Tăng cường phối hợp với Viettel, đẩy nhanh nhiệm vụ chuyển đổi số của Quốc hội
Chiều 14/7, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phối hợp triển khai các nhiệm vụ Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số 6 tháng đầu năm giữa Văn phòng Quốc hội (VPQH) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; Thượng tá Nguyễn Đạt, Phó Tổng giám đốc Viettel đồng chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Vụ Chuyển đổi số, Vụ Hành chính, Văn phòng Đảng ủy, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản trị, lãnh đạo và cán bộ Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2024, VPQH đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết số 1343/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030; Thực hiện Nghị quyết, UBTVQH đã lựa chọn Tập đoàn Viettel là tập đoàn duy nhất hỗ trợ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tiến hành công tác chuyển đổi số. Thực tế triển khai Nghị quyết, trong 6 tháng đầu năm, trên cơ sở hợp tác tích cực giữa Văn phòng Quốc hội và Tập đoàn Viettel, bước đầu đã thực hiện được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Kết quả này đã góp phần vào sự thành công của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV vừa qua. Hội nghị đặt mục tiêu cho 6 tháng cuối năm là tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, tìm ra nguyên nhân để hai cơ quan phối hợp giải quyết, qua đó giúp công tác chuyển đổi số của Quốc hội hiệu quả và thiết thực hơn.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị
Trình bày báo cáo công tác phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội trong nhiệm vụ chuyển đổi số Quốc hội, đại diện Vụ Chuyển đổi số cho biết, trong 6 tháng đầu năm, với nhiệm vụ xây dựng Đề án Chuyển đổi số Quốc hội: Văn phòng Quốc hội và Tập đoàn Viettel đã phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng Đề án Chuyển đổi số Quốc hội, nghiên cứu, khảo sát tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các vụ trực thuộc Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội. Kết quả nghiên cứu, khảo sát đã xác định: Có 248 quy trình thực hiện 06 lĩnh vực trụ cột theo chức năng của Quốc hội bao gồm: Công tác lập pháp; công tác giám sát; công tác quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; công tác dân nguyện; công tác đại biểu và công tác đối ngoại. Đề xuất các quy trình chung, tin học hóa trên các Hệ thống thông tin phục vụ 06 lĩnh vực trụ cột trên. Phối hợp cho ý kiến với đơn vị tư vấn để hoàn thiện Đề án Chuyển đổi số Quốc hội.
Với nhiệm vụ này, còn tồn tại một số hạn chế cơ bản như: Hoạt động của Quốc hội rất đặc thù, theo nhiều lĩnh vực, nghiệp vụ phức tạp; thời gian để Tập đoàn Viettel khảo sát chưa nhiều nên quá trình thực hiện “vừa làm, vừa chỉnh sửa, bổ sung”; cán bộ làm công nghệ thông tin (CNTT) chưa am hiểu nhiều về tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Sau khi tinh gọn, sáp nhập tổ chức bộ máy, có sự thay đổi về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội nên phải thực hiện lại công tác rà soát, cập nhật, chỉnh sửa lại các quy trình xử lý công việc trên môi trường số.
Đối với nhóm nhiệm vụ phối hợp trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh mạng, an toàn bảo mật thông tin, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Tập đoàn Viettel xử lý sự cố về an toàn thông tin (ATTT) trong hệ thống mạng CNTT của Văn phòng Quốc hội (mã độc lây nhiễm trên một số máy tính cá nhân, lây nhiễm trên một số máy chủ).
Tập đoàn Viettel đã triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin (SOC), trung tâm giám sát mạng (NOC) cho toàn bộ các thiết bị mạng, thiết bị mạng truyền dẫn tại các trụ sở: Nhà Quốc hội, 22 Hùng Vương, 35 Ngô Quyền. Hiện nay, bên cạnh việc giám sát của các đơn vị chuyên môn như Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Tư lệnh 86, thì hệ thống mạng CNTT của Văn phòng Quốc hội được giám sát thường xuyên 24/7 qua hệ thống của Tập đoàn Viettel.
Tuy nhiên hiện nay, hạ tầng kỹ thuật CNTT của Văn phòng Quốc hội được đầu tư đã lâu nên việc xử lý các sự cố về ATTT khó dứt điểm (máy chủ cũ không cập nhật được các phiên bản mới nhất của hệ điều hành; phần mềm cơ sở dữ liệu được xây dựng trên các công nghệ cũ nên không thể cập nhật được các bản vá lỗi ...)

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Trong thời gian tới, Văn phòng Quốc hội hoàn thiện phương án kỹ thuật và khái toán thuê dịch vụ đảm bảo an toàn thông tin cho toàn bộ hệ thống CNTT của Văn phòng Quốc hội; đồng thời, nghiên cứu phương án đầu tư một số trang thiết bị CNTT đảm bảo thay thế các trang thiết bị đã cũ, không còn phù hợp với điều kiện sử dụng hiện tại.
Theo Nghị quyết số 1343, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu khách quan đối với mỗi quốc gia và trong tất cả các lĩnh vực. Nhiều nước đã xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình quốc gia về chuyển đổi số, tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và học máy, tăng cường tự động hóa quy trình … Ở nước ta, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục xác định chuyển đổi số là một tất yếu khách quan và đặt mục tiêu chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia; hình thành hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương liên thông, đồng bộ và thống nhất.
Quốc hội là cơ quan trọng yếu, xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô; giám sát tối cao các hoạt động của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ thông tin đã lạc hậu, nhiều thiết bị xuống cấp và hầu như không có dự phòng; đầu tư cho công nghệ thông tin còn hạn chế; chưa kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; công tác bảo đảm an toàn thông tin tiềm ẩn rủi ro; một số cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin; đội ngũ công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại Quốc hội trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiên tiến, hiện đại là cấp thiết, nhằm: (1) Tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về phương thức hoạt động, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, giảm thời gian giải quyết công việc, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của Quốc hội trên môi trường số; (2) Bảo đảm tương thích với chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; (3) Đáp ứng các yêu cầu, chuẩn mực chung về công nghệ thông tin và chuyển đổi số của quốc gia; (4) Đồng bộ hạ tầng số, các nền tảng công nghệ số, các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan trung ương và các cơ quan của Quốc hội.