Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng ở vùng sâu
Sau khi kết thúc hoạt động cấp huyện, các xã vùng Đam Rông từ 1/7 tới nay tiếp tục duy trì, tập trung cho công tác quản lý, bảo vệ rừng trong tình hình mới.

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng giải tỏa cây trồng lấn chiếm đất rừng tại Đam Rông
Theo Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Sêrêpốk, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đơn vị được giao quản lý hơn 50.816 ha, riêng trên địa bàn 3 xã Đam Rông 2, Đam Rông 3 và Đam Rông 4 là 28.902 ha (chưa cập nhật diện tích rừng được giao tại xã Đưng K’Nớ của huyện Lạc Dương cũ).
Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn được giao quản lý xảy ra 1 vụ phá rừng, tổng diện tích thiệt hại 1.369 m2. Với số vụ giảm 4 vụ, diện tích giảm 92,87% và khối lượng lâm sản giảm 100% so với năm 2024.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện lập hồ sơ 6 vụ với 6 đối tượng vi phạm Luật Đất đai (4 vụ lấn chiếm đất, 2 vụ hủy hoại đất), diện tích bị lấn chiếm, hủy hoại là 1.595 m2. Tất cả các vụ vi phạm, đơn vị đã lập hồ sơ chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo quy định; đồng thời, chỉ đạo quản lý chặt hiện trường vi phạm không để đối tượng tác động trồng cây nông nghiệp, khôi phục lại rừng bằng hình thức phù hợp.

Các lực lượng quản lý bảo vệ rừng kết hợp với công an, hộ nhận khoán - tuần tra, bảo vệ rừng tại xã Đam Rông 2 trong những ngày đầu hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp
Về giải tỏa đất rừng lấn chiếm, từ đầu năm đến nay, Ban đã chỉ đạo và phối hợp với UBND các xã, các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, giải tỏa cây trồng trái pháp luật trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tái lấn chiếm thuộc lâm phần đơn vị quản lý với tổng diện tích 15,98 ha tại 33 vị trí. Đồng thời, cắm biển báo cấm tác động, không để các hộ dân tái lấn chiếm.
Theo lãnh đạo Ban QLRPH Sêrêpốk, lường trước các khó khăn, các đối tượng có thể lợi dụng thời gian chuyển giao, đi vào hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp để phá rừng, lấn chiếm đất rừng nên đơn vị đã chủ động, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn các vụ vi phạm lâm luật.
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn tình trạng nhiều người dân lợi dụng, lén lút thực hiện phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm nương rẫy, tình trạng “gặm nhấm” rừng rất khó phát hiện. Việc giải tỏa đất rừng lấn chiếm, mặc dù, đạt kết quả tốt nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thường vấp phải sự chống đối quyết liệt từ người dân. Ngoài ra, diện tích đã giải tỏa đơn vị chỉ đạo quản lý chặt, cắm các biển cảnh báo cấm tác động nhưng các hộ dân vẫn cố tình, lén lút tái lấn chiếm.
Ông Nguyễn Trọng Mận - Trưởng Ban QLRPH Sêrêpốk cho biết, trong những tháng cuối năm, đơn vị sẽ quyết liệt chỉ đạo các trạm phối hợp với kiểm lâm địa bàn, Ban Lâm nghiệp tăng cường hơn nữa trong công tác tuần tra, kiểm tra rừng trên toàn diện tích đơn vị quản lý. Trong đó, chú trọng công tác phối hợp với UBND các xã giải tỏa, thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tái lấn chiếm; tổ chức khoanh nuôi khôi phục rừng. Đặc biệt là tăng cường, tập trung lực lượng để trấn áp các đối tượng vi phạm tại các khu vực rừng có nguy cơ xâm hại cao. Chủ động, kịp thời trong phát hiện, kiên quyết xử lý các vụ vi phạm, không để tình trạng vi phạm diễn biến phức tạp, kéo dài, trở thành điểm nóng.