Tầng lớp trung lưu tăng mở ra tiềm năng cho DN tại khu thương mại tự do

Vị trí địa lý chiến lược gần các tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng, Việt Nam dễ dàng kết nối với các thị trường lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các Khu thương mại tự do.

Việt Nam vẫn thiếu khung pháp lý

Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2024 của Bộ Công Thương, thời gian qua Việt Nam đã từng bước tiếp cận mô hình Khu thương mại tự do (FTZ) thông qua việc phát triển những loại hình khu có quy mô nhỏ hơn như: khu chế xuất, khu phi thuế quan trong khu kinh tế, các kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế...

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 414 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu chế xuất.

Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, một vị trí địa lý chiến lược gần các tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng. Vị trí này cho phép Việt Nam trở thành một điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng trong khu vực, dễ dàng kết nối với các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN khác.

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các FTZ, nơi hàng hóa có thể được nhập khẩu, chế biến và xuất khẩu một cách hiệu quả.

Cảng Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: Phạm Tùng).

Cảng Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: Phạm Tùng).

Đồng thời, Việt Nam cũng sở hữu nhiều cảng biển lớn và hiện đại như cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng và cảng Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Những cảng này có khả năng tiếp nhận tàu container lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa.

Hệ thống giao thông kết nối giữa cảng biển với các khu công nghiệp và khu chế xuất cũng đang được nâng cấp và mở rộng, bao gồm đường bộ, đường sắt và hàng không. Điều này tạo nên một mạng lưới logistics hiệu quả, hỗ trợ cho sự phát triển của FTZ.

Báo cáo cũng chỉ ra Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhằm thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Các chính sách này bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập vào từ nước ngoài để sản xuất, kinh doanh trong các FTZ và miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong FTZ. Chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cũng được áp dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

“Kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và nhu cầu tiêu dùng nội địa cao tạo ra một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp đầu tư vào FTZ”, Báo cáo nêu rõ.

Kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định.

Kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia ASEAN, mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển FTZ.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, Việt Nam cũng chưa có khung pháp lý rõ ràng và cụ thể cho việc thành lập và quản lý FTZ, các quy định hiện hành chủ yếu tập trung vào các khu kinh tế (KKT) và khu chế xuất (KCX), nhưng chưa đề cập chi tiết đến các FTZ.

Việc thiếu khung pháp lý gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc tiếp cận và phát triển FTZ, đồng thời, làm giảm tính minh bạch và hiệu quả của quản lý nhà nước đối với các khu vực này.

Đồng thời, việc phải cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực đã có các FTZ phát triển như Singapore, Thái Lan và Malaysia, những quốc gia này có khung pháp lý hoàn thiện, cơ sở hạ tầng hiện đại và các chính sách ưu đãi hấp dẫn, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn trong việc thu hút đầu tư và phát triển FTZ.

Ngoài ra, các quốc gia này cũng có kinh nghiệm quản lý và vận hành FTZ hiệu quả, làm cho việc cạnh tranh trở nên khó khăn hơn.

“Chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics và quản lý FTZ tại Việt Nam còn hạn chế. Mặc dù Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và đông đảo, nhưng kỹ năng và trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực này chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các doanh nghiệp trong các FTZ”, thông tin từ báo cáo.

Theo đó, việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của FTZ.

Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Báo cáo cũng chỉ ra vướng mắc của các khu thương mại tự do tại Việt Nam chính là cơ chế, chính sách bởi các nội dung phân cấp, trao quyền, vận hành, tương tác giữa các vùng kinh tế bình thường, khu công nghiệp khác với khu thương mại tự do là chưa từng có tiền lệ.

Điều này dẫn tới phải có một sự điều chỉnh trong luật, các quy trình, thủ tục xin cấp phép thành lập khu thương mại cũng chưa được dẫn chiếu từ bất kỳ văn bản nào.

Do vậy, một số giải pháp để có thể phát triển khu thương mại tự do tại Việt Nam sẽ cần được đề xuất một cách tổng thể, như tỉnh/thành phố chủ động đề xuất dự thảo Cơ chế thí điểm Khu thương mại tự do thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội phê duyệt.

Chủ động xin ý kiến các bộ liên quan như: Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… về các khu chức năng phù hợp với lợi thế của tỉnh/thành phố; các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư; chế độ ưu tiến trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát chuyên ngành; cơ chế cấp duyệt các quy hoạch chi tiết, cấp - gia hạn - thu hồi giấy phép lao động..

Cần đầu tư vào các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Cần đầu tư vào các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Đặc biệt cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, bao gồm hệ thống đường bộ, cảng biển, sân bay và cơ sở vật chất trong địa bàn tỉnh/thành phố. Tính phù hợp của hạ tầng giao thông thông suốt, kết nối với các vùng lân cận sẽ giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian vận chuyển và gia tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động của FTZ.

Áp dụng công nghệ tiên tiến từ hai phía gồm cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Sử dụng hệ thống quản trị kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, để cơ quan quản lý thực hiện đúng chức năng vai trò quản lý, hỗ trợ, dự báo ra quyết định nhằm thúc đẩy cho doanh nghiệp.

Phía doanh nghiệp chủ động ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa quy trình sản xuất và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành, giúp giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Đồng thời, công nghệ cũng góp phần nâng cao khả năng giám sát, đảm bảo an ninh và minh bạch trong hoạt động của FTZ.

Tỉnh/thành phố cần nghiên cứu đề xuất đơn giản hóa thủ tục hải quan và quản lý, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quy trình hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm thiểu thời gian và chi phí, đồng thời tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

"Cần xây dựng chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư thế hệ mới, cần hướng tới các ngành công nghệ cao, dịch vụ tài chính và công nghiệp thân thiện với môi trường", báo cáo nêu.

Đặc biệt là đầu tư vào các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người lao động, giúp họ có kiến thức, kỹ năng và trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của các ngành công nghiệp hiện đại, góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và sự phát triển chung của FTZ.

Phạm Thị Thanh Loan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tang-lop-trung-luu-tang-mo-ra-tiem-nang-cho-dn-tai-khu-thuong-mai-tu-do-204241126182356146.htm
Zalo