Tăng gắn hết trong gia đình đa thế hệ

Khi ông bà và các cháu sống gần gũi, có mối quan hệ mật thiết sẽ giúp ích rất nhiều trong việc bồi đắp giá trị truyền thống của gia đình.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đến tận bây giờ, khi tôi đã gần 50 tuổi, bà nội tôi cũng đã về với tổ tiên được 20 năm nhưng mỗi khi nhớ lại, những câu chuyện bà kể hằng đêm cho chúng tôi nghe trước khi đi ngủ vẫn hấp dẫn như ngày nào.

Nghe hết chuyện cổ tích lại đến chuyện hồi bà còn nhỏ khổ thế nào, bà lấy ông vất vả ra sao; nạn đói năm 1945 bao nhiêu người chết vì đói lả, cả làng tiêu điều…

Hồi ấy, chúng tôi nào biết cụ Tổng Lý, ông Phó Hào, ông Đội Lịch, bà cả Nhĩ là ai…, vậy mà mỗi khi bà kể chuyện làng chuyện xã, đứa nào đứa ấy háo hức nằm nghe, hấp dẫn chẳng khác chuyện chương hồi.

Làng tôi nhiều thay đổi, tôi đi lấy chồng cũng chẳng còn sống ở làng nhưng nơi ấy vẫn luôn là máu thịt, là nỗi nhớ khôn nguôi, khiến tôi hăm hở muốn trở về. Và hơn tất cả, bà luôn là sợi dây tinh thần gắn bó anh chị em tôi với quê hương, làng xóm, gia đình. Mẹ sinh ra chúng tôi nhưng từ thuở lọt lòng, anh chị em tôi đã quyện hơi ấm yêu thương của bà.

Thực tế không thể phủ nhận, trong mỗi gia đình, sự thấu hiểu giữa ông bà và các cháu không chỉ tạo dựng tình cảm bền vững thế hệ mà còn giúp con trẻ được tiếp cận, thấm nhuần và gìn giữ những điều tốt đẹp học hỏi từ ông bà.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chia sẻ về điều này, thạc sĩ Lỗ Việt Phương (Viện Nghiên cứu Giới và Gia đình, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nhấn mạnh, tình yêu thương, sự chăm lo và những câu chuyện kể về cuộc sống, về những kỉ niệm tươi đẹp của gia đình từ ông bà chính là "nguồn dinh dưỡng" bồi đắp tình yêu gia đình cho trẻ.

Khi hiểu rõ nguồn cội, đứa trẻ sẽ tự tin hơn về giá trị bản thân, tạo nên bản sắc giữa các thế hệ. Những câu chuyện về gia đình từ ông bà sẽ truyền cho trẻ cảm giác tự hào và ý thức gìn giữ truyền thống của gia đình, dòng họ, phong tục, tập quán tốt đẹp của quê hương.

Nhìn vào mỗi nhà, chúng ta dễ dàng nhận thấy, gia đình nào có ông bà, cha mẹ, con cháu hòa thuận thì các buổi sum họp gia đình sẽ diễn ra thường xuyên hơn, các thành viên vui vẻ, hạnh phúc hơn, mối quan hệ giữa các thành viên khăng khít hơn.

Các chuyên gia tâm lý nhận định rằng, khi mối quan hệ đa thế hệ bền chặt sẽ giúp các gia đình dễ dàng vượt qua những giai đoạn khó khăn cũng như biến cố trong cuộc sống; các thành viên được yêu thương, quan tâm, luôn có ý thức hướng về gia đình…

Không chỉ ở Việt Nam, theo một nghiên cứu được Phòng Chính sách xã hội và Can thiệp (Đại học Oxford, Anh) thực hiện và công bố, một đứa trẻ có sự đồng hành của ông bà có khả năng đối mặt và vượt qua những chấn thương trong cuộc sống tốt hơn. Những đứa trẻ này cũng ít có xu hướng bị lệch lạc về hành vi hoặc cảm xúc.

"Một trong những lý do khiến trẻ thích gắn bó với ông bà vì ông bà có thể mang lại cho trẻ cảm giác an toàn mà chúng cần, đôi khi chỉ đơn giản là có người cùng đọc sách, trẻ được vỗ về, động viên. Đó là sự hỗ trợ tinh thần vô giá mà ông bà dành cho trẻ.

Ông bà cho các cháu sự tự tin, biết cách đối mặt với sự thất vọng và cảm xúc tiêu cực bằng thái độ tích cực, có thể thích ứng với khó khăn, thử thách khi gặp phải. Gần gũi ông bà giúp trẻ học hỏi kinh nghiệm sống từ ông bà. Và chính niềm tin, tình yêu được bồi đắp từ ông bà sẽ là động lực để trẻ có thể đối mặt tốt hơn với những thách thức trong tương lai", thạc sĩ Lỗ Việt Phương bày tỏ.

Song Nghi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tang-gan-het-trong-gia-dinh-da-the-he-20240701154318603.htm
Zalo