Tăng lương tối thiểu vùng tạo động lực cho sự phát triển

Việc thống nhất tăng lương tối thiểu vùng lên 7,2% từ năm 2026 là bước đi phù hợp mục tiêu tăng trưởng, an sinh và cải cách tiền lương, song cũng đặt ra thách thức cho doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, cơ cấu lại nguồn lực.

Công nhân Nhà máy Vietfoods (Khu công nghiệp Hapro, Hà Nội) đang đóng gói thạch sữa chua chuẩn bị xuất xưởng.

Công nhân Nhà máy Vietfoods (Khu công nghiệp Hapro, Hà Nội) đang đóng gói thạch sữa chua chuẩn bị xuất xưởng.

Từ đây đòi hỏi người lao động cũng như người sử dụng lao động cần có những thích ứng linh hoạt để biến áp lực thành động lực cho sự phát triển.

Sau hai phiên họp, ngày 11/7/2025, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng lên 7,2% từ ngày 1/1/2026, tương ứng mức tăng từ 250.000 đến 350.000 đồng/tháng tùy theo vùng. Đây là lần điều chỉnh thứ 12 kể từ năm 2013, và là mức tăng cao hơn hai lần liền kề trước đó, vào các năm 2022 và 2024 đều tăng ở mức 6%.

Thúc đẩy tăng trưởng và an sinh xã hội

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, sau khi phân tích tình hình kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế, đánh giá các yếu tố tích cực, hạn chế, Hội đồng đã thống nhất biểu quyết mức tăng lương tối thiểu cho người lao động ở mức 7,2%.

“Chủ trương của Đảng là đưa kinh tế tăng trưởng cao, bắt đầu bằng mục tiêu 8% năm 2025 và hướng tới hai con số trong các năm tiếp theo. Chính sách lương cũng cần thích ứng, tạo động lực mới cho lực lượng lao động”, ông Khương nhấn mạnh.

Trên cơ sở thống nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2026, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/1/2026, đồng thời đánh giá tác động và rà soát các nhóm chính sách liên quan.

Đại diện người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, mức điều chỉnh lần này cơ bản đáp ứng kỳ vọng của tổ chức công đoàn và người lao động. “Tổng Liên đoàn sẽ tuyên truyền, vận động để người lao động đồng thuận và nỗ lực hơn trong công việc”, ông Hiểu khẳng định.

Anh Đặng Thế Minh, công nhân Nhà máy Vietfoods, Khu Công nghiệp Hapro (xã Thuận An, Hà Nội) không giấu nổi niềm vui khi biết tin lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh từ đầu năm 2026. Anh chia sẻ: “Đây là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, Chính phủ để phù hợp xu thế phát triển của đất nước”. Với mức tăng thêm 350.000 đồng/tháng, dù không nhiều, nhưng anh Minh tin rằng, điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể sinh hoạt cá nhân.

 Công nhân nữ làm việc hứng khởi tại cơ sở sản xuất của Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex).

Công nhân nữ làm việc hứng khởi tại cơ sở sản xuất của Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex).

Còn với chị Đặng Thị Tuyến, công nhân Nhà máy may Nghi Lộc (Nghệ An), kỳ vọng của chị không nằm hoàn toàn ở con số tăng thêm. “Chúng tôi được thông báo tăng lương, nhưng thực tế lương thực lĩnh có khi giảm do tăng mức đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài tăng lương, tôi mong muốn sẽ có thêm phúc lợi thiết thực như nghỉ mát, chăm sóc sức khỏe”, chị Tuyến chia sẻ. Điều chị quan tâm là việc làm ổn định và doanh nghiệp có nhiều đơn hàng để người lao động có thể tăng năng suất lao động và cải thiện thu nhập.

Những chia sẻ của anh Minh và chị Tuyến phần nào phản ánh tác động thực tiễn của việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2026, một chính sách được kỳ vọng sẽ mang lại động lực cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Thách thức và giải pháp cho doanh nghiệp

Theo Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, mức tăng 7,2% là tương đối phù hợp để bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động thu nhập thấp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phục hồi chậm, đối mặt với chi phí đầu vào tăng và sức mua yếu, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu sẽ tạo áp lực lớn. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hoặc sử dụng nhiều lao động có biên độ lợi nhuận mỏng có thể phải tinh giản lao động hoặc trì hoãn các hoạt động khác, như kế hoạch đầu tư cải tiến, trang thiết bị, hoặc đổi mới để bù đắp phần chi phí lao động tăng thêm.

Ông Nam kiến nghị cần xem xét các chính sách giãn, hoãn hoặc giảm mức đóng bảo hiểm bắt buộc để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người lao động. Với các doanh nghiệp khó khăn, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu hoặc trong chuỗi cung ứng, nên tính toán giãn đóng bảo hiểm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần khôi phục các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng, đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động. Trong bối cảnh rủi ro thương mại gia tăng, cần có thêm hỗ trợ pháp lý và xúc tiến thương mại chuyên biệt cho khối doanh nghiệp này.

 Quang cảnh làm việc tại phân xưởng sản xuất thạch bút chì, Nhà máy Vietfoods, Khu Công nghiệp Hapro (xã Thuận An, Hà Nội). (Ảnh: HT)

Quang cảnh làm việc tại phân xưởng sản xuất thạch bút chì, Nhà máy Vietfoods, Khu Công nghiệp Hapro (xã Thuận An, Hà Nội). (Ảnh: HT)

Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mong muốn nhận được nhiều nguồn lực hơn từ các chương trình hỗ trợ của Chính phủ để mở rộng quy mô hỗ trợ, giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, chuẩn bị các hoạt động bảo vệ doanh nghiệp với thương mại quốc tế, và xử lý các tranh chấp quốc tế.

Đối với doanh nghiệp sử dụng lao động, ông Hà Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Việt Nam, cho rằng: “Khi lương tối thiểu tăng, chi phí nhân công, bảo hiểm, công đoàn đều tăng, kéo theo giá thành sản phẩm tăng. Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhất là với hàng nhập khẩu chất lượng cao và giá rẻ từ Mỹ, doanh nghiệp sản xuất nội địa phải nhanh chóng cơ cấu lại, tăng năng suất hoặc chấp nhận mất thị phần”.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, nếu tận dụng được xu hướng giảm giá thiết bị máy móc nhập khẩu, doanh nghiệp có thể đầu tư công nghệ để thích ứng, từ đó biến áp lực thành cơ hội.

Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) cũng chia sẻ rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng liên tục tạo gánh nặng tài chính lớn, nhất là với các doanh nghiệp dệt may thâm dụng lao động. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch nhân sự trong tương lai vì doanh nghiệp phải tính toán kế hoạch sản xuất, kinh doanh bảo đảm hiệu quả.

Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu vùng cũng có ý nghĩa gián tiếp thúc đẩy việc cơ cấu lại và tăng năng suất của doanh nghiệp. Hanosimex mong muốn Nhà nước tạo môi trường cạnh tranh công bằng và có chính sách ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhất là lao động lớn tuổi.

Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2026 là bước đi quan trọng trong cải cách tiền lương, góp phần nâng thu nhập, ổn định thị trường lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Để chính sách này phát huy hiệu quả, cả người lao động và doanh nghiệp đều cần thích ứng linh hoạt. Người lao động cần nâng cao tay nghề, năng suất. Doanh nghiệp cần cơ cấu lại, ứng dụng công nghệ, tăng năng lực quản trị để tối ưu chi phí và nâng sức cạnh tranh. Khi hai bên cùng chia sẻ và đồng hành, tăng lương tối thiểu sẽ trở thành động lực chung cho phát triển bền vững.

HOÀI THU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-luong-toi-thieu-vung-tao-dong-luc-cho-su-phat-trien-post895615.html
Zalo