Tăng cường phòng chống bệnh viêm phổi

Ngành y tế cảnh báo thời điểm cuối năm, nhu cầu mua bán gia cầm tăng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cúm A/H5N1 ở người

Ngành y tế TP HCM vừa triển khai giải pháp ứng phó với dịch bệnh viêm phổi đang gia tăng. Thời điểm thời tiết trở lạnh vào cuối năm cũng khiến trẻ dễ mắc các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen suyễn...

Gia tăng ca bệnh

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), số trẻ mắc bệnh hô hấp có xu hướng tăng. Tháng 9-2024, trẻ điều trị ngoại trú là hơn 42.600 ca, nội trú hơn 2.300 ca. Đến tháng 11, trẻ khám ngoại trú hơn 61.500 ca, nội trú gần 3.000 ca.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng Khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết khoa đang điều trị khoảng 170 - 200 trẻ. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 30 trẻ nhập viện điều trị vì các bệnh liên quan đường hô hấp.

"Thời tiết chuyển lạnh, đường hô hấp của trẻ nhạy cảm, dễ mắc các bệnh liên quan. Không chỉ TP HCM mà một số khu vực khác, khi thời tiết chuyển lạnh, tỉ lệ trẻ mắc bệnh hô hấp sẽ cao hơn so với các thời điểm khác trong năm" - bác sĩ Phong khuyến cáo.

Bác sĩ thăm khám cho trẻ điều trị bệnh hô hấp tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM)

Bác sĩ thăm khám cho trẻ điều trị bệnh hô hấp tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM)

Theo bác sĩ Phong, trẻ nhập viện điều trị thường trong tình trạng có biến chứng đường hô hấp như ho, khó thở vì viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen suyễn. Tình trạng trở nặng ở một số trẻ vốn bị bệnh tim bẩm sinh. Trẻ có sức đề kháng yếu cũng dễ bị ảnh hưởng nặng hơn trong mùa lạnh. Những trường hợp viêm đường hô hấp dưới ở trẻ thường có biểu hiện khó thở, thậm chí dẫn đến suy hô hấp nặng, cần hỗ trợ thở ôxy hoặc thở CPAP trong môi trường cấp cứu.

Vì vậy, khi trẻ có các triệu chứng bệnh hô hấp nhẹ (ho, sổ mũi, sốt…), phụ huynh nên đưa đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị sớm. Việc điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

"Để phòng ngừa, phụ huynh cần chú ý giữ ấm cho trẻ, bổ sung đủ nước, vitamin và trái cây, cũng như bảo đảm vệ sinh nơi ở và đồ chơi của trẻ. Hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người. Đặc biệt, khi trẻ có các triệu chứng như sốt nhẹ, ho, sổ mũi thì cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được can thiệp kịp thời, tránh những diễn biến bệnh nghiêm trọng" - bác sĩ Phong lưu ý.

Không nên hoang mang

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cảnh báo thời điểm cuối năm cũng là lúc nhu cầu mua bán gia cầm tăng mạnh, có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cúm A (H5N1) ở người.

Theo Sở Y tế TP HCM, báo cáo gần đây cho thấy bệnh nhân viêm phổi nhập viện gia tăng. Đáng chú ý, một ca bệnh cúm A (H5) đã được chuyển từ tỉnh Long An lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM điều trị.

Trước tình hình này, ngành tế TP HCM vừa triển khai các biện pháp phòng ngừa và giám sát chặt chẽ để ứng phó dịch bệnh. Một số biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm phổi nặng do virus (SVP), nhất là trong bối cảnh diễn biến có chiều hướng phức tạp, cần được chú trọng. Trong đó, tất cả người bệnh đến khám hoặc điều trị tại cơ sở y tế cần tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang, kể cả trong khuôn viên cơ sở y tế, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Sở Y tế giao HCDC phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện giám sát các trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng do virus (SVP).

Nhận định về bệnh viêm phổi nặng do virus (SVP), PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế Công cộng - Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho rằng đây không phải là virus mới. Thông tin trên chủ yếu là thông tin nội bộ trong ngành, dành cho các cơ sở y tế; không phải là thông báo trực tiếp đến người dân.

Do vậy, người dân không cần quá lo ngại. Sở Y tế TP HCM chưa công bố thông tin rõ ràng về loại virus gây bệnh nhưng có thể đây là một loại viêm phổi do virus có khả năng tiến triển nặng. Bệnh này không có nhiều khác biệt so với các bệnh lý viêm phổi khác, ngoài việc có một số trường hợp diễn biến nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ Dũng cho rằng người dân có thể tự nhận biết mình có nằm trong nhóm nguy cơ cao hay không, thông qua các yếu tố phổ biến của bệnh viêm phổi nặng. Những đối tượng dễ bị ảnh hưởng là người lớn tuổi (vì hệ miễn dịch suy yếu theo thời gian); người mắc bệnh lý hô hấp mạn tính như COPD (tăng nguy cơ suy hô hấp khi mắc viêm phổi); người có bệnh tim mạch (viêm phổi có thể kích hoạt các biến chứng về tim, dẫn đến suy tim); người mắc bệnh đái tháo đường (do hệ miễn dịch suy yếu, khiến việc phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng gặp khó khăn); người suy giảm miễn dịch (do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh tự miễn, ung thư...) hoặc có rối loạn dinh dưỡng. Bên cạnh đó, trẻ em cũng là nhóm có nguy cơ cao mắc các bệnh lý hô hấp nặng.

"Nếu tác nhân gây bệnh được xác định cụ thể, việc tiêm phòng vắc-xin sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc giảm nguy cơ và cải thiện tiên lượng bệnh. Tuy nhiên, hiện tại, người dân không cần quá lo lắng về bệnh này, trừ khi có thông tin chính thức từ ngành y tế. Trong thời gian này, mọi người nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chung và theo dõi thông tin từ các cơ quan y tế khi có cập nhật mới" - bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Tăng cường phòng ngừa

Theo các bác sĩ, để phòng ngừa bệnh viêm hô hấp, mọi người nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đồng thời che miệng, mũi khi ho, hắt hơi. Ngoài việc tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng, người dân nên tiêm các vắc-xin cúm và phế cầu nếu có điều kiện. Trẻ có bệnh lý nền cần được theo dõi và điều trị ổn định để giảm nguy cơ biến chứng. Với người lớn, phụ nữ mang thai và người cao tuổi, người có bệnh lý nền cần tiêm vắc-xin cúm hằng năm. Người có triệu chứng viêm hô hấp nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người dễ bị tổn thương. Ngoài ra, cần giữ ấm cơ thể, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và giữ gìn môi trường sống sạch sẽ để phòng bệnh.

Bài và ảnh: HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tang-cuong-phong-chong-benh-viem-phoi-196241212210907082.htm
Zalo