Tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản

Ngày 15/7, Cục Kiểm tra văn bản và quản lý xử lý vi phạm hành chính (KTVB&QLXLVPHC) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 06 tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ công tác 06 tháng cuối năm 2025. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh chủ trì Hội nghị. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cùng dự.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 06 tháng đầu năm 2025, về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo thẩm quyền, Cục đã tiếp nhận, phân loại 1.177 văn bản để thực hiện kiểm tra, phát hiện văn bản theo 03 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2025. Trên cơ sở triển khai nhiệm vụ được giao, Cục đã kiểm tra, bước đầu phát hiện 133 văn bản cần xem xét tính pháp lý về thẩm quyền và nội dung.

Thực hiện chỉ đạo chung của cấp có thẩm quyền và để tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động xử lý văn bản chưa phù hợp cùng với quy trình sắp xếp tổ chức bộ máy, hoàn thiện pháp luật theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp nên trong thời gian qua, Cục đã thông báo để các chủ thể ban hành VBQPPL thực hiện rà soát, tự kiểm tra, xử lý văn bản trên cơ sở kiến nghị của Cục mà chưa ban hành kết luận theo quy định.

Về công tác rà soát VBQPPL, Cục đã tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL và Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật.

Cục trưởng Hồ Quang Huy phát biểu tại Hội nghị.

Về công tác pháp điển, Cục tiếp tục hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Quyết định số 143/QĐ-TTg ngày 2/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển”.

Đối với công tác QLXLVPHC, Cục đã tham mưu, xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác thi hành pháp luật về XLVPHC năm 2024 (Báo cáo số 66/BC-BTP ngày 17/2/2025); Các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp để triển khai, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác thi hành pháp luật về XLVPHC trong năm 2025.

Bên cạnh đó, Cục thường xuyên thực hiện trao đổi, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành và địa phương; cử báo cáo viên tham gia các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các bộ, ngành, địa phương (như các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc…); tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC” để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Khánh Hòa, Hồ Chí Minh, Hà Nội).

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong thời gian tới, Cục đề xuất, kiến nghị Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo việc tổ chức, thực hiện hiệu quả, toàn diện các nhiệm vụ công tác của Cục KTVB&QLXLVPHC, trong đó có việc thống nhất tổ chức triển khai nhiệm vụ rà soát VBQPPL theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền và của các Ban Chỉ đạo.

Đồng ý chủ trương tiếp tục tổ chức triển khai hoạt động kiểm tra VBQPPL theo thẩm quyền và kiểm tra công tác QLXLVPHC, dự kiến từ Quý IV/2025, sau khi các bộ, ngành, địa phương cơ bản ổn định tổ chức, cán bộ sau sắp xếp tổ chức bộ máy để bảo đảm thực hiện theo đúng chỉ đạo, kết luận của cấp có thẩm quyền và quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước được giao.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị Cục tiếp tục nghiên cứu, tham mưu về cách thức tổ chức thực hiện hiệu quả việc tự kiểm tra văn bản QPPL của Chính phủ; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về VBQPPL.

Về công tác rà soát VBQPPL, Bộ trưởng ghi nhận, đánh giá cao chất lượng các Báo cáo kết quả rà soát thời gian qua do Cục tham mưu, xây dựng; các kiến nghị tại các Báo cáo rà soát là cơ sở hoàn thiện nhiều văn bản QPPL thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, cần nghiên cứu, đề xuất đổi mới cách thức hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát để nâng cao hiệu quả, tính kịp thời của các kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh ghi nhận, đánh giá cao chất lượng các Báo cáo kết quả rà soát thời gian qua do Cục tham mưu, xây dựng.

Đối với công tác ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ trưởng chỉ đạo Cục nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong công tác của đơn vị, đặc biệt là trong hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản; xác định việc hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của đơn vị mà của Bộ, của ngành để bảo đảm xây dựng nguồn dữ liệu quan trọng phục vụ nhiều công tác nghiệp vụ khác.

Đối với cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính – nhiệm vụ đã được giao Bộ Tư pháp hoàn thành trong năm 2025, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, có tính liên thông và tích hợp cao.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị học tập kinh nghiệm nước ngoài về tổ chức thi hành pháp luật; phối hợp Vụ Tổ chức cán bộ xem xét, đề xuất bố trí nhân sự thực hiện công tác của đơn vị; tăng cường sự gắn kết giữa công tác pháp chế và hoạt động xây dựng pháp luật, đặc biệt ở cấp trung ương...

Ngoài ra, Bộ trưởng đánh giá cao việc tham mưu, hoàn thiện thể chế về xử lý vi phạm hành chính thời gian qua, đặc biệt là việc tham mưu, xây dựng trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính…

Châu Dương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tang-cuong-ung-dung-cong-nghe-trong-hoat-dong-kiem-tra-ra-soat-van-ban.html
Zalo