùng. “Đây là những chất cực độc, cần phải cảnh báo tới người dân”, BS Nguyên nhấn mạnh.
Để không còn các ca ngộ độc thương tâm, chuyên gia cho rằng, không được bán các loại hóa chất độc hại như hóa chất tẩy rửa, hóa chất đốt, cồn công nghiệp ở hiệu thuốc; không được đóng chai gây nhập nhèm giống với cồn sát trùng; các chai hóa chất phải có hình thức khác và có nhãn mác rõ ràng.