Tăng lương tối thiểu vùng: 'Liều thuốc' kịp thời giảm bớt gánh nặng chi tiêu
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh đã chỉ ra nhiều lợi ích quan trọng cho người lao động khi tăng lương tối thiểu vùng, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Dự thảo đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tăng 7,2% so với mức hiện hành (trùng với phương án Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất khuyến nghị Chính phủ).
Việc tăng lương tối thiểu vùng được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện thu nhập, giúp người lao động trang trải cuộc sống tốt hơn trước thực tế các chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, lạm phát và trượt giá.
Mức lương thấp chưa đảm bảo được các nhu cầu cuộc sống
Tại Phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia ngày 26/6 vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thông tin về kết quả khảo sát tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tháng 3 - 4 năm 2025) cho thấy: Có 93,25% người lao động trong các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã được điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo quy định.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chỉ điều chỉnh cho một bộ phận người lao động có mức lương thấp, chỉ để đóng bảo hiểm nên tiền lương thực tế của người lao động không tăng. Việc này phản ánh sự thiếu nghiêm túc trong thực thi pháp luật, hoặc có thể do doanh nghiệp thiếu năng lực tài chính, hoặc cố tình "lách" luật.
Theo kết quả khảo sát, với gần 3.000 người lao động trả lời phiếu tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy có 54,9% người lao động cho biết tiền lương, thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cơ bản của gia đình; 26,3% phải tằn tiện, chi tiêu kham khổ; 7,9% không đủ sống, phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có tới 72,6% tổng số người chưa lập gia đình cho biết tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của họ.
"Người lao động cảm thấy mức thu nhập hiện tại không đủ để đảm bảo cuộc sống ổn định khi bắt đầu lập gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và nuôi dưỡng con cái ngày càng tăng. Mức lương không chỉ ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu hàng ngày mà còn tác động đến việc mua nhà, tiết kiệm cho tương lai và đảm bảo các nhu cầu cơ bản cho một gia đình mới", kết quả khảo sát chỉ ra.
Bên cạnh đó, có 72,5% người lao động đã lập gia đình cho biết, tiền lương, thu nhập hiện tại ảnh hưởng đến quyết định sinh thêm con của họ. Mức thu nhập ở mức đủ sống khiến các cặp vợ chồng lo lắng về khả năng tài chính để nuôi dạy con cái. Trong khi chi phí nuôi con, đặc biệt là chi phí giáo dục và chăm sóc sức khỏe ngày càng đắt đỏ nên họ đang trì hoãn sinh con để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách Tp.Hải Phòng cho rằng việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là một chủ trương rất kịp thời và cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và các cơ quan hữu quan đối với đời sống của người lao động – đặc biệt là bộ phận công nhân, lao động giản đơn, người làm thuê trong khu vực ngoài Nhà nước.
"Lợi ích đầu tiên và rõ ràng nhất là giúp người lao động có thu nhập tốt hơn, từ đó cải thiện phần nào đời sống, giảm bớt gánh nặng chi tiêu trong bối cảnh giá cả ngày càng tăng", bà Nga nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga.
Ngoài ra, mức lương tối thiểu được nâng lên cũng góp phần tạo ra áp lực tích cực buộc doanh nghiệp phải xem xét lại chính sách tiền lương, phúc lợi. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường lao động.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng như: Cải thiện thu nhập và đời sống, bù đắp trượt giá, tạo động lực làm việc và tăng năng suất, tăng cường gắn bó với doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi về an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng.
"Lợi ích rõ ràng nhất là giúp tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là những người có mức lương thấp. Điều này trực tiếp cải thiện đời sống, giúp họ trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản như ăn uống, nhà ở, đi lại, học hành cho con cái", bà Tú Anh nói.
Cũng theo đại biểu trong điều kiện lạm phát và giá cả leo thang, việc tăng lương tối thiểu vùng giúp bù đắp phần nào sự mất giá của đồng tiền, đảm bảo sức mua của người lao động không bị giảm sút quá nhiều.
Đặc biệt, khi thu nhập được cải thiện, người lao động sẽ có tinh thần phấn chấn hơn, yên tâm làm việc, từ đó nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc.

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Ảnh: Phạm Thắng).
Và mức lương tốt hơn là thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp và Nhà nước đến đời sống người lao động, giúp họ cảm thấy được trân trọng và có động lực gắn bó lâu dài với công ty.
Tăng lương phải đảm bảo bù đắp được trượt giá
Thêm một lợi ích được đại biểu đoàn Lâm Đồng chỉ ra đó là mức lương tối thiểu vùng là cơ sở để tính toán các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Khi lương tối thiểu tăng, các quyền lợi này của người lao động cũng sẽ tăng lên, giúp họ có được sự bảo vệ tốt hơn trong trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hay khi về hưu.
Việc tăng lương tối thiểu vùng có tác động tích cực đến việc giảm khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp lao động, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng xã hội công bằng hơn.
Đại biểu Tú Anh cũng đồng tình với việc tăng lương tối thiểu vùng phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản là bù đắp được trượt giá, đảm bảo mức sống tối thiểu.
"Việc tăng lương tối thiểu vùng phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản là bù đắp được trượt giá và đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Đây là hai yếu tố then chốt để đảm bảo công bằng và duy trì động lực cho lực lượng lao động", bà Tú Anh chia sẻ.

