Tăng chế tài xử lý mua bán hóa đơn và trốn thuế
Mua bán hóa đơn và trốn thuế là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và xã hội. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh đấu tranh, xử lý nghiêm.
Trốn thuế làm giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu cho các dịch vụ công như giáo dục, y tế và hạ tầng. Gây thiếu hụt ngân sách do trốn thuế có thể làm giảm khả năng thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Nhóm đối tượng tại cơ quan điều tra
Các doanh nghiệp thực hiện mua bán hóa đơn và trốn thuế có lợi thế cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, gây ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Hành vi này làm giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống thuế và các cơ quan quản lý nhà nước.
Trốn thuế có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp không đầu tư vào phát triển bền vững, làm giảm năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động mua bán hóa đơn có thể đối mặt với các rủi ro pháp lý, bao gồm bị xử phạt, truy thu thuế và mất uy tín.

Hệ lụy lớn của mua bán hóa đơn, trốn thuế
Mua bán hóa đơn và trốn thuế có thể dẫn đến việc hình thành các thói quen xấu trong xã hội, làm gia tăng các hành vi gian lận và vi phạm khác. Những người tuân thủ nghĩa vụ thuế phải gánh chịu gánh nặng lớn hơn, trong khi những người trốn thuế lại được hưởng lợi.
Việc mua bán hóa đơn và trốn thuế có thể góp phần làm gia tăng tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, khi mà các cá nhân có thể bị hối lộ để bỏ qua các hành vi vi phạm.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách trong việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, một số doanh nghiệp thành lập nhưng không hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chỉ để mua, bán hóa đơn giá trị gia tăng và trốn thuế nhằm thu lợi bất chính, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.

Cơ quan tố tụng khởi tố vụ án, khởi tố bị can mua bán hóa đơn
Để che đậy hành vi phạm tội và đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng thường sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi như: đăng ký thành lập “công ty ma”, đăng ký mã số thuế, đăng ký sử dụng hóa đơn, sau đó tổ chức bán hóa đơn hàng loạt với số lượng, doanh số lớn rồi bỏ trốn; lợi dụng hoạt động sản xuất, kinh doanh để mua bán hóa đơn với hình thức nâng khống giá trị hàng hóa mua bán trên các hóa đơn...
Công an tỉnh Thanh Hóa đã chủ động triển khai các biện pháp nắm tình hình, nỗ lực điều tra làm rõ các vụ án, chuyên án, bắt giữ các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong hoạt động kinh tế, kinh doanh đến các cơ sở, chủ doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm đưa các bị cáo mua bán hóa đơn, trốn thuế ra xét xử
Ngoài ra tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế và kê khai thuế tại các đơn vị, doanh nghiệp nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn chấn chỉnh các vi phạm, không để xảy ra phức tạp, gây mất an ninh trật tự.
Mới đây, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thi hành quyết định khởi tố 8 bị can về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”, gây thất thoát tiền thuế của Nhà nước hàng tỷ đồng.
Bao gồm: Lê Thị Thanh Hường, sinh năm 1977 ở phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình (tỉnh Phú Thọ mới); Ngô Thị Thu Hương, sinh năm 1989 ở xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (xã Tây Đô mới, Thanh Hóa); Nguyễn Thị Tùng, sinh năm 1965; Lê Thị Ngọc Ánh, sinh năm 1986 đều ở phường Ba Đình (phường Bỉm Sơn mới) tỉnh Thanh Hóa.
Tô Văn Phong, sinh năm 1961; Đinh Thị Hà, sinh năm 1966 đều ở phường Nam Bình, thành phố Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình mới); Lê Thị Lý, sinh năm 1989 và Tạ Quang Triệu, sinh năm 1959 đều ở phường Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình mới).
Theo kết quả điều tra, Nguyễn Thị Tùng là Giám đốc trực tiếp điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Yên Thế, địa chỉ ở khu phố 7, phường Ba Đình (phường Bỉm Sơn mới, tỉnh Thanh Hóa) hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng và vận tải đã thường xuyên móc nối với một số công ty khác trên địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng, gây thất thoát hàng tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.
Trước đó, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tố 2 bị can về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”, gồm: Phạm Thị Thanh, (sinh năm 1954, trú tại phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa (phường Đông Tiến mới) Giám đốc Công ty cổ phần khai thác đá Thanh Sơn và Công ty TNHH đá Thiên Phúc) và Nguyễn Tiến Nam (sinh năm 1984 trú tại huyện Hậu Lộc (xã Hậu Lộc mới) kế toán của Phạm Thị Thanh).
Quá trình điều tra cho thấy, Phạm Thị Thanh với vai trò là Giám đốc 2 Công ty Thanh Sơn và Thiên Phúc (2 Công ty này được cấp phép tổ chức khai thác, chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng) đã chỉ đạo Nguyễn Tiến Nam là kế toán xuất khống 99 số hóa đơn cho 56 doanh nghiệp trên địa bàn 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, qua đó thu lời bất chính và gây thất thoát hàng chục tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.
Để thực hiện được hành vi trên, mỗi khi có khách hàng cần mua hóa đơn, Phạm Thị Thanh sẽ giao quyển hóa đơn của Công ty Thanh Sơn hoặc công ty Thiên Phúc cho Nguyễn Tiến Nam tự viết nội dung. Sau đó, Thanh ký, đóng dấu trực tiếp vào hóa đơn. Khách hàng mua hóa đơn sẽ chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Thanh Sơn hoặc Công ty Thiên Phúc mở tại ngân hàng.
Nguyễn Tiến Nam là người trực tiếp nhận tiền từ tài khoản này, hoặc nhờ bạn bè cùng làm kế toán nhận hộ. Các trường hợp không thực hiện chuyển tiền thì bên mua hóa đơn thanh toán bằng tiền mặt. Hành vi của Phạm Thị Thanh và Nguyễn Tiến Nam đủ yếu tố cấu thành tội “Mua bán trái phép hóa đơn” quy định tại khoản 2, Điều 203 Bộ luật hình sự.
Mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng là hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thu thuế cho Nhà nước và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp.
Bên cạnh các biện pháp tăng cường siết chặt công tác quản lý sử dụng hóa đơn để chống thất thu thuế, cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chương trình phối hợp giữa cơ quan thuế và Công an nhằm trao đổi thông tin, tài liệu, dữ liệu, truy vết những người nộp thuế có dấu hiệu mua bán hóa đơn, góp phần phòng ngừa, trấn áp tội phạm trong lĩnh vực quản lý thuế và hóa đơn.
Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm đưa các bị cáo trị truy tố về tội trốn thuế, mua bán hóa đơn đưa ra xet xử công khai để xử lý nghiêm quy định của pháp luật.