Tăng cường giám sát việc phục hồi môi trường các mỏ đất hết hạn
Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các cấp ngành, địa phương liên quan tăng cường giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khi hết thời hạn cấp phép khai thác đối với các mỏ đất phục vụ san lấp.
Chây ỳ đóng cửa mỏ sau khi hết hạn khai thác
Thời gian qua, tình trạng các mỏ khoáng sản đã kết thúc khai thác, nhưng chây ỳ đóng cửa mỏ theo quy định, khiến người dân trong khu vực có mỏ khoáng sản bức xúc, liên tục phản ánh đến các cơ quan chức năng.
Điển hình như cử tri xã Tịnh Thiện (TP Quảng Ngãi) đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo xử lý dứt điểm việc phục hồi môi trường, bàn giao mặt bằng cho địa phương sau khi khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp đã thực hiện khai thác đất đồi trên địa bàn xã này.
UBND tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, nhiều mỏ khoáng sản đã kết thúc khai thác, nhưng chưa hoàn thành công tác đóng cửa mỏ. Nguyên nhân chính là do các đơn vị chưa nghiêm túc, chậm thực hiện đóng cửa mỏ, trong khi các sở, ngành, địa phương chưa kiên quyết xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, quy định pháp luật chưa rõ ràng đối với trường hợp mỏ khoáng sản khi chủ mỏ bị thu hồi đăng ký kinh doanh, nhưng chưa giải thể, phá sản.
Cụ thể với mỏ đất Núi Đoài (xã Tịnh Thiện, TP Quảng Ngãi), ngày 11/9/2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Xây lắp và Thương mại Xuân Phát.
Mỏ đất Núi Đoài hết phép vào ngày 12/9/2018, nhưng sau khi kết thúc khai thác, công ty trên không cải tạo, phục hồi môi trường, không đóng cửa mỏ. Hiện tại, Công ty này đã bị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng chưa thuộc trường hợp phá sản, giải thể, nên UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa có cơ sở tổ chức thực hiện việc sử dụng tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của mỏ đất Núi Đoài để cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ theo quy định tại khoản 2, Điều 46, Nghị định 158/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.
Trước những phán ảnh của cử tri xã Tịnh Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo sở, ngành chuyên môn tham vấn ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện theo quy định.
Tương tự, mỏ đất núi Tân An (thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện) của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân dù đã lập Đề án đóng cửa mỏ và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1452/QĐ-UBND ngày 28/12/2023, nhưng công ty này vẫn kéo dài thời gian thực hiện đóng cửa mỏ. Với trường hợp này, ông Hiền cho biết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở TN&MT xử lý vi phạm và yêu cầu Công ty nghiêm túc thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định.
“Cứng rắn” thực hiện
Liên quan đến việc thực hiện phục hồi môi trường sau khi hết thời hạn cấp phép khai thác đối với các mỏ đất phục vụ san lấp trên địa bàn TP Quảng Ngãi, lãnh đạo tỉnh này vừa có buổi đi thực tế giám sát việc này.
Tại buổi giám sát, lãnh đạo Sở TN&MT Quảng Ngãi thông tin, đến tháng 10/2024 trên địa bàn TP Quảng Ngãi có 18 điểm mỏ đã đóng cửa. Đơn vị đã tổ chức thẩm định 6 điểm mỏ và có 16 đơn vị chưa nộp hồ sơ đóng cửa mỏ; tham mưu UBND tỉnh xử phạt 2 tổ chức chưa đóng cửa mỏ trên địa bàn thành phố. Trong năm 2024, Sở TN&MT đã có Công văn yêu cầu các tổ chức hết thời hạn khai thác nộp đề án đóng cửa mỏ để thẩm định đóng cửa mỏ theo quy định,... Qua thẩm định đóng cửa mỏ trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi đã phát sinh một số vướng mắc.
Ngoài ra, Sở TN&MT cũng thông tin cho đoàn giám sát về vướng mắc sau thẩm định đóng cửa mỏ trên địa bàn TP Quảng Ngãi.
Theo đó, về cao trình cấp phép, khai thác một số điểm mỏ, qua so sánh, đối chiếu bản đồ đo vẽ địa hình trước khi cấp phép, với bản đồ đo vẽ địa hình kết thúc khai thác cho thấy, cao trình tại khu vực mỏ chưa khai thác, thấp hơn cao trình trước khi cấp phép.
“Vướng mắc này đã gây nhiều khó khăn cho Hội đồng thẩm định xác định khối lượng khoáng sản thực tế đã khai thác, trữ lượng còn lại, cơ sở để xác định cao trình phục hồi môi trường, hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác và các nghĩa vụ tài chính liên quan”, đại diện Sở TN&MT Quảng Ngãi nói.
Trong thời gian đến, Sở TN&MT sẽ tiếp tục rà soát, đôn đốc các tổ chức cá nhân hoạt động khoáng sản, thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định; phối hợp với các cấp, sở, ngành liên quan, để tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đánh giá tình hình cải tạo, phục hồi môi trường đối với các mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác.
Đồng thời, đề xuất giải pháp sử dụng tiền ký quỹ để cải tạo, phục hồi môi trường đối với các đơn vị đã giải thể, hoặc phá sản nhưng chưa thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường mỏ, để làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh đóng cửa mỏ theo quy định.
Qua giám sát thực tế tại 5 mỏ đất ở xã Tịnh Ấn Đông, Tịnh Thiện (TP Quảng Ngãi), Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Cao Phúc nhấn mạnh, việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khi hết thời hạn cấp phép khai thác đối với các mỏ đất phục vụ san lấp trên địa bàn TP Quảng Ngãi là vấn đề bức xúc, được bà con cử tri nhiều lần kiến nghị. Qua thực tế giám sát tại các mỏ cho thấy việc đóng cửa mỏ còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Ông Phúc yêu cầu, các cấp, sở ngành liên quan hỗ trợ, đôn đốc các chủ mỏ nghiêm túc thực hiện theo quy định, để đảm bảo cho người dân sản xuất và quản lý của địa phương.
“Những nội dung địa phương, người dân và doanh nghiệp kiến nghị thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước thì Sở TN&MT quan tâm đồng hành, hỗ trợ để cùng tháo gỡ khó khăn. Những vấn đề còn vướng mắc thì tổng hợp, đề xuất để Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại TP Quảng Ngãi kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm giải quyết dứt điểm trong thời gian tới, nhằm làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản”, ông Phúc nói.