Tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

Thành phố Hà Nội đang tích cực chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 sẽ diễn ra trên địa bàn.

Trong dịp Đại lễ này, thành phố sẽ đón hàng trăm nghìn lượt người gồm các đại biểu trong nước và quốc tế, khách du lịch, các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành, các cán bộ, người lao động làm công tác phục vụ… Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dịp này là yêu cầu cấp thiết, không chỉ bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà còn gìn giữ hình ảnh văn minh, hiện đại của Thủ đô.

Ngày 4/7, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 176/KH-UBND nhằm tăng cường công tác bảo đảm ATVSTP trong đợt cao điểm từ ngày 1/7 đến 30/9/2025, với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng thực phẩm, từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến tiêu dùng.

Các nhà hàng, quán ăn trong khu vực, trên các tuyến đường diễn ra lễ diễu binh, diễu hành sẽ được giám sát ATVSTP nghiêm ngặt với các biện pháp như kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn, xét nghiệm nhanh và bố trí đội phản ứng nhanh xử lý ngộ độc thực phẩm.

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra một số vụ việc về ATVSTP. Điển hình là vụ án thu gom và tiêu thụ thịt lợn chết, lợn bệnh do Công an Thành phố Hà Nội vừa triệt phá. Nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn. Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu thịt nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi, một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro sức khỏe lớn đối với người tiêu dùng.

Sự việc không chỉ cho thấy sự liều lĩnh và bất chấp đạo đức của một số cá nhân vì lợi nhuận, mà còn bộc lộ những lỗ hổng trong công tác quản lý ATVSTP tại các chợ truyền thống. Trong khi thành phố tồn tại tới 85 chợ “cóc”, điểm kinh doanh tự phát, những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc.

Mặc dù thành phố đã có nhiều nỗ lực như triển khai Đề án quản lý cơ sở kinh doanh thực phẩm trong chợ giai đoạn 2022-2025, với hơn 93% cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, nhưng vẫn còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt, chỉ 14,8% cơ sở có sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc và mới chỉ xây dựng được 25 trạm xét nghiệm nhanh cho hơn 400 chợ trên toàn địa bàn.

Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu về ATVSTP trong dịp lễ lớn sắp tới, thành phố cần thực hiện đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp. Trước hết, cần siết chặt công tác quản lý chợ, kiên quyết dẹp bỏ các tụ điểm kinh doanh trái phép, chợ “cóc”, bán hàng rong gây mất an toàn thực phẩm và mỹ quan đô thị. Các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công thương cần phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, nhất là hành vi giết mổ, buôn bán động vật nhiễm bệnh.

Thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân và hộ kinh doanh về tác hại của thực phẩm không an toàn. Các đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm nghiệm nhanh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thêm trạm xét nghiệm lưu động tại các chợ.

VIỆT ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-cuong-quan-ly-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-post894445.html
Zalo