TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm

TAND cấp tỉnh có quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND cấp huyện, TAND khu vực đã có hiệu lực pháp luật.

Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết 01/2025 hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các TAND.

Theo đó, kể từ ngày 1-7-2025, TAND cấp tỉnh tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền sau đây:

1. Sơ thẩm vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, giải quyết phá sản và các vụ việc khác mà TAND cấp tỉnh đã thụ lý trước ngày 1-7-2025 nhưng chưa giải quyết xong.

2. Giải quyết sơ thẩm vụ án hình sự quy định tại khoản 2 Điều 268 của Bộ luật Tố tụng hình sự đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 99/2025/QH15.

Cụ thể, các vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của TAND khu vực và các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của TAND khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; vụ án mà khi xử lý có ảnh hưởng đến chính trị, đối ngoại; vụ án mà người phạm tội là cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp tỉnh trở lên, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc thiểu số.

 TAND TP.HCM có trụ sở chính tại địa chỉ số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành và hai trụ sở khác ở phường Bà Rịa và phường Thủ Dầu Một, TP.HCM. Ảnh: SONG MAI

TAND TP.HCM có trụ sở chính tại địa chỉ số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành và hai trụ sở khác ở phường Bà Rịa và phường Thủ Dầu Một, TP.HCM. Ảnh: SONG MAI

3. Sơ thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

4. Phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định của TAND cấp huyện, TAND khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

5. Phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp tỉnh bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

6. Xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND cấp huyện, TAND khu vực đã có hiệu lực pháp luật.

7. Xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND cấp huyện đã có hiệu lực pháp luật mà TAND cấp cao đã thụ lý trước ngày 1-7-2025 nhưng chưa giải quyết xong.

8. Giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 85/2025/QH15; Điều 7 của Luật Trọng tài thương mại đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 81/2025/QH15 và Điều 2 của Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15.

9. Giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của TAND cấp huyện, TAND khu vực trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

10. Giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản của TAND cấp huyện, TAND khu vực.

Giải quyết vụ việc phá sản mà quyết định của TAND cấp tỉnh bị hủy để giải quyết lại.

11. Xem xét, ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án đối với trường hợp TAND cấp tỉnh đã tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án và các bên có yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại TAND cấp huyện, TAND vực theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

12. Thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm yêu cầu dẫn độ, yêu cầu chuyển giao hoặc tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà TAND cấp tỉnh đã thụ lý trước ngày 1-7-2025 nhưng chưa giải quyết xong.

13. Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với quyết định dẫn độ, quyết định chuyển giao hoặc quyết định tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù của TAND khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

14. Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trong tố tụng của người tiến hành tố tụng là Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Hội thẩm nhân dân của TAND cấp tỉnh; Chánh án TAND cấp huyện, Chánh án TAND khu vực; giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chánh án TAND cấp huyện, Chánh án TAND khu vực.

15. Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng thuộc TAND cấp tỉnh, trừ Chánh án, Phó Chánh án; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp huyện, TAND khu vực.

16. Chánh án TAND cấp tỉnh kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật.

17. TAND cấp tỉnh sau sắp xếp kế thừa quyền, trách nhiệm của các TAND cấp tỉnh được sắp xếp theo quy định của pháp luật.

18. Giải quyết các vụ việc, thực hiện nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tand-cap-tinh-co-tham-quyen-giam-doc-tham-tai-tham-post858734.html
Zalo