Tăng cường quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa

Ngày 26/6, Bộ Tài chính báo cáo kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023.

Khoản hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân góp phần tu bổ, tôn tạo di tích. Trong ảnh: Người dân vãn cảnh chùa Tây Phương. (Ảnh ĐỨC ANH)

Khoản hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân góp phần tu bổ, tôn tạo di tích. Trong ảnh: Người dân vãn cảnh chùa Tây Phương. (Ảnh ĐỨC ANH)

Đáng ngạc nhiên là chỉ trong năm 2023, số tiền thực thu đã lên tới 4.100 tỷ đồng tiền mặt, chưa kể các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo.

Theo Bộ Tài chính, các địa phương đã ban hành quyết định hoặc kế hoạch kiểm tra tổng thể nhằm đánh giá được việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa. Thông qua công tác kiểm tra, chính quyền địa phương sẽ quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng, tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế-xã hội của địa phương.

Tổng thu 4.100 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, cả nước hiện có 31.211 di tích lịch sử-văn hóa (gồm 31.581 di tích thành phần), trong đó có 206 di tích quốc gia đặc biệt, 3.875 di tích quốc gia, 10.963 di tích cấp tỉnh và 16.167 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương. Đây là lần đầu tiên các cơ quan chức năng tổng kiểm tra các di tích lịch sử-văn hóa đã xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa trên quy mô toàn quốc.

Các đoàn kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích. Trước đó, các tổ chức, cá nhân được giao quản lý di tích đều được đề nghị tự báo cáo số thu, chi tiền công đức, tài trợ tại di tích. Trên cơ sở đó, đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra tại từng di tích có tên trong danh sách.

Tại các di tích nêu trên, về cơ bản đều có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động tại di tích, nhưng trước đây, hầu như chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh về quản lý tiền công đức trong phạm vi cả nước, chỉ có một số địa phương ban hành văn bản cấp tỉnh quy định đối với các di tích trên địa bàn.

Đa số các địa phương không có văn bản quy định về hoạt động này; việc quản lý chủ yếu là theo thông lệ, theo truyền thống và đặc điểm riêng của mỗi cơ sở di tích. Bắt đầu từ năm 2023, Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, các địa phương đã xây dựng và ban hành văn bản quy định về quản lý tiền công đức, tài trợ, bảo đảm phù hợp với thực tế của từng di tích và phong tục, tập quán của địa phương.

Trong tổng số 31.581 di tích thành phần, có 15.324 di tích (49%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ. Cơ sở tôn giáo có tổng số 5.683 di tích, trong đó có 3.912 di tích (69%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ, số di tích còn lại không báo cáo.

Trong số 25.898 di tích khác, có 11.412 di tích (44%) có số liệu thu, chi. Số còn lại chủ yếu là di tích tư nhân, nhà thờ dòng họ không báo cáo và các di tích đặc thù không có công đức, tài trợ gồm: Di tích là địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử, phố cổ, nhà cổ, văn chỉ, địa điểm khảo cổ, hang động. Các di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không có thu, chi công đức, tài trợ.

Tổng số tiền thống kê được trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo), chủ yếu tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng với 3.062 tỷ đồng (75%). Có 63 di tích thu trên 5 tỷ đồng, trong đó có 28 di tích thu trên 10 tỷ đồng, 7 di tích thu trên 25 tỷ đồng.

Có 7 địa phương có số thu trên 200 tỷ đồng; 9 tỉnh, thành phố có số thu trên 100 tỷ đồng. Đáng lưu ý, tổng số chi trong năm 2023 là 3.612 tỷ đồng, chủ yếu là chi cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích với 1.643 tỷ đồng (46%). Số tiền công đức đã chi hoạt động từ thiện, nhân đạo là 290 tỷ đồng (8%), gồm: Hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn 47 tỷ đồng; hỗ trợ người bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn 8 tỷ đồng; ủng hộ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo 27 tỷ đồng; ủng hộ làm đường giao thông nông thôn 43 tỷ đồng; ủng hộ khác 165 tỷ đồng.

Bảo đảm công khai, minh bạch

Nhận xét về kết quả này, Bộ Tài chính cho biết, trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách dành cho lĩnh vực văn hóa hằng năm còn khiêm tốn thì tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa là nguồn tài chính rất quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung.

Nhiều công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với lịch sử của dân tộc được bảo tồn và phát huy, như Đền Hùng ở Phú Thọ; di tích Bạch Đằng Giang ở Hải Phòng; Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc ở Hà Tĩnh; Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo ở Bà Rịa-Vũng Tàu,...

Nhiều lễ hội truyền thống tổ chức tại di tích với những nghi lễ dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc được tôn vinh, kế thừa như: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Yên Tử, lễ hội Bà Chúa Xứ.

Nguồn thu công đức, tài trợ tại các di tích ngoài sử dụng cho tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội, còn đóng góp tích cực cho các hoạt động cộng đồng. Việc tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội đã tạo sức hấp dẫn đối với du khách, là nguồn tài nguyên hình thành các điểm du lịch, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng, đồng thời là điều kiện để thực hiện thu phí tham quan theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Năm 2023 có 18 địa phương thu phí tham quan tại 37 di tích, tổng số thu phí 1.015 tỷ đồng, từ nguồn thu này trích 499 tỷ đồng chi phí cho công tác thu phí, còn lại 516 tỷ đồng nộp ngân sách địa phương, được sử dụng cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tu bổ các di tích trên địa bàn. Việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích hiện đã và đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, đa số báo cáo của địa phương cho rằng số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ. Tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31% tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo.

Việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại không ít di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, để thất thoát, trộm cắp khi một số di tích giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm, cho các cá nhân vay, đã có trường hợp bị lừa nhiều tỷ đồng. Ngoài việc quản lý tiền công đức, tình trạng đốt vàng mã với số lượng lớn gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng.

Việc lần đầu thực hiện kiểm tra tổng thể về quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa trên phạm vi toàn quốc, thời gian kiểm tra vào dịp sau Tết Nguyên đán năm 2024 và mùa lễ hội đã giúp các địa phương có cơ sở thực tiễn để đánh giá toàn diện về hoạt động này. Với kết quả đạt được và những hạn chế, khó khăn đan xen trong việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích, có thể thấy, hoạt động công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần của người Việt Nam, là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Mặc dù còn nhiều di tích chưa báo cáo, số liệu báo cáo chưa đầy đủ, nhưng với tổng số thu 4.100 tỷ đồng trong năm 2023 (không bao gồm tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo) cho thấy người dân có nhu cầu rất lớn trong việc đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội.

Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh về quản lý, thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên phạm vi cả nước đã được nhân dân và các tổ chức xã hội đồng thuận, ủng hộ.

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn áp dụng, trong đó đề nghị các tăng ni, phật tử, tổ chức tôn giáo trực thuộc, trụ trì chùa, cơ sở tự viện của Giáo hội thực hiện nghiêm túc. Việc công đức, tài trợ cho tu bổ, tôn tạo di tích và hoạt động lễ hội là nét văn hóa mang ý nghĩa đẹp, vì vậy, việc tiếp nhận và sử dụng số tiền đó cần phải ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tiền công đức, tài trợ được xem là nhiệm vụ, là văn hóa ứng xử của người đại diện hoặc ban quản lý di tích trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa của đất nước.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tang-cuong-quan-ly-tien-cong-duc-tai-tro-tai-cac-di-tich-lich-su-van-hoa-5013703.html
Zalo