Tăng lương phù hợp với nguyện vọng của người lao động

Ngày 29/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đáng chú ý, Nghị quyết thống nhất việc thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội kể từ ngày 1/7/2024. Đây là tin vui với số đông và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống của người thụ hưởng.

Theo nhiều chuyên gia, việc tăng lương cơ sở lần này là phù hợp với quy luật phát triển của nền kinh tế, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế về an sinh xã hội, hỗ trợ đảm bảo đời sống cho người lao động.

Có thể thấy trong bối cảnh chưa xây dựng và xác định vị trí việc làm, việc Chính phủ, Quốc hội quyết định tăng 30% lương cơ sở và 15% lương hưu cho thấy lộ trình cải cách tiền lương được thực hiện thận trọng, chắc chắn, đảm bảo đời sống an sinh cho người lao động.

KHÔNG ĐỂ GIÁ TĂNG TRƯỚC LƯƠNG

Tăng lương phải kiểm soát được lạm phát, tránh tình trạng tăng giá các mặt hàng thiết yếu theo kiểu “tát nước theo mưa” là vấn đề đặt ra hiện nay. Đánh giá từ những lần tăng lương trước, việc khống chế tăng giá cả theo tâm lý, lợi dụng tăng lương để tăng giá cần tính toán, kiểm soát chặt chẽ thì việc tăng lương mới thực sự có ý nghĩa.

Không chỉ là nỗi lo của người lao động, việc lương chưa tăng mà giá cả sinh hoạt “rục rịch” tăng đã nhiều lần được các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại. Đơn cử như năm 2011, khi lương cơ sở tăng 3,7% thì lạm phát tăng từ 9,2 lên 18,6%, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát.

Trước lo lắng về tình trạng “tát nước theo mưa” mỗi lần tăng lương, Chính phủ khẳng định sẽ có các biện pháp ổn định giá cả.

Chính phủ khẳng định đã lên kế hoạch vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát, đồng thời giao từng bộ ngành kiểm soát để đảm bảo giá trị tăng lương đúng nghĩa.

CẦN ĐIỀU CHỈNH MỨC GIẢM TRỪ GIA CẢNH

Tăng lương là điều mà tất cả người lao động đều mong chờ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, nếu tăng lương không đi cùng với việc giải quyết câu chuyện nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế, giảm trừ gia cảnh sẽ khiến người làm công ăn lương chịu áp lực đóng thuế thu nhập. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phản ánh đúng với thực tế cuộc sống.

Đây không chỉ là nỗi lo mơ hồ của người lao động. Theo các chuyên gia, việc không điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương.

Tại Nghị trường Quốc hội, các đại biểu nhận định, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng đã không còn phù hợp, nhất là ở những thành phố lớn.

Bên cạnh tăng lương, kiềm chế lạm phát, đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào cuối năm nay và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5 năm sau để đảm bảo điều chỉnh đồng bộ trong hệ thống phát luật cũng như quyền lợi cho người lao động.

Điểm lại 14 lần tăng lương trong 20 năm qua, việc tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng là mức tăng chưa từng có, mang tới nhiều kỳ vọng không chỉ với những người làm công ăn lương trong khu vực công, mà còn mang niềm vui tới hàng chục triệu người đang hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở. Điều quan trọng là công tác kiểm soát thị trường, điều chỉnh quy định khác sao cho phù hợp để chính sách này mang lại hiệu quả thực chất, đảm bảo an sinh xã hội.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Lan - Phạm Cường - Công Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tang-luong-phu-hop-voi-nguyen-vong-cua-nguoi-lao-dong-227473.htm
Zalo