Tăng lương tối thiểu vùng phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản là bù đắp được trượt giá, đảm bảo mức sống tối thiểu (Ảnh: Thanh Loan).
Nữ đại biểu phân tích, lạm phát là một thực tế kinh tế không thể tránh khỏi. Nếu lương tối thiểu không được điều chỉnh kịp thời để bù đắp sự tăng giá của hàng hóa, dịch vụ, thì thu nhập thực tế của người lao động sẽ bị giảm sút, khiến đời sống của họ ngày càng khó khăn.
Việc bù đắp trượt giá giúp duy trì sức mua, đảm bảo rằng mức sống của người lao động không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến động thị trường.
Đối với đảm bảo mức sống tối thiểu, theo đại biểu, mức lương tối thiểu không chỉ là con số trên giấy mà nó phải đủ để người lao động và gia đình họ trang trải các nhu cầu thiết yếu như ăn, ở, đi lại, học tập, y tế ở mức cơ bản nhất.
"Nếu mức lương tối thiểu không đủ đáp ứng những nhu cầu này, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể tái tạo sức lao động, ảnh hưởng đến năng suất và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế", bà nói.
Cần chuỗi giải pháp đồng bộ từ 3 phía
Để việc tăng lương tối thiểu vùng thực sự mang lại hiệu quả bền vững, bà Tú Anh cho rằng cần có một chuỗi các giải pháp đồng bộ từ cả phía người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước.
Đối với người lao động, cần nâng cao năng lực và kỹ năng, thích ứng với công nghệ mới, đồng thời cần tiết kiệm và quản lý chi tiêu hiệu quả. "Mặc dù lương tăng, người lao động cũng cần có ý thức tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân một cách thông minh để đảm bảo cuộc sống ổn định và có tích lũy", bà Tú Anh nói.

Người lao động cũng cần thích ứng với công nghệ mới (Ảnh: Hữu Thắng).
Đối với doanh nghiệp, cần đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất, thay vì chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ, tự động hóa, cải tiến quy trình sản xuất để tăng năng suất lao động. Năng suất tăng sẽ bù đắp chi phí lương tăng, thậm chí còn giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận.
Bên cạnh lương, doanh nghiệp cần quan tâm đến các chính sách phúc lợi khác như bảo hiểm, thưởng, hỗ trợ nhà ở, đi lại, tạo môi trường làm việc thân thiện, an toàn để giữ chân và thu hút người lao động giỏi.
Nhà nước cần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, theo đại biểu đây là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo giá trị của đồng tiền và sức mua của người lao động. Chính phủ cần có các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý.
Cùng với đó, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch về thị trường lao động, nhu cầu ngành nghề để người lao động có định hướng học tập, nâng cao kỹ năng phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đúng quy định về lương tối thiểu vùng, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động; cải cách thủ tục hành chính...
Trong bối cảnh giá cả liên tục leo thang, việc tăng lương tối thiểu vùng mang theo một kỳ vọng rất lớn và chính đáng từ phía người lao động.
Bà Tú Anh kỳ vọng rằng việc điều chỉnh này sẽ là một "liều thuốc" kịp thời giảm bớt gánh nặng chi tiêu.
"Dù có thể chưa đủ để giúp người lao động có một cuộc sống dư dả, nhưng mức tăng này chắc chắn sẽ là một sự hỗ trợ đáng kể, giúp họ bù đắp phần nào chi phí sinh hoạt cơ bản đang ngày càng đắt đỏ, giúp giảm áp lực cơm áo gạo tiền, mang lại sự an tâm hơn cho người lao động trong cuộc sống hàng ngày", bà Tú Anh nói.
Cùng với đó, khi nhận thấy thu nhập được cải thiện, người lao động sẽ cảm thấy được quan tâm, có động lực hơn để cống hiến và gắn bó với công việc. Điều này rất quan trọng để duy trì nguồn nhân lực ổn định và chất lượng cho doanh nghiệp.
Thúc đẩy tiêu dùng và gián tiếp hỗ trợ kinh tế, theo đại biểu mức lương tăng lên sẽ giúp người lao động có khả năng chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ, từ đó kích thích nhu cầu thị trường nội địa, góp phần thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, tạo tiền đề cho việc hướng tới mức lương đủ sống. "Mặc dù mức tăng hiện tại có thể chưa đạt đến "lương đủ sống", nhưng nó là một bước tiến quan trọng, tạo tiền đề để các bên tiếp tục đàm phán và hướng tới mục tiêu này trong tương lai, giúp người lao động có cuộc sống thực sự ổn định và phát triển", bà Tú Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh rằng kỳ vọng này cần đi đôi với các giải pháp đồng bộ khác, đặc biệt là việc kiểm soát lạm phát và ổn định giá cả thị trường. Nếu giá cả vẫn tiếp tục tăng không kiểm soát, hiệu quả của việc tăng lương sẽ bị giảm sút đáng kể.
Vì vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động là yếu tố then chốt để đảm bảo việc tăng lương tối thiểu vùng thực sự phát huy tối đa ý nghĩa và giá trị của nó trong việc cải thiện đời sống người lao động.
Làm "ấm" lại đời sống của người lao động
"Tôi kỳ vọng rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng lần này sẽ góp phần làm "ấm" lại đời sống của người lao động, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất – nơi có mật độ lao động lớn và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát, biến động thị trường. Trong bối cảnh giá cả sinh hoạt ngày càng leo thang, đồng lương eo hẹp khiến nhiều người lao động phải làm thêm giờ triền miên để trang trải cuộc sống. Vì vậy, tăng lương không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là giải pháp nhân văn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ chân người lao động, ổn định thị trường lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững", ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